Khám phá Dược lĩnh cổ viên

Là một trong bát cổ của Chí Linh xưa, Dược lĩnh cổ viên (vườn thuốc Dược Sơn) mang nhiều giá trị về lịch sử, y học, văn hóa. Vì thế, việc khôi phục vườn thuốc quý của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là mong mỏi, trăn trở của nhiều thế hệ.

Vườn thuốc Dược Sơn nằm trên núi Nam Tào do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn gây dựng vào thế kỷ XIII

Vườn thuốc Dược Sơn nằm trên núi Nam Tào do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn gây dựng vào thế kỷ XIII

Vườn thuốc quốc gia đầu tiên?

Vườn thuốc Dược Sơn nằm trên núi Nam Tào ở phía nam đền Kiếp Bạc. Theo sử sách ghi chép, trước khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 diễn ra (năm 1285), Trần Hưng Đạo với tư tưởng “người Nam dùng thuốc nam” đã cùng phu nhân là Thiên Thành công chúa - người có tài làm thuốc chỉ đạo trồng dược liệu ở núi Nam Tào để chữa bệnh, trị thương cho quân sĩ và nhân dân trong thái ấp Vạn Kiếp. Vì thế, núi Nam Tào còn có tên gọi khác là Dược Sơn (núi thuốc). Ban đầu, vườn thuốc nhỏ, về sau mở rộng dần với diện tích khoảng 10 ha.

Vườn thuốc này còn gắn với sự tích được dân gian lưu truyền. Truyện kể rằng, Hưng Đạo Vương luôn canh cánh chuyện trị thương cho binh lính.

Một đêm, ngài nằm mơ thấy có một ông già đầu quấn khăn nâu, mặc áo dài đen, tay xách túi cói vào tìm gặp. Ông lão vái ba vái, xưng tên là Dược Linh. Biết Đức ông cần thuốc nên đem biếu. Hưng Đạo Vương cảm tạ và đáp lễ nhận túi. Mở túi, Quốc công chỉ thấy có mấy cây thuốc, ngẩng lên không thấy ông lão đâu nữa. Mấy hôm sau, trên đường từ xưởng thuyền về phủ đệ, Hưng Đạo Vương thấy bên đường có những cây cỏ như cây thuốc Dược Linh đã cho. Hưng Đạo Vương đem về trồng ở núi Nam Tào rồi tự tay hái lá làm thuốc đắp vết thương cho quân sĩ, quả nhiên rất hiệu nghiệm.

Ở điện thờ Mẫu trong đền Kiếp Bạc có bức hoành phi "Dược lĩnh ưu đàm" ca ngợi Đức Nguyên Từ Quốc mẫu với nghiệp làm thuốc ở Dược Sơn

Ở điện thờ Mẫu trong đền Kiếp Bạc có bức hoành phi "Dược lĩnh ưu đàm" ca ngợi Đức Nguyên Từ Quốc mẫu với nghiệp làm thuốc ở Dược Sơn

Nghề làm thuốc ở Kiếp Bạc cũng có nguồn gốc từ đây và được lưu truyền nhiều đời. Người dân trong vùng truyền rằng, thuốc trồng ở Dược Sơn không nơi nào nào sánh kịp. Vì thế, dân gian vẫn truyền câu ca: “Dược lĩnh hoa thơm cỏ lạ thường/ Biết chăng chăng biết thuốc thần tiên”.

Đến nay, nhân dân trong vùng và khách thập phương vẫn còn tục lệ về Dược Sơn xin cây thuốc chữa bệnh. Cuối vườn thuốc là ao Cháo. Tương truyền, Trần Hưng Đạo đã cho khơi nguồn đón nước từ hố Máng Nước về đây nấu cháo dưỡng thương cho binh sĩ sau khi được đắp thuốc. Hiện ao Cháo vẫn còn dấu tích.

