Cường kích hạng nhẹ AT-6E của Mỹ sắp tới sẽ về khu vực Đông Nam Á khi chúng góp mặt trong biên chế của Không quân Hoàng gia Thái Lan.
Theo Defense News, bản hợp đồng trị giá 143 triệu USD đã được Không quân Hoàng gia Thái Lan trao cho hãng Textron Aviation để mua 8 máy bay AT-6E cùng các thiết bị hỗ trợ mặt đất, phụ tùng thay thế, các phương tiện liên quan khác và chi phí huấn luyện đi kèm.
Thỏa thuận mua bán giữa Quân đội Hoàng gia Thái Lan với công ty Textron Aviation của Mỹ diễn ra vào ngày đầu tiên khai mạc Triển Lãm Không quân Quốc tế Dubai Airshow 2021.
Được biết, theo hợp đồng, mọi công việc tiếp theo liên quan tới chế tạo sẽ được thực hiện tại cơ sở của Textron Aviation ở Wichita, Kansas.
Ông Thomas Hammoor, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Textron Aviation Defense cho biết, Không quân Hoàng gia Thái Lan đã chọn Beechcraft AT-6E để thực hiện một loạt các nhiệm vụ hỗ trợ an ninh biên giới cũng như chống buôn lậu, phòng chống buôn bán ma túy và chống buôn người.
"Không quân Hoàng gia Thái Lan là đồng minh an ninh quan trọng của Mỹ và cũng là cơ quan điều hành một trong những lực lượng không quân tiên tiến nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương”, ông Thomas Hammoor nói.
Hợp đồng mua máy bay AT-6E (Thái Lan gọi là Beechcraft AT-6TH) sẽ giúp Bangkok thực hiện những ưu tiên hiện đại hóa và đẩy mạnh thỏa thuận hợp tác quốc phòng chung với Mỹ.
Thỏa thuận cũng sẽ góp phần vào quá trình phát triển ngành hàng không vũ trụ của Thái Lan theo khuôn khổ Kế hoạch Mua sắm và Phát triển (P&D) trong giai đoạn 10 năm tới.
Chương trình đào tạo các chuyên gia bảo trì của Thái Lan bắt đầu tại quốc gia Đông Nam Á này vào năm 2023 còn công tác huấn luyện phi công sẽ được thực hiện ở Wichita vào năm 2024. AT-6E sẽ gia nhập Không quân Hoàng gia Thái Lan vào năm 2024.
AT-6 là cường kích có sức mạnh đáng nể, đây chính là biến thể mới nhất được phát triển từ loại máy bay huấn luyện T-6A do Mỹ sản xuất, chúng thích hợp với các nước có tiềm lực quân sự vừa và nhỏ.
Ban đầu loại cường kích này chỉ được sản xuất để xuất khẩu, tuy vậy gần đây có vẻ không quân Mỹ đã lưu tâm và có thể sử dụng loại máy bay này.
Biến thể cường kích mới nhất được phát triển chính là AT-6E Wolverine với nhiều tính năng vượt trội.
Sở hữu các tính năng vượt trội, được tích hợp các thiết bị tiên tiến và vũ khí đa dạng, máy bay tấn công hạng nhẹ AT-6E sẽ là trợ thủ đắc lực cho A-10 trong các đòn tấn công mặt đất.
Ưu điểm của dòng máy bay cánh quạt này là bay xa, khả năng lưu lại trên không trung lâu có thể tới 5 giờ, đặc biệt nhất là giá thành khai thác rất rẻ.
AT-6E có chiều dài 10,1m, cao 3,2m, sải cánh 10,4m, cánh được làm bằng vật liệu composite với diện tích 16,60m². Khung thân có trọng lượng cơ bản là 2.671kg cho phép máy bay có thể cất/hạ cánh với trọng lượng tối đa 4.536kg.
Để cơ động, AT-6E được trang bị một động cơ Pratt & Whitney Canada PT6A-68D 1.600 mã lực giúp máy bay có thể bay với vận tốc 827km/h.
AT-6E được thiết kế với buồng lái khá hiện đại với nhiều màn hình LCD để theo dõi mục tiêu cũng như hiển thị các thông số của máy bay.
Khoang lái AT-6E được trang bị thêm hệ thống điều khiển bằng tay ga và cần (HOTAS) vốn được lắp trên dòng chiến đấu cơ F-16, hệ thống ngắm bắn cũng được tích hợp vào mũ của phi công.
AT-6E được trang bị hệ thống chiến đấu A-US và thiết bị nhìn ngày và đêm MX-15i/Di, hệ thống bảo vệ chống lại tên lửa các lớp “không đối đất” và “không đối không” có đầu tìm hồng ngoại và laser bao gồm hệ thống cảnh báo chiếu xạ AN/AAR-47 và một thiết bị bẫy hồng ngoại ALE-47.
Hệ thống chỉ định mục tiêu EPLRS có thể trao đổi chỉ định mục tiêu với các máy bay F-16 và A-10 với sự hỗ trợ trực tiếp từ các lực lượng mặt đất.
Bộ cảm biến tích hợp máy ảnh màu và hồng ngoại, thiết bị chỉ định laser, đèn chiếu laser và máy đo khoảng cách laser.
Các cảm biến gắn ở đầu cánh cho phép phát hiện tên lửa đang bay tới để phi hành đoàn có thể phóng pháo sáng hoặc mồi bẫy đánh lừa.
AT-6E Wolverine có thể mang hơn 13 loại vũ khí đa năng và chính xác bao gồm súng 12,7mm, tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laser AGM-114 Hellfire; bom thường MK-81 và MK-82; bom dẫn đường bằng laser GBU-12 Paveway II và GBU-58; bom dẫn đường bằng laser tăng cường GBU-49 và GBU-59 Paveway II; bom lái dẫn theo nguyên lý quán tính GBU-38; tên lửa dẫn bằng laser APKWS, TALON, GATR và pháo sáng…
Với thiết kế đặc biệt, AT-6E Wolverine có thể cất cánh từ đường băng dã chiến để thực hiện các cuộc tấn công chính xác hạng nhẹ và giám sát, trinh sát tình báo có người lái, huấn luyện, hỗ trợ dân sự, chống nổi dậy, tuần tra hàng hải…, và các nhiệm vụ phòng thủ nội bộ.
Chi phí khai thác của AT-6E chỉ bằng 1/60 chi phí theo giờ bay của chiếc tiêm kích tàng hình F-22 và 1/20 của chiếc tiêm kích F-16 hay cường kích A-10.
Nhẹ, linh hoạt, ít bộc lộ dấu hiệu nhiệt so với máy bay phản lực vì thế nó có khả năng sống sót cao hơn nếu bị tên lửa tầm nhiệt tấn công.
Dù nhỏ bé và mang dáng dấp của chiến đấu cơ thời Thế chiến thứ II, nhưng AT-6E lại được tích hợp các thiết bị điện tử khá hiện đại, bẫy nhiệt, mô-đun gây nhiễu, nhiều loại vũ khí, chiếc máy bay này là giải pháp và phương tiện lý tưởng để tấn công mục tiêu trong các nhiệm vụ chiến đấu cường độ thấp.
Đơn giá mỗi chiếc AT-6E chỉ có giá khoảng hơn 10 triệu USD, chi phí vận hành loại máy bay này chỉ tốn khoảng 1.000 USD/giờ bay.
Theo Việt Hùng/ANTĐ