Cương quyết xử lý xe tự chế, ngăn ngừa tai nạn
Xe ba gác, xe kéo tự chế được cải tạo từ các loại xe máy, động cơ cũ, không được kiểm định kỹ thuật an toàn. Những loại xe này thường chở hàng cồng kềnh gây mất an toàn giao thông trên các tuyến đường.
Trong khoảng thời gian ngắn đầu ca trực buổi sáng, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông (CSGT, Công an TP Bắc Giang) phát hiện 2 chiếc xe ba gác có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn phường Thọ Xương. Khi được yêu cầu dừng phương tiện, các chủ xe đều trình bày nhiều lý do để bao biện cho sai phạm. Anh T.V.N (SN 1982) làm nghề cơ khí, thuê cơ sở sản xuất ở đường Trần Nguyên Hãn.
Để chở hàng cho khách, anh tự chế ra chiếc xe ba gác. Chiếc xe máy mang BKS 29M1 – 789.99 đã cũ, không có giấy tờ, đóng vai trò là xe kéo, phía sau là thùng hàng được đặt trên hai bánh.
Anh N phân trần: “Chiếc xe máy cũ tôi mua với giá 800 nghìn đồng, sau đó lắp thêm phần ba gác để vận chuyển sản phẩm cơ khí dân dụng cho khách hàng. Tôi biết là vi phạm, mất an toàn nhưng vì muốn tiết kiệm chi phí đành làm liều theo cách này”.
Cùng với lý do “mưu sinh vì cuộc sống khó khăn”, ông H.V.Q ở tổ dân phố Hậu, phường Thọ Xương hằng ngày dùng chiếc xe máy BKS 98H2 – 5357 kéo theo thùng sắt phía sau đi chở hàng thuê. Phương tiện của ông Q có các móc kéo, khung xe… được làm kiên cố, sức tải lớn, thậm chí còn có hệ thống làm mát cho động cơ bằng nước do ông tự nghĩ ra.
Ông Q cho biết, ai thuê gì thì chở đó, dịp cuối năm có nhiều việc hơn vì các gia đình mua sắm đồ đạc, sửa chữa nhà cửa, mua đào, quất… Có những chuyến hàng nặng cả trăm kg nhưng chỉ trông chờ vào phanh của chiếc xe máy nên khó có thể bảo đảm an toàn. Trước những vi phạm đó, tổ công tác kiên quyết lập biên bản, tạm giữ phương tiện.
Được biết, đa số những chiếc xe tự chế được lắp ghép từ nhiều phụ tùng, động cơ cũ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đe dọa mất an toàn giao thông, là nỗi sợ hãi, ám ảnh của người dân khi di chuyển trên đường. Nhiều xe chở hàng là sắt thép, tôn lá, nếu gặp tình huống bất ngờ không thể xử lý kịp, những phương tiện này sẽ gây tai nạn cho người khác và chính người điều khiển xe.
Xã Quang Châu (Việt Yên) có nhiều cơ sở sản xuất các loại xe ba gác. Ông N.C ở thôn Đạo Ngạn 1 có xưởng chuyên chế tạo loại xe này nói: “Tùy yêu cầu của khách mà “chế” thành xe hoàn chỉnh, có thể dùng tay lái của xe máy, vô lăng của ô tô, chở nặng có cả ben thủy lực… Xe có tải trọng từ vài tạ đến 1-2 tấn, tốc độ cao nhất lên đến 50-60 km/giờ”.
Trên địa bàn xã có nhiều cơ sở như của gia đình ông C, mỗi năm cung cấp ra thị trường cả trăm chiếc xe tự chế, không được kiểm định, không tuân thủ bất kỳ tiêu chuẩn kỹ thuật nào. Đây là mối nguy cơ mất an toàn giao thông mỗi khi những chiếc xe này lưu thông trên đường.
Là cán bộ trực tiếp xử lý nhiều trường hợp xe tự chế vi phạm, Trung tá Lê Giang Hùng, Tổ trưởng Tổ kiểm tra số 2, Đội CSGT (Công an TP Bắc Giang) cho biết, từ năm 2023 đến nay, đơn vị đã lập biên bản 125 trường hợp, xử phạt 62,5 triệu đồng. Qua kiểm tra cho thấy những xe này do các cơ sở tự gia công, không bảo đảm các chỉ số an toàn, chắp vá từ nhiều vật liệu, thậm chí được lắp ghép từ phụ tùng của những xe ô tô, xe máy đã hết niên hạn sử dụng.
Người điều khiển hầu như không được đào tạo, hướng dẫn, đa số là lao động phổ thông, nhiều trường hợp không có giấy phép lái xe, khi chở hàng bất chấp quy tắc an toàn giao thông, đèn tín hiệu… Do vậy, khi phát hiện vi phạm, lực lượng CSGT TP đều kiên quyết xử lý, tạm giữ phương tiện, phòng ngừa tai nạn.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt" nêu rõ: “Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Đồng thời tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng với người điều khiển xe tự chế vi phạm. Nếu gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của người khác thì có thể bị xử lý hình sự”.
Tuy nhiên, khó khăn trong quá trình xử lý là nhiều chủ xe, lái xe sẵn sàng bỏ lại phương tiện khi bị bắt giữ vì giá trị không cao, bắt xe này họ đặt làm xe khác. Người điều khiển lợi dụng việc xe dễ luồn lách, di chuyển được trong các tuyến đường nhỏ hẹp nên thường xuyên tìm cách né tránh việc kiểm tra, xử lý của lực lượng CSGT. Không ít người đổ cho hoàn cảnh khó khăn, nghề nghiệp không ổn định để bao biện hành vi vi phạm.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt" nêu rõ: “Phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Đồng thời tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng với người điều khiển xe tự chế vi phạm. Nếu gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của người khác thì có thể bị xử lý hình sự”.
Để ngăn ngừa tình trạng xe tự chế ngang nhiên hoạt động, Thượng tá Ngô Văn Phục, Phó trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: Trên cơ sở pháp lý đó, thời gian tới, lực lượng CSGT tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm, kiên quyết tạm giữ xe tự chế. Kết hợp xử lý với tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến chủ xe, lái xe để họ nhận thức rõ sai phạm, tự giác chấp hành. Kiến nghị với chính quyền các địa phương quản lý chặt chẽ, xử lý các cơ sở đóng mới, sản xuất xe tự chế không đúng quy định, không bảo đảm an toàn.
Bài, ảnh: Quốc Phương