Hiện nay vẫn còn dấu tích ao Cháo nhưng ao bị thu hẹp và thuộc phần đất do gia đình ông Nguyễn Tất Sáng ở thôn Bắc Đẩu, xã Hưng Đạo sử dụng

Hiện nay vẫn còn dấu tích ao Cháo nhưng ao bị thu hẹp và thuộc phần đất do gia đình ông Nguyễn Tất Sáng ở thôn Bắc Đẩu, xã Hưng Đạo sử dụng

Trong đền Kiếp Bạc, ở điện thờ mẫu có bức hoành phi “Dược Lĩnh ưu đàm”, ca ngợi Đức Nguyên Từ Quốc mẫu với nghiệp làm thuốc ở núi Dược Sơn cao quý, đẹp như hoa ưu đàm của nhà Phật. Đến thời Lê, vườn thuốc vẫn phát triển và bảo tồn với tên gọi Dược lĩnh cổ viên và được xếp vào bát cổ với cảnh quan đẹp, di tích nổi tiếng.

Tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: “Qua một số tư liệu, nghiên cứu có thể cho rằng Dược Lĩnh cổ viên là vườn thuốc quốc gia đầu tiên của nước ta và đến nay vẫn là độc nhất vô nhị”.

Khôi phục, bảo tồn

Hiện nay, trên núi Nam Tào vẫn còn nhiều cây thuốc quý

Hiện nay, trên núi Nam Tào vẫn còn nhiều cây thuốc quý

Theo thống kê của Viện Y học cổ truyền Trung ương, vào những năm 70 của thế kỷ XX, vườn thuốc Dược Sơn có khoảng 600 loài cây trồng và cây hoang dại có thể chữa bệnh. Theo thời gian, vườn thuốc không còn như xưa. Nhiều diện tích được người dân thay thế bằng cây ăn quả, cây lấy gỗ. Tuy vậy, nơi đây còn khoảng 100 loài có giá trị cao về Đông y có thể chữa được nhiều bệnh như: phong tê thấp, thoái hóa cột sống, thương hàn, xơ gan

Theo một số cao niên tại thôn Dược Sơn (xã Hưng Đạo), người theo nghề thuốc nam cuối cùng tại làng đã mất cách đây 2 năm. Tuy nhiên, dù không tìm hiểu bài bản, chuyên sâu để theo nghề song rất nhiều người dân nơi đây biết về các cây dược liệu và những bài thuốc gia truyền mà ông cha để lại.

Bà Đồng Thị La năm nay gần 80 tuổi nhưng vẫn nhớ và đọc vanh vách các loài cây thuốc trên núi Nam Tào. Bà kể ngày trước hay cùng mọi người lên núi tìm lá thuốc như: trứng quốc, ruột gà, mật quỷ, hà thủ ô, an xoa, chó đẻ… “Không biết có phải do vườn thuốc Dược Sơn xưa mà nay ở địa phương đang phát triển nghề trồng dược liệu. Tôi mong vườn thuốc quý của Hưng Đạo Vương được khôi phục, bảo tồn để những giá trị về y học cổ truyền được lưu truyền muôn đời sau”, bà La bày tỏ.

Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc phối hợp Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương để nghiên cứu, khôi phục vườn thuốc Dược Sơn

Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc phối hợp Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương để nghiên cứu, khôi phục vườn thuốc Dược Sơn

Theo Quy hoạch tổng thể khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch thị xã Chí Linh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2010 thì Dược lĩnh cổ viên nằm trong phân vùng bảo vệ đặc biệt để tôn tạo, phục hồi.

Ngày 3/1 vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương ban hành kế hoạch phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2030. Tỉnh yêu cầu khẩn trương khôi phục vườn thuốc cổ Dược Sơn, chú trọng phục hồi các loài thuốc quý, sản phẩm dược liệu mang đậm tính đặc trưng của nơi đây. Từ đó tạo tiền đề phát triển các loại hình dịch vụ du lịch gắn với nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền. Có như vậy mới bảo tồn, lưu giữ và phát huy được những giá trị y dược lâu đời gắn với thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc kiệt xuất Trần Hưng Đạo.

HOÀNG LINH - THÀNH CHUNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/kham-pha-duoc-linh-co-vien-402530.html