Cuộn rơm con cúi: Vũ khí diệu kỳ trong lịch sử dân tộc
Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu khẳng định, cuộn rơm con cúi đã trở thành vũ khí nông dân diệu kỳ giúp dân tộc ta đại thắng Chiến dịch Điện Biên Phủ, đại thắng quân Thanh tại Trận Ngọc Hồi Đống Đa.
Cứ mỗi độ xuân về, Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu cùng kỹ sư Vũ Đình Thanh - người phục dựng mô phỏng nỏ thần An Dương Vương lại đến thăm di tich lịch sử gò Đống Đa (Hà Nội). Tại đây kỹ sư Vũ Đình Thanh đã có phát hiện về vũ khí phốt pho của vua Quang Trung và được vị tướng giầu kinh nghiệm trận mạc, trực tiếp phải đối phó với vũ khí phốt pho trong kháng chiến chống Mỹ kiểm chứng và xác nhận.
Theo tướng Hiệu, trong Trận Ngọc Hồi Đống Đa, giặc Thanh rất đông và rất mạnh.Khi đó, chỉ huy tối cao của giặc là vua Càn Long nhà Thanh hàng ngày trực tiếp chỉ huy bằng cách ra chỉ dụ. Thế nhưng, đội quân mà theo hịch của chủ tướng giặc Tôn Sĩ Nghị là 1 triệu quân đó đã bị ngọn lửa phốt pho khủng khiếp như lửa từ rồng phun ra chỉ trong một trận diễn ra vài ngày thiêu rụi, dù chúng cố thủ trong thành lũy kiên cố.
Đối với vũ khí phốt pho, thành lũy càng kiên cố càng dễ bị chết ngạt vì thiếu oxy, điển hình là cái chết toàn thây không vết đâm chém vì ngạt oxy của tướng nhà Thanh Sầm Nghi Đống và 300 thuộc hạ mà nhiều người lầm tưởng là thắt cổ tự sát.
Tất cả những thông tin về vũ khí phốt pho đều bị nhà Nguyễn, nhà Thanh tìm mọi cách bưng bít. Bằng chứng về loại vũ khí uy lực phốt pho - thứ vũ khí đã giúp con cháu Lạc Hồng một lần nữa giữ được toàn vẹn lãnh thổ trong thời khắc vô cùng quan trọng của lịch sử,đã được những người tâm huyết với lịch sử đất nướctìm ra. Vũ khí phốt pho tạo ra ngọn lửa của rồng thiêu cháy hàng chục vạn quân Thanh tại trận Ngọc Hồi Đống Đa mà chính sử nhà Thanh mô tả rất rõ: “Từ cửa ải Nam Quan trở về Bắc, trai gái già trẻ bồng bế dắt díu nhau chạy trốn, suốt vài trăm dặm, lặng ngắt không còn bóng người”.
Tướng Hiệu và kỹ sư Thanh cũng có thêm một bằng chứng rõ ràng gắn liền với vũ khí phốt pho, đó là cuộn rơm con cúi giúp bộ đội ta tránh đạn, góp phần không nhỏ vào chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Tướng Hiệu và kỹ sư Thanh phân tích: Nhà Nguyễn để bịt mọi thông tin về vũ khí phốt pho đã dùng tiểu thuyết Hoàng Lê Nhất Thống Chí mô tả trận Ngọc Hồi Đống Đa,quân Tây Sơn dùng tấm phản để tránh đạn và sau đó leo vào đồn Ngọc Hồi dùng dao kiếm kịch chiến với địch. Trong bối cảnh quân Thanh rất thiện chiến, võ nghệ cao cường, còn các chiến binh Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh là những người nông dân vừa nhập hàng ngũ Tây Sơn vài ngày trước đó.
Thế nhưng, quốc sử quán triều Nguyễn và sử nhà Thanh trong cuốn Thanh Thục Lục đều ghi là cuộn rơm: “Vào giờ ngọ, quân nam bắn hỏa châu, hỏa tiễn tới tấp; lại dùng rạ bó to lăn mà tiến đều, khinh binh theo sau, trước ngã, sau tiến lên, một lòng quyết chiến, tại các trại, quân Thanh đồng thời tan vỡ, quân nam thừa thắng chém, giết, quân Thanh bị tử thương quá nửa”.
Năm 2024, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, mọi người hiểu rõ thêm về cuộn rơm con cúi đã giúp bộ đội ta tránh được đạn hiện đại ngày nay. Thứ vũ khí nông dân này chắc chắn tránh được đạn thô sơ thời nhà Thanh.
Việc quân Tây Sơn sử dụng cuộn rơm con cúi chứng minh quân Tây Sơn hoàn toàn không có ý định lao vào đồn Ngọc Hồi mà dùng “hỏa tiễn hỏa châu bắn tới tấp” vào đồn giặc. Phốt pho trong hỏa tiễn, hỏa châu khiến đồn giặc biến thành một cái lò với nhiệt độ cháy lên tới 2000 độ C, không có ô xy và mù mịt khói phốt pho siêu độc khiến quân Thanh chết cháy, tắc đường thở vì ngộ độc khói phốt pho hay chết ngạt, tai biến vì thiếu oxy.
Các hình thức sử dụng lựu đạn phốt pho của nghĩa quân Tây Sơn uy lực không kém gì bom phốt pho ngày nay.
