Cứu 1 phụ nữ bị túi phình kích thước lớn ở vị trí hiểm hóc
Bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng đau đầu dữ dội, buồn nôn, tri giác lơ mơ.
Ngày 1-7, thông tin từ Bệnh viện (BV) đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các BS Khoa Ngoại thần kinh vừa thực hiện kẹp clip cứu bệnh nhân bị túi phình mạch máu não kích thước lớn ở đỉnh động mạch nền, một vị trí rất hiểm hóc.
Đây là bệnh nhân đầu tiên tại BV đa khoa Trung ương Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện kỹ thuật này.
Bệnh nhân là chị VTH (50 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) được chuyển đến BV đa khoa Trung ương Cần Thơ ngày 17-6 với triệu chứng đau đầu dữ dội, buồn nôn, tri giác lơ mơ. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp trước đó.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân nhanh chóng được chụp cắt lớp vi tính mạch máu não để chẩn đoán xác định thương tổn. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ túi phình đỉnh động mạch nền có hình dạng phức tạp. Kèm theo đó là một túi phình khác chưa vỡ ở động mạch não giữa bên phải.
Sau khi hội chẩn, các BS quyết định chọn lựa phương pháp phẫu thuật vi phẫu kẹp cổ túi phình. Mục đích giải quyết triệt để túi phình phức tạp và loại bỏ túi phình não giữa bên phải chưa vỡ trong một cuộc mổ.
Ngày 21-6, êkip phẫu thuật thần kinh gồm BS.CK1 Nguyễn Quang Hưng, BS Hà Thoại Kỳ và BS Nguyễn Công Danh phối hợp điều trị cho bệnh nhân. Phẫu thuật được thực hiện tỉ mỉ dưới kính vi phẫu. Các cấu trúc mạch máu và thần kinh được bóc tách rõ ràng, dẫn đường đến vị trí của túi phình.
Sau năm giờ căng thẳng, cả hai túi phình đã được kẹp hết cổ, loại bỏ hoàn toàn ra khỏi vòng tuần hoàn não mà vẫn bảo vệ được các cấu trúc mạch máu, thần kinh quan trọng.
Theo TS.BS Hà Tấn Đức, Trưởng đơn vị Can thiệp đột quỵ BV đa khoa Trung ương Cần Thơ, phình mạch máu não là tình trạng phồng lên của mạch máu trong não từ một điểm yếu của lớp nội mạc của thành mạch máu.
Vỡ phình mạch mạch máu não là biến chứng nặng nề nhất của bệnh, gây đột quỵ não, chảy máu não, thường chảy máu trong ở màng não, có thể chảy máu não thất hoặc kết hợp. Triệu chứng là đau đầu dữ dội, nôn, buồn nôn, tăng huyết áp, ý thức có thể bình thường hoặc lơ mơ, thậm chí hôn mê, bại liệt nửa người, khó nói hoặc không nói được.
Phình động mạch não có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, riêng nguy cơ vỡ phình mạch thường gặp nhất ở người già 55 đến 65 tuổi trở lên. Khoảng 20% ca phình mạch não xảy ra ở độ tuổi 15 đến 45.
Ngoài yếu tố tuổi tác, những người thường xuyên hút thuốc lá, cao huyết áp, uống nhiều rượu, bia, lạm dụng thuốc, phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh có mức estrogen thấp, tiền sử gia đình bị phình mạch não, người bị chấn thương, tổn thương mạch máu… là nhóm có nguy cơ bị phình mạch máu não. Những người nói trên cần khám tầm soát bệnh lý nguy hiểm này.