Cuốn sách của đồng chí Nguyễn Phú Trọng và mệnh lệnh chấn hưng văn hóa (Kỳ 1)
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một công trình có ý nghĩa đặc biệt, góp phần quan trọng làm rõ bản sắc, hoạch định đường hướng căn bản và lâu dài đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong cuốn sách, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã gửi tới người dân cả nước một thông điệp quan trọng, đó là mệnh lệnh chấn hưng văn hóa.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa (tháng 11 năm 2021) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hóa còn thì dân tộc còn và ngược lại, văn hóa mất thì dân tộc mất” bởi văn hóa chính là hồn cốt tinh thần của dân tộc”. Trong lịch sử nước nhà, dòng chảy văn hóa đi từ quá khứ, tới hiện tại và tương lai.
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa (được tổ chức vào tháng 11 năm 2021). Đồng chí cố Tổng Bí thư khẳng định: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. “Văn hóa còn thì dân tộc còn và ngược lại, văn hóa mất thì dân tộc mất” bởi văn hóa chính là hồn cốt tinh thần của dân tộc. Có vai trò “soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa đúng nghĩa là những giá trị tinh túy nhất được chưng cất trở thành những giá trị cao đẹp, đặc sắc nhất, nhân văn và tiến bộ nhất. Người có văn hóa là người có đời sống tâm hồn phong phú, không phải chỉ có ăn ngon, mặc đẹp mà phải được sống trong tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng... Ngược lại những thói hư, tật xấu, sự bỉ ổi chính là vô văn hóa, sự lớn hèn, vị kỷ, lòng tham, sự vô cảm trước cuộc sống, trước đồng loại chính là sự phi văn hóa, phản văn hóa”.
Đồng chí cố Tổng Bí thư còn nhắc lại lịch sử cho thấy, quan điểm xuyên suốt của Đảng, đó chính là phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội.
Thực tế, trong sự phát triển mạnh mẽ của đất nước về mọi mặt hiện nay, vẫn có những “vết gợn” – đó chính là sự xuống cấp về văn hóa, tha hóa về lối sống, đạo đức xã hội. Trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra một số hạn chế: “Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí… Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực”. Từ đó để thấy rằng, chấn hưng văn hóa đang là mệnh lệnh của yêu cầu phát triển mới.
Không phải ở thời điểm hiện tại phát triển văn hóa mới được chú ý. Sinh thời, khi đề cập đến mối quan hệ, gắn bó hữu cơ giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Từ Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 cũng như ngay từ Cương lĩnh đầu tiên đến các kỳ đại hội, Đảng ta đã chỉ rõ, văn hóa, cùng với chính trị, kinh tế, là những trụ cột trong sự phát triển của đất nước ta, dân tộc ta.
Sau sự kiện 30/4/1975, đất nước Việt Nam thống nhất và bước vào chặng đường xây dựng lại đất nước trong muôn vàn khó khăn. Ở bên ngoài là thế bao vây cấm vận, bên trong là những tồn tại sau cuộc chiến tranh, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nhưng quy mô nhỏ, lạc hậu, phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Để có thể bảo vệ nền độc lập dân tộc, nhận được sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế, Việt Nam bắt buộc phải tìm con đường đổi mới, từng bước định vị hình ảnh của mình là một quốc gia có nền kinh tế liên tục tăng trưởng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện cả vật chất lẫn tinh thần.
Đã gần 40 năm đổi mới, từ một nước phải nhận viện trợ lương thực, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với nhiều mặt hàng “tỷ đô”. Những thành tựu phát triển đã tạo ra những thay đổi về chất trong thế và lực của đất nước, từ đó, vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng lên, như khẳng định của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Đó là kết quả của sự lựa chọn phù hợp với thực tiễn. Trong điều kiện thế và lực còn yếu, Việt Nam phải ưu tiên lựa chọn kinh tế trước. Học thuyết Chủ nghĩa Mác- Lênin khẳng định: Đời sống vật chất quyết định ý thức. Với nền tảng kinh tế vững vàng, mới có thể sáng tạo văn hóa và đủ điều kiện bảo tồn văn hóa.
Nhận thức này được Đảng ta nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quá trình này tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật làm thay đổi những điều kiện kinh tế cũng như tạo ra cơ sở và môi trường xã hội để thay đổi tư duy, nếp nghĩ, thay đổi thói quen, lối sống... của từng cá nhân và cả cộng đồng xã hội”.
Đại hội XIII của Đảng, một trong những điểm nhấn quan trọng chính là xác định các quan điểm, chủ trương mới, toàn diện và sâu sắc về phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc. Đại hội xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, Nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Kạn trong những năm tiếp theo là: “Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân để văn hóa thực sự trở thành nền tảng của xã hội. Trong đó, con người được đặt vào vị trí trung tâm vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển”.
Tại Hội thảo văn hóa năm 2022, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội (nay đồng chí là Chủ tịch Quốc hội) thẳng thắn cho rằng, bên cạnh nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, văn hóa vẫn chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng với kinh tế.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng đã đánh giá: “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước”.
Nhìn thẳng vào sự thật để thấy rằng nước ta, trong đó có tỉnh Bắc Kạn không xem nhẹ yếu tố văn hóa trong phát triển, vẫn dành nguồn lực đầu tư cho văn hóa nhưng thật sự chưa ngang bằng với đầu tư cho kinh tế.
Thật sự đáng lo ngại khi môi trường văn hóa, thuần phong, mỹ tục đang bị xâm hại đáng báo động. Đặc biệt là thời gian gần đây, các vụ việc mâu thuẫn trong gia đình dẫn đến hành vi tội phạm đã đặt ra câu hỏi: có phải văn hóa, đạo đức của con người đang lao dốc?
Câu hỏi trên đặt ra từ thực tế, khi thay vì “chín bỏ làm mười”, một bộ phận người dân sẵn sàng ăn thua đủ với nhau chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ; thay vì “chị ngã em nâng”, những người thân thích, ruột thịt không ngần ngại lôi nhau ra tòa chỉ vì lợi ích. Hay những đứa trẻ vị thành niên, lẽ ra chỉ biết “ăn, ngủ, học hành là ngoan” thì giờ đây xem bạo lực học đường như cách để khẳng định bản thân không thua chị kém em…
Không chỉ tầng lớp dân cư trình độ nhận thức còn hạn chế mà ngay cả tầng lớp trí thức cũng sẵn sàng đánh đổi vì lợi ích cá nhân. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã đánh giá: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”.
Một trong những nguyên nhân chính là tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, đề cao yếu tố vật chất và lối sống thực dụng. Điều này dẫn đến những quan niệm lệch lạc cho rằng đồng tiền có sức chi phối đến mọi hành vi, mối quan hệ xã hội, thao túng tâm lý…Thực trạng đáng buồn này, dù nguyên nhân là gì đi chăng nữa, cùng nói lên rằng, yếu tố văn hóa thật sự chưa được đặt ngang hàng với yếu tố kinh tế trong thời gian qua./.
(Còn nữa)