Cuốn tiểu sử nói quá về người vợ Yoko Ono của John Lennon?

Nhà bình luận Jonathan Jones của The Guardian cho rằng cuốn tiểu sử 'Yoko: A Biography' của David Sheff chỉ là câu từ một chiều và đã 'thần thánh hóa' Yoko Ono.

Vào năm 1966, một người phụ nữ châu Á đến tham dự một buổi hội thảo tại Trung tâm châu Phi ở London, Anh và mời mọi người cắt quần áo của mình. Đây là lần thứ ba bà làm hành động ngược đời này và sau mỗi lần, chính khán giả lại là người phơi bày bản thân khi họ cầm kéo cắt quần áo của bà.

Một điều thú vị khác là sự kiện này cũng chính là khởi đầu cho chuyến lưu trú tại London của nghệ sĩ người New York gốc Nhật Bản Yoko Ono, chuyến đi giúp đưa bà từ một người chưa có nhiều danh tiếng trở thành một cái tên toàn cầu, nhưng ở một cương vị khác.

Mơ hồ về đòn tấn công tinh thần vào Ono

Triển lãm của bà tại Phòng trưng bày Indica năm đó đã được John Lennon đến thăm, người đã trèo lên một trong những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của Yoko, một chiếc thang nối lên đến trần nhà. Ở trên cùng, ông dùng kính lúp để đọc chữ "YES" nhỏ xíu. Cho đến nay, tình yêu nhen nhóm những ngày đó giữa John và Yoko vẫn bị đổ lỗi là nguyên nhân khiến The Beatles tan rã.

Trong khi câu chuyện tình giữa hai người có thể trở thành chủ đề cho một cuốn tiểu sử sâu sắc và hoành tráng thì David Sheff lại chọn cách viết tiểu sử mang tính tranh luận, theo nhà bình luận Jonathan Jones. Sheff dường như đang muốn tìm lại tiếng nói cho Yoko, trở thành một hiệp sĩ giang hồ giúp bà chống lại những kẻ thù ghét, những kẻ đã khiến Yoko phải chịu đựng "sự kỳ thị phụ nữ và phân biệt chủng tộc trắng trợn".

 Ono tại New York năm 1973. Ảnh: The Guardian.

Ono tại New York năm 1973. Ảnh: The Guardian.

Sheff đưa ra những lời lẽ hoa mỹ nhưng lại mơ hồ về các chi tiết. Trong khi ông tuyên bố "những bình luận phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính đến từ báo chí, người hâm mộ nhóm The Beatles và những thành viên khác của The Beatles" đã đổ tới Yoko khi tình cảm của bà và Lennon trở nên không thể tách rời, nhưng bằng chứng duy nhất tác giả đưa ra để chứng minh nhóm The Beatles "phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính" là tuyên bố vô hại của Paul McCartney vào năm 2021 rằng: "Chúng tôi không mấy quan tâm tới bà ấy'".

Câu hỏi về di sản gia đình

Ono sinh năm 1933 trong một trong những gia đình giàu có nhất Nhật Bản. Tuy nhiên, di sản này được đề cập một cách qua loa trong cuốn sách. Tất cả chỉ để toát lên rằng bà là nạn nhân, được đảm bảo về mặt vật chất nhưng lại thiếu thốn tình cảm ấm áp.

Trong khi đó, một phần nền tảng này, cùng với niềm tin tôn giáo phức tạp của bà, cả Phật giáo và Cơ đốc giáo, đã định hình nên nghệ thuật của Ono. Trong tác phẩm Painting to Be Stepped On, bà lấy cảm hứng từ câu chuyện về cách những người theo đạo Cơ đốc ở Nhật Bản bị yêu cầu quay lưng với đạo của mình.

Ono chuyển đến Mỹ khi còn là sinh viên và bị cuốn hút với phong trào nghệ thuật thử nghiệm của New York vào những năm 1960, nơi những người đi đầu trong làn sóng này là các nhạc sĩ và nhà soạn nhạc cổ điển.

Sheff coi Ono là một kẻ nổi loạn chống lại cách nuôi dạy của truyền thống tại Nhật. Nhưng trên thực tế, cha bà là một nghệ sĩ piano cổ điển và bà cũng học piano. Nền tảng tri thức và văn hóa cao này tạo điều kiện lý tưởng cho Ono tham gia vào phong trào nghệ thuật thử nghiệm mới Fluxus, một phong trào nghệ thuật lấy cảm hứng một phần từ nhà soạn nhạc John Cage, người có tác phẩm 4’33” năm 1952, là tác phẩm câm nhưng có bản nhạc chính thức.

Ono hướng đến trở thành một nhà soạn nhạc tạo ra giá trị xã hội, đưa ra những hướng dẫn như trong mơ: “Mang theo một túi đậu. Để lại một hạt đậu ở bất cứ nơi nào bạn đến". Sheff coi nghệ thuật như vậy là một biểu hiện của sự chấn thương tâm lý. Còn gì kỳ quặc hơn một người phụ nữ đi bộ quanh New York với một túi đậu Hà Lan, để lại một hạt ở những nơi cô ấy đi qua?

Sheff đã biết Ono kể từ khi thực hiện cuộc phỏng vấn cuối cùng với bà và Lennon trước khi Lennon bị bắn chết vào tháng 12/1980. Sheff đã làm rất tốt việc thu thập dữ liệu trong giai đoạn này khi ông có cuộc phỏng vấn với Sam Havadtoy, bạn của Ono và sau khi Lennon qua đời, là bạn đời của Ono cho đến khoảng năm 2000.

Nhờ những dữ liệu này, độc giả có được một bức tranh sống động về cuộc sống tại tòa nhà Dakota, nơi Ono ở cùng Lennon và con trai họ, Sean và thời gian sau đó quen với Havadtoy. Chính Havadtoy đã thẳng thắn về sự phụ thuộc của Ono vào những người đọc bài tarot và bói toán vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, phần kết của cuốn sách, trong đó nhấn mạnh rằng Ono được thế giới nghệ thuật và âm nhạc công nhận, là một lời tuyên bố chiến thắng tẻ nhạt với những câu trích dẫn từ những nhân vật lớn trong giới văn hóa.

Trong khi Sheff muốn dành cho Ono những gì bà xứng đáng được nhận, thì một cuốn tiểu sử cần phải khách quan. Trong khi Ono đã phải chịu nhiều lời đe dọa và nguy cơ xâm phạm nhà cửa từ "người hâm mộ", có vẻ như bà không có lựa chọn nào ngoài việc trở thành một trong hai vế đối lập “phù thủy hay thánh nhân?”

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuon-tieu-su-noi-qua-ve-nguoi-vo-yoko-ono-cua-john-lennon-post1543962.html