Cuốn sách phơi bày sự thật gây sốc về các hóa chất mà Mỹ rải xuống Việt Nam
Qua 'Mùa xuân vắng lặng – Mùa thu chết chóc của chiến tranh Việt Nam', tác giả Patrick Hogan đã phơi bày bức tranh tổng thể về các hóa chất mà Mỹ rải xuống miền Trung và miền Nam Việt Nam trong thập niên 1960 với sức tàn phá vẫn còn hiện diện cho đến ngày nay.
Tựa đề cuốn sách có phần tiền tố Mùa xuân vắng lặng gợi nhắc tác phẩm nổi tiếng cùng tên của Rachel Carson, khi bà phơi bày rất nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường khi thuốc trừ sâu DDT ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống thường ngày. Trong tác phẩm này, ngoài DDT, Patrick Hogan cũng đề cập đến chất da cam (orange agent), chất trắng (white agent), chất diệt côn trùng malathion... và những tác hại mà chúng gây ra cho các cựu binh đã từng tham chiến cũng như gia đình của họ.
Không dừng ở đó, ông cũng đặt ra những câu hỏi lớn cho chính phủ Mỹ ở cả ngày ấy cũng như bây giờ. Liệu rằng khi bắt đầu lên kế hoạch, những người đứng đầu chiến dịch có biết hậu quả mang tính chết mòn mà các hóa chất rồi sẽ gây ra? Còn với ngày nay, khi các nghiên cứu khoa học ngày càng chỉ ra mối quan hệ ấy, thì phía chính phủ liệu đang nỗ lực hay chỉ trốn tránh cho các sai lầm ở trong quá khứ?
Những tiết lộ mới
Bằng cách lần giở lại nhiều tư liệu, nghiên cứu khoa học cũng như các hồ sơ đã được giải mật, Patrick Hogan đã cho ta thấy bức tranh sống động về một trong những chiến dịch tàn nhẫn và phi nhân nhất trong lịch sử chiến tranh sinh học. Cuốn sách được viết một cách sinh động, hấp dẫn, dựa trên cả những trải nghiệm mang tính cá nhân của chính tác giả trong thời gian tham chiến ở Việt Nam, cũng như từ những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các trích dẫn từ những nghiên cứu ngày càng nhiều hơn về tác động này….
Theo đó Hogan là một cựu chiến binh đã từng đóng quân tại Việt Nam từ tháng 9.1966 đến tháng 6.1969. Khi mới nhập ngũ, ông nhận nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý hàng hóa thiết yếu ở Tổng kho Cam Ranh. Cũng chính trong thời gian này, ông thường chứng kiến những lần máy bay phun rải hóa chất mà vào lúc đó ông không thể biết đó là chất gì. Sau khi rời Việt Nam, ông trở về Mỹ và đảm nhận công việc cảnh sát. Từ thập niên 1970 trở đi, ông thấy cơ thể đang suy yếu dần, kết hợp cùng với cái chết của những đồng đội, hạt mầm hoài nghi sâu bên trong ông bắt đầu thức dậy.
Năm 2012, sau khi nghe bài diễn thuyết của cựu tổng thống Barack Obama về chiến tranh Việt Nam, Hogan thôi thúc phải điều tra về hậu quả của việc tiếp xúc với chất độc da cam, từ đó ý tưởng về Mùa xuân vắng lặng – Mùa thu chết chóc của chiến tranh Việt Nam dần được thành hình.
Mở đầu cuốn sách, Patrick Hogan kể về những năm tham chiến đầu tiên của bản thân mình. Ghi chép của ông như cuốn hồi ký, khắc họa lại những khó khăn cũng như thách thức khi Mỹ bắt đầu những bước đầu tiên tiến vào Việt Nam. Cũng như những ghi chép khác của các tác giả phương Tây khi viết về vùng đất này, những thiếu thốn về vật chất, các căn bệnh do khác biệt về thổ nhưỡng, khí hậu… cũng được đề cập.
Theo Hogan, côn trùng, rắn rết… của miền nhiệt đới là một trong những nguyên nhân khiến chính quyền Mỹ rải chất diệt cỏ. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là các công ty hóa chất đã qua mặt được các cuộc kiểm soát về ảnh hưởng và tác động của chúng đối với sức khỏe con người một cách ngoạn mục.
Với các hồ sơ đã được giải mật, tác giả khẳng định những mối nguy hại từ các hóa chất đã được biết đến ngay từ ban đầu. Tuy nhiên chúng bị lờ đi, hoặc bị đánh tráo bằng các thí nghiệm không hề tương thích. Bằng các nghiên cứu khoa học hiện đại, Hogan lập luận trong khi chứng nhận của Bộ Nông nghiệp chỉ dành riêng cho hóa chất riêng lẻ, thì những gì đổ xuống Việt Nam lại là hỗn hợp vốn phức tạp hơn của rất nhiều chất, dẫn đến độc tính tăng lên nhiều lần. Điều này còn chưa kể đến điều kiện bảo quản, nhiệt độ lưu giữ... khi các chất này rất dễ biến tính, trong khi thất thoát khi rải từ máy bay cũng như ngấm vào nước ngầm, len lỏi trong cả thức ăn cũng như thực phẩm của những cựu binh… là không thể tính.
