Cuốn sách tôi chọn: Sự kiến tạo các nền nghệ thuật

Kiến trúc sư Vũ Hiệp là giảng viên đại học, hiện đang giảng dạy về quy hoạch kiến trúc. Bên cạnh đó, anh cũng là một nhà nghiên cứu có sách xuất bản đều đặn. Chuyên mục Cuốn sách tôi chọn hôm nay xin giới thiệu cuốn 'Sự kiến tạo các nền nghệ thuật' của anh, do Nhà xuất bản Mỹ Thuật ấn hành.

Theo như nhà nghiên cứu Vũ Hiệp cho biết, với những cuốn đã viết trước đây, việc nhận diện nền nghệ thuật Việt Nam được nhìn theo hướng: coi bản sắc là yếu tố được định hình, vun đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác, như một sức mạnh nội sinh và rất tự nhiên. Còn trong cuốn mới này, anh đã làm sáng rõ thêm ý tứ rằng: bản sắc của một nền nghệ thuật có thể được tạo ra từ ý chí mang tính kiến tạo, thể hiện mối liên hệ chặt chẽ với chính trị và xã hội.

Cuốn sách “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật” chủ yếu tạo ra một khung sườn cấu trúc để người đọc hiểu rằng có 3 yếu tố chính để nhận diện một nền nghệ thuật. Đó là cá tính tập thể, tự sự cộng đồng và huyền thoại.

Một ví dụ về cá tính tập thể của nghệ thuật Việt Nam, như là cá tính “tùy”, cá tính “lai”, hay cá tính “bỡn”, hoặc là cá tính “nhỏ”, và một số cá tính khác… Ví dụ ngôi đình làng. Đình làng là kiến trúc nguyên bản của Việt Nam, rất đặc trưng cá tính tập thể của người Việt. Ở đình là nơi thực hiện các lễ nghi, mang tính tín ngưỡng rất nghiêm trang, nhưng đồng thời cũng có thể là nơi để hội họp; ngoài ra lại có cả tính chất biểu diễn nghệ thuật, ví dụ như chiếu chèo, rồi các lễ hội được tổ chức ở đình… Tức là, đây không chỉ đơn thuần là một công trình có nhiều công năng, và cái thiết kế đấy đảm bảo đáp ứng cho các hoạt động khác nhau, mà mỗi một hoạt động lại gợi cho người ta những cảm xúc khác nhau, thì đấy có thể nói là cá tính “tùy” ở người Việt.

Thực hiện : Thiện Đoan Văn Thắng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cuon-sach-toi-chon-su-kien-tao-cac-nen-nghe-thuat