Nếu quân Thanh chậm một chút không bỏ chạy ra ngoài thì chắc chắn đồn Ngọc Hồi sẽ là mồ chôn cùng lúc hàng vạn quân Thanh. Hàng vạn quân Thanh bỏ chạy đó đều bị tai biến, bị ngộ độc, tắc đường thở thực chất là hàng vạn thương binh hoàn toàn không có sức chiến đấu, cố gắng bỏ chạy để rồi những chiến binh nông dân chỉ vài ngày trước đó còn đang đi cày xông lên chém chết khiến “máu chảy ngập mắt cá chân” và sau đó xác chôn thành 12 gò đống. Một gò đống còn lại đến ngày nay là gò Đống Đa.
Quyết định bỏ chạy khi gặp vũ khí phốt pho của chủ tướng giặc Tôn Sĩ Nghị khi đó khiến cầu phao bị tắc nghẽn và nhiều lính nhà Thanh chết đuối là quyết định đúng đắn nhất, vì theo chính sử nhà Thanh mô tả hỏa cầu của Tây Sơn "Nó (chỉ hỏa hổ, hỏa cầu) nhanh như sấm chớp, nóng như thò tay vào vạc dầu. Quân có tinh nhuệ đến mấy cũng không thể nào tránh, chống đỡ được. Gặp vũ khí này thì gươm đao cũng thành vô hiệu, các dụng cụ công thành, khiên mác cũng hóa vô dụng”.
Cắn cứ vào mô tả của sử nhà Thanh và căn cứ vào các mẫu hỏa cầu Tây Sơn trong các bảo tàng, kỹ sư Thanh với kinh nghiệm trực tiếp sản xuất kachiusa phốt pho đã khẳng định đó là hỏa cầu phốt pho. Thành hỏa cầu rất dày, không bị vỡ ra khi hỏa cầu nổ, hỏa cầu nổ, chỉ tung phốt pho vào không khí rồi phốt pho tự cháy trong không khí với nhiệt độ lớn, gây ngạt thở.
Hình ảnh hai người lính Tây Sơn khiêng một thuyền trong cuộc hành quân ra Bắc lại càng khẳng định đó là vũ khí phốt pho vì phốt pho khi vận chuyển phải được dìm trong nước.
Theo kỹ sư Thanh, hỏa hổ của Tây Sơn có chứa phốt pho được mô tả rõ ràng trong sử triều Nguyễn “hỏa đồng còn có tên là hỏa hổ, có bầu lớn, dài chừng một thước (khoảng 30cm), khi lâm trận phun lửa, trong ống tống nhựa thông ra, trúng phải đâu, lập tức bốc cháy” và “Tây Sơn dùng nhựa cây trộn với dầu mỏ chế ra loại hỏa dược cháy lâu và không thể dập tắt”.
Cùng với bằng chứng là các ống hỏa hổ của Tây Sơn trong bảo tàng,kỹ sư Thanh kết luận các ống hỏa hổ đó như là ống phóng pháo hoa hay pháo thăng thiên phóng đầu nổ có chứa phốt pho nên có khả năng “trúng phải đâu, lập tức bốc cháy”.
Hình ảnh mô tả quân Tây Sơn đồng loạt bắn hàng vạn hỏa hổ, tạo biển lửa như từ rồng phun ra thiêu cháy giặc.
Về nguồn phốt pho, tại Việt Nam là vô tận, đó là rất nhiều hang dơi khổng lồ trải khắp từ Bắc chí Nam mà thành phần phốt pho trong phân dơi tại các hang đó có từ nhiều năm. Ngoài các hang dơi chúng ta còn có trữ lượng phốt pho hàng triệu tấn trong phân chim trên các đảo ngoài khơi vùng biển Việt Nam đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa, trải hàng nghìn năm lượng phốt pho trong phân chim tầng tầng lớp lớp.
Phân dơi, phân chim được sử dụng để làm thuốc nổ đen và vũ khí phốt pho, như vậy vua Quang Trung hoàn toàn có lý do để lên kế hoạch đánh chiếm nhà Thanh vì vua có nguồn nguyên liệu khổng lồ để chế tạo vũ khí phốt pho.
Việc chế tạo phốt pho đã được đồng bào miền núi quanh các hang dơi thực hiện từ hàng ngàn năm trước, trước khi ông Hannig Brand năm 1669 được thế giới công nhận là tìm ra phốt pho. Đồng bào dân tộc lấy đất ngấm đẫm nước đái dơi về nấu, như nấu rượu, tức cho vòi chưng cất chảy vào bình nước, phốt pho sẽ lắng đọng lại trong bình nước, các tạp chất khác bay hơi khỏi nước. Ông Hannig Brand thì dùng nước đái người. Hai cách làm tuy tương đồng nhưng kết quả lại hoàn toàn khác biệt vì thành phần phốt pho trong phân dơi, phân chim tại Việt Nam lên tới 30% trong khi trong nước đái người chỉ có quanh 0,1% .
Điều này cũng lý giải, vua Quang Trung, các thân cận của vua như tướng Phan Văn Lân, hai anh em của vua đều bị chết cùng một thời điểm vì phơi nhiễm phốt pho trong thời gian dài khi điều chế phốt pho. Dấu hiệu bị phơi nhiễm phốt pho như huyễn vận tức thiếu máu vì tủy xương không sinh hồng cầu, hoại tử xương hàm đều được sử sách ghi lại.
Nhà Nguyễn sau những thất bại liên tiếp khi gặp phải vũ khí phốt pho của vua Quang Trung đã được người Pháp tư vấn về cách đối phó với vũ khí phốt pho. Đó là giãn cách ngoài tầm vũ khí phốt pho của vua Quang Trung, dùng súng của Pháp có tầm bắn xa.