Cưỡng chế nhà xưởng trên đất nông nghiệp ở Đan Phượng: Hộ sản xuất đi đâu?
Hơn 300 trường hợp dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp ở huyện Đan Phượng, Hà Nội được chính quyền định hướng chuyển đến các cụm công nghiệp trên địa bàn.
Trong những ngày này, đồng thời với việc tháo dỡ nhà xưởng đã dựng tạm trên đất nông nghiệp nhiều năm theo yêu cầu cưỡng chế của chính quyền, hơn 300 hộ sản xuất nghề mộc cũng huyện Đan Phượng, Hà Nội, cũng đang xoay xở tìm mặt bằng mới. Ít nhiều trong quá trình đó, họ cũng được hướng dẫn của chính quyền để thuê, mua mặt bằng trong các cụm công nghiệp đã được quy hoạch.
Một nửa không có đất làng nghề
Tại xã Liên Hà, tổng cộng có 171 xưởng phải tháo dỡ, trong đó 31 hộ sản xuất ở khu Khoải, Bờ Hồ đã hoàn thành từ tháng 12-2023, và hiện đang trong đợt cưỡng chế 47 hộ ở khu Phan và Trũng Phan.
Theo ước tính của các hộ sản xuất dựng xưởng trên đất nông nghiệp, tính chung cả xã thì việc các xưởng sản xuất này phải dừng hoạt động, trả lại nguyên trạng mặt bằng sẽ ảnh hưởng đến cả nghìn lao động. Không ít hộ sản xuất chưa biết đi đâu về đâu vì bản thân họ không có mặt bằng ở cụm công nghiệp, còn việc thuê mặt bằng trong những ngày cuối năm không hề dễ.
Anh Nguyễn Thanh Thao, ở khu Trũng Phan cho biết thời điểm xã tổ chức đấu giá mặt bằng hai cụm công nghiệp anh không đấu được. Nay phải tháo dỡ nhà xưởng trên đất nông nghiệp, gia đình loay hoay tìm thuê đất vớt vát mấy ngày làm ăn cuối năm nhưng hai tháng chưa ra. Chính quyền có hướng dẫn thuê mặt bằng ở các cụm công nghiệp, nhưng nơi thì đang giải phóng mặt bằng, chỗ khác thì không thuận lợi, nên tìm thuê quanh xã vẫn là lựa chọn lúc này của hộ anh Thao.
Thống kê của xã Liên Hà cho thấy, trong tổng số 171 trường hợp vi phạm thì có khoảng một nửa chưa có đất tại các cụm công nghiệp. Điều đó đồng nghĩa, nếu muốn tiếp tục sản xuất thì hoặc họ phải đi thuê, mua lại mặt bằng tại các cụm công nghiệp, hoặc kiếm đất trong khu dân cư để xây dựng xưởng mới.
Xã xin quy hoạch nhưng chưa được
Là địa phương có ít trường hợp dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp, ông Nguyễn Đức Toản, Chủ tịch UBND xã Liên Hồng trầm ngâm, các vi phạm ở xã này cũng tương tự như ở Liên Hà. Người dân ở đây có nghề mộc, thấy làm ăn được thì ban đầu mở xưởng ngay trong khu dân cư. Việc này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nên họ lấn ra đất nông nghiệp để làm nhà xưởng. Tuy giải quyết được bài toán ô nhiễm nhưng lại dẫn đến vi phạm đất đai.
Ông Toản cho biết, số lượng nhà xưởng phải cưỡng chế là 34, ít nhất trong ba xã, và triển khai kế hoạch của huyện đã xử lý xong trong năm 2023. Đa phần người dân tự tháo dỡ nhưng cũng có những hộ phải cưỡng chế.
Trên phần diện tích đất vừa thu hồi, chính quyền sẽ quy hoạch trường mầm non, vườn hoa và ao môi trường, sân bóng… phục vụ người dân.
Về nhu cầu mặt bằng sản xuất phát triển làng nghề, theo ông Toản, xã Liên Hồng đã đề xuất điểm tiểu thủ công nghiệp rộng khoảng 3ha để phục vụ các hộ sản xuất của địa phương, nhưng chưa được phê duyệt quy hoạch. Mà ngay kể cả duyệt quy hoạch thì cũng cần thời gian triển khai. Điều này có phần thiệt thòi so với bên xã Liên Hà có đến hai cụm công nghiệp.
Trong hoàn cảnh ấy, phần lớn các gia đình vừa bị cưỡng chế sẽ phải tìm thuê mặt bằng tại các cụm công nghiệp Song Phượng, Hồng Hà của Liên Hà, hoặc tìm đất trong khu dân cư để tiếp tục sản xuất.
Khuyến khích vào cụm công nghiệp
Trao đổi với PLO về việc giải quyết mặt bằng cho người dân làng nghề hậu giải tỏa, ông Đinh Hữu Thành, Chủ tịch xã Liên Hà cho biết huyện Đan Phượng đã đầu tư xây dựng một số cụm công nghiệp như cụm Đan Phượng (giai đoạn 2), cụm Song Phượng, cụm Hồng Hà...
Còn theo ông Nguyễn Quý Mạnh, Trưởng phòng TNMT huyện Đan Phượng, xã Liên Hà có 2 cụm công nghiệp, diện tích khoảng 10ha. Trong đó, cụm công nghiệp cũ có 358 hộ sản xuất đã thuê mở xưởng. Còn bên cụm mới có 171 chủ thuê đất, với số xưởng đã xây dựng mới đạt khoảng 70% diện tích.
Từ ngay sau đợt cưỡng chế cuối năm 2023, một số hộ có sẵn đất ở cụm công nghiệp mới đã gấp rút xây dựng nhà xưởng. Hiện mặt bằng trống ở hai cụm công nghiệp này vẫn còn nhiều, vậy các hộ bị cưỡng chế vì xây dựng trên đất nông nghiệp hoàn toàn có thể đến thuê, mua lại để dựng xưởng sản xuất.
Cũng theo ông Mạnh, huyện Đan Phượng đã quy hoạch ba cụm công nghiệp là Song Phượng, Hồng Hà và Đan Phượng với diện tích khoảng 60ha. Quá trình quy hoạch đã tính toán đáp ứng đủ nhu cầu cầu sản xuất tiểu thủ công nghiệp của người dân trên địa bàn.