Cuốn sách ghi dấu hành trình 40 năm giữ một tâm huyết

“Mặt Nước - Hồn Người: Múa rối nước Việt Nam và Hành trình trở lại nguồn cội” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) là công trình nghiên cứu tâm huyết của Nghệ sĩ Ưu tú Chu Lượng - một nghệ sĩ đã cống hiến cả đời mình cho nghệ thuật múa rối nước. Cuốn sách không chỉ là lời tri ân truyền thống mà còn là nỗ lực gìn giữ và làm sống lại giá trị văn hóa độc đáo này.

Nghệ thuật Múa rối nước là một viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa dân tộc, thể hiện sâu sắc tinh thần và đời sống của người Việt. Sự kết hợp giữa những động tác khô cứng của con rối gỗ và nét mềm mại, huyền ảo của mặt nước tạo nên vẻ đẹp hồn nhiên, thuần khiết và đầy mê hoặc. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, không phải ai cũng đủ đam mê và tinh tế để cảm nhận và bảo tồn vẻ đẹp độc đáo này.

Bìa cuốn sách “Mặt Nước - Hồn Người: Múa rối nước Việt Nam và Hành trình trở lại nguồn cội”.

Bìa cuốn sách “Mặt Nước - Hồn Người: Múa rối nước Việt Nam và Hành trình trở lại nguồn cội”.

Sau 40 năm lao động và cống hiến miệt mài cho nghệ thuật, Nghệ sĩ Ưu tú Chu Lượng - nguyên Phó giám đốc Phụ trách Nhà hát Múa rối Thăng Long đã dùng hết vốn liếng, kinh nghiệm và trải nghiệm cá nhân để tái tạo lại một cách sống động vẻ đẹp của Rối nước. Và tựa sách “Mặt Nước - Hồn Người: Múa rối nước Việt Nam và Hành trình trở lại nguồn cội” chính là thành quả tinh thần mà ông dày công xây dựng sau nửa đời trăn trở.

Chương 1 của cuốn sách có tên “Sự ra đời của rối nước”.

Chương 1 của cuốn sách có tên “Sự ra đời của rối nước”.

Cuốn sách gồm 5 chương: “Sự ra đời của rối nước”, “Những đặc tính văn hóa Việt trong rối nước”, “Rối nước trong dòng chảy lịch sử Việt Nam”, “Sự phục hồi của rối nước”, và “Hiện thực và khả năng quốc tế hóa của rối nước”. Đây là một cuốn cẩm nang đặc biệt, nơi độc giả có thể khám phá và học hỏi sâu hơn về nghệ thuật Múa rối nước.

Với gần 200 trang sách và ảnh, lịch sử hình thành, hành trình đi vào tâm hồn của người Việt của Múa rối nước được tái hiện và diễn giải một cách mạch lạc, khúc chiết bằng cả Tiếng Việt và Tiếng Anh. Thông qua những lý giải sâu sắc và hình ảnh tư liệu quý giá, tác giả đã giúp người đọc hiểu hơn về những thăng trầm của Múa rối nước trong tiến trình lịch sử. Bên cạnh đó, độc giả sẽ thấy được sự cống hiến miệt mài của các nhà nghiên cứu và nghệ sĩ, những người không ngừng dấn thân vào hành trình bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc.

Cuốn sách được trình bày song ngữ với nhiều hình ảnh tư liệu sống động.

Cuốn sách được trình bày song ngữ với nhiều hình ảnh tư liệu sống động.

Tiên liệu được rằng Múa rối nước có nguy cơ biến dạng giữa những thể loại nghệ thuật ồn ào khác, Nghệ sĩ Ưu tú Chu Lượng viết: “Để phục hồi và tái tạo lại vẻ đẹp của Rối nước là một điều vô cùng khó khăn. Và mỗi khi khó khăn, con người thường có thiên hướng tìm về cội nguồn. Nghệ thuật cũng vậy. Tôi tái tạo lại vẻ đẹp của Rối nước trong chính tinh thần của làng quê Việt”.

Cuốn sách là một cột mốc quan trọng trong hành trình bảo tồn viên ngọc quý của tác giả. Hơn thế nữa, công trình này còn mang lại cho những người yêu thích nghệ thuật dân gian, đặc biệt là Múa rối nước, một cái nhìn sâu sắc và ý thức mới mẻ về trách nhiệm gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa nghệ thuật của nhân loại.

Theo qdnd.vn

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202501/cuon-sach-ghi-dau-hanh-trinh-40-nam-giu-mot-tam-huyet-4552a11/