Cuốn sách tôi chọn: 'Gánh gánh… Gồng gồng'- Người phụ nữ bỏ quyền quý, giàu sang theo Cách mạng lên chiến khu Việt Bắc

Chuyên mục Cuốn sách tôi chọn xin giới thiệu cùng quí vị một tác phẩm đã từng được cả Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh trao giải cao nhất về văn xuôi năm 2020. Câu chuyện ấy đưa chúng ta trải nghiệm những thăng trầm vắt qua hai thế kỷ, thông qua cuộc đời một phụ nữ trí thức vốn có xuất thân quyền quý, nhưng đã từ bỏ nhung lụa giàu sang, theo Cách mạng lên chiến khu Việt Bắc.

Bà từng làm y tá trong Quân đội, nhân viên chế tạo thuốc nổ, cán bộ văn hóa đối ngoại, rồi sau này trở thành phóng viên chiến trường, nữ đạo diễn phim tài liệu… Bà là một trong những phóng viên đầu tiên theo Trung đoàn xe tăng tiến vào dinh Độc Lập ngày 30/4/1975; sau đó còn tham gia thực hiện nhiều thước phim về chiến sự tại biên giới phía Bắc và chiến trường Campuchia… Bà là tác giả Nguyễn Thị Xuân Phượng mà chúng ta sẽ gặp ngay sau đây, với những chia sẻ về tập hồi ký mang tên “Gánh gánh… Gồng gồng” do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành.

Đạo diễn NGUYỄN THỊ XUÂN PHƯỢNG

Tại sao lại tên là “Gánh gánh… Gồng gồng”? Tôi cũng không phải là tự khoe đâu, nhưng tôi cũng nghĩ tôi là một hiện tượng, bởi vì đến năm 90 tuổi mới bắt đầu viết lại đời mình bằng tiếng Việt. Đời mình thật là quá vất vả gian truân, nhưng mà cũng không phải như vậy mà không có niềm vui. Quả thật là một mình, một người mẹ trong chiến tranh, ở rừng, ở chiến khu, nuôi ba đứa con, lại tham gia vào công việc, thì quả là đôi vai người phụ nữ quá nặng nề. Và tôi nhớ một bài đồng dao của Việt Nam: Gánh gánh gồng gồng, gánh sông gánh núi, vân vân… Thì tự nhiên tôi nghĩ đời mình có lẽ là như vậy. Và cũng có thể nói rằng đây là biên niên sử của một đời người, đồng thời cũng là cái tóm tắt của một đất nước trải qua bao nhiêu là chiến tranh, bao nhiêu là vùi dập, bao nhiêu là hạnh phúc... Vì thế mà tôi lấy tên là “Gánh gánh… Gồng gồng”.

Tôi xuất thân từ một gia đình mà ba tôi làm về giáo dục. Cho đến năm 1946 thì gia đình tôi bắt đầu chia đôi, tôi bắt đầu đi tham gia kháng chiến. Và như nhiều gia đình khác ở Việt Nam trong giai đoạn đó, gia đình tôi cũng phân chia hai miền Nam Bắc. Tôi xa gia đình năm 16 tuổi, đến năm gần 60 tuổi, tôi mới gặp lại mẹ mình ở sân bay Charles de Gaulle, Paris. Không nói thì các bạn cũng biết rằng niềm vui đoàn viên nó rất là đặc biệt, với các em tôi quây quần xung quanh. Nhưng mà mẹ tôi không hiểu tại sao lại có một cuộc phân chia, chúng tôi mấy chục năm mới gặp được nhau, tại sao đứa con gái đầu lòng của mình lại tự nguyện bỏ gia đình mà ra đi… Thì từ đó, trong đầu tôi nảy ra một ý: Hay là mình viết lại đời mình qua những nỗi gian khổ, qua những nỗi khó khăn, qua những nỗi vui buồn, để thấy rằng mình ra đi như vậy là vì một cái gì… Khi mà viết cuốn này thì tôi không những viết cho gia đình tôi, để gia đình hiểu rằng hai bên đều có những nỗi đau khổ như nhau, hai bên đều có những khát vọng như nhau; hơn nữa là, cũng muốn các bạn trẻ nghe để hiểu rằng cha ông đã chịu đựng như thế nào, ở trong rừng vất vả, rồi ở chiến khu về, vân vân…

Tôi nghĩ rằng sự đóng góp hay là số phận của một con người - mà nhất là một người có cuộc đời hơi dài, quá dài như tôi - thì rõ ràng mình thấy rằng cứ mỗi bước đi của dân tộc, con người mình sẽ có quan niệm khác đi. Từ những quan niệm rất là trong sáng, ngây thơ, bồng bột, hăng hái của tuổi trẻ, khi mà đến tuổi này rồi, đã gần 94 tuổi rồi, ngẫm lại đời mình, có thể nói rằng đời mình cũng là cuộc đời của rất nhiều người phụ nữ khác ở trong hoàn cảnh như tôi, gia đình chia Bắc Nam do vấn đề chính trị. Như vậy số phận của con người đúng là có quan hệ mật thiết với số phận của cả một đất nước.

Thực hiện : Thiện Đoan Minh Công

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cuon-sach-toi-chon-ganh-ganh-gong-gong-nguoi-phu-nu-bo-quyen-quy-giau-sang-theo-cach-mang-len-chien-khu-viet-bac