Ông cũng bật mí rất nhiều tiết lộ mang tính gây sốc, như không chỉ các cựu binh trên bộ bị phơi nhiễm trực tiếp, mà những cựu lính thủy trên các tàu biển cách xa đất liền cũng có dấu hiệu bị ảnh hưởng sức khỏe. Ông khẳng định nếu chỉ với mục đích giảm trừ tác hại do côn trùng, sâu bọ... gây cho binh lính nước mình, thì có nhiều cách để phía chính phủ có thể thực hiện, như sử dụng máy móc, phương tiện hạng nặng, thay vì rải các hóa chất mà độc tính của nó chưa được xem xét một cách toàn diện…
Một điểm lớn khác cũng được Hogan bóc trần là sự thiếu trách nhiệm của các công ty hóa chất. Theo các nghiên cứu, thuốc trừ sâu quân sự có thể đỡ độc hại hơn nếu các doanh nghiệp nghiên cứu và sản xuất chúng một cách chậm rãi và bài bản hơn thông qua phương pháp nhiệt thấp. Nhưng vì món lợi trước mắt mà các kết quả hoàn toàn ngược lại. Điều này kết nối một cách chặt chẽ với tác phẩm của Rachel Carson và cũng khiến ta không ngừng suy ngẫm về sự lạm dụng hóa chất, thuốc trừ sâu… ngày càng nhiều hơn trong ngày hiện tại.
Những bí mật chưa được giải quyết
Sở dĩ tác phẩm ra đời, theo Patrick Hogan, là do bộ máy quan liêu vẫn đang nhắm mắt làm ngơ trước các quyết định gần như sai trái từ trong quá khứ. Những người phải chịu trách nhiệm hoặc sợ đối mặt với di sản sai lầm, hoặc ngại một khoản hỗ trợ y tế sẽ là khổng lồ… mà đang khiến cho cuộc sống của những các cựu binh rơi vào bế tắc, bằng cách từ chối bồi thường, hỗ trợ y tế.
Bản thân Hogan cũng là nạn nhân của hệ thống trên, khi những căn bệnh mà ông mắc phải, từ tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao cho đến rối loạn nội tiết, rối loạn tiêu hóa… đều bị bỏ qua và được lập luận một cách vô lý bởi Bộ Cựu chiến binh (DVA) rằng chúng không bắt nguồn từ các hóa chất mà Mỹ rải xuống Việt Nam vào thập niên 1960. Trong rất nhiều năm ông đã theo đuổi cũng như hợp tác một cách chặt chẽ với các cơ quan nhà nước về những nghiên cứu mới nhất về tác động của các hóa chất với sức khỏe con người, thế nhưng những gì đổi lại là sự vô cảm cũng như bỏ mặt từ phía chính quyền.
Bìa sách Mùa xuân vắng lặng - Mùa thu chết chóc của chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Phương Nam Books
Theo tác giả, chính những kết luận: “bằng chứng chưa thỏa đáng hoặc chưa đầy đủ” khi một cựu binh yêu cầu bồi thường y tế là một thực tế “vô cùng xấu hổ”. Theo ông, số lượng những nghiên cứu của các nhà khoa học, của giới nghiên cứu về chất độc hại… đang ngày càng dày và đầy đủ hơn, thế nhưng các đơn yêu cầu muốn được bồi thường vẫn bị bác bỏ dựa trên lý do mơ hồ và thiếu cơ sở. Hẳn nhiên yếu tố mơ hồ của một vấn đề luôn luôn mang theo hàm nghĩa tiêu cực, nhưng trong một vài trường hợp, thì nó cũng là cứu cánh cho bên có sẵn quyền lực.
Tác giả nhận thức vấn đề mình đang đương đầu không dễ giải quyết bởi nhiều lý do. Đầu tiên, không ai biết rõ hóa chất mà Mỹ rải xuống Việt Nam chứa những chất gì, bởi những tư liệu không được công khai. Tiếp theo, các tiêu chuẩn mà DVA dựa trên cũng rất mơ hồ. Trong khi các cựu binh thực địa phải đương đầu với rất nhiều nỗi sợ vì bị tấn công, vì rắn rết côn trùng, vì áp lực chiến đấu… thì các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ thường dựa trên một chất riêng lẻ, và phía đối chứng là không đồng đẳng khi được thử nghiệm trên động vật hoặc lấy từ nhân chứng dân sự - những người không có cùng những trải nghiệm như là binh lính. Những điều nói trên cho thấy có những bí mật chưa được giải quyết, trong khi cuộc sống, sức khỏe của những cựu binh đang ngày càng sa sút, cùng đó là những nguy cơ về mặt di truyền mà họ vô tình, gần như bất lực gửi vào những thế hệ sau.
Qua Mùa xuân vắng lặng – Mùa thu chết chóc của chiến tranh Việt Nam, tác giả Patrick Hogan đã đưa ra những dẫn chứng, lập luận hợp lý về cách mà các hóa chất rải xuống Việt Nam nguy hại ra sao, cũng như phơi bày hệ thống quan liêu mà các cựu binh đang phải gánh chịu. Đây là tác phẩm toàn diện, bao quát về một vấn đề chưa có lời giải, và hy vọng qua sức ảnh hưởng của tác phẩm này, những gì chìm trong bóng tối sẽ được chiếu sáng trước khi quá muộn, khi các hóa chất và lợi ích thương mại đang dần đi vào đời sống cùng những mơ hồ về mặt luật pháp.