Cựu binh Hà Tĩnh kể về trận đánh lập công kỷ niệm 28 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
'Trong rất nhiều kỷ niệm thời chiến, tôi vẫn nhớ như in trận đánh lập nhiều chiến công xuất sắc kỷ niệm 28 năm thành lập Quân đội nhân dân việt Nam (22/12) cách đây 47 năm' - cựu chiến binh Lê Đình Khang (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) chia sẻ.
Tác giả Lê Đình Khang là người tham gia trận tiêu diệt cứ điểm Đắc Tô cách đây 47 năm. Ảnh: Huy Tùng
Sau cuộc tổng tấn công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, tiểu đoàn chúng tôi (Tiểu đoàn 10, Sư đoàn 304, Quân đoàn 3 - Mặt trận Tây Nguyên) được cấp trên giao nhiệm vụ đánh địch lấn chiếm bảo vệ vùng núi giải phóng ở phía Tây Nam - thị xã Kon Tum.
Đến đầu tháng 12/1972, đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng tấn công tiêu diệt cứ điểm Đắc Tô. Đây là cứ điểm rất kiên cố, cách thị xã Kon Tum khoảng 20 km về hướng Bắc. Sau một thời gian trinh sát nắm tình hình địch và chuẩn bị lực lượng chiến đấu, đến 10h ngày 19/12/1972, toàn tiểu đoàn bí mật hành quân vào vị trí tập kết cách cứ điểm Đắc Tô gần 6 km.
Từng đại đội đều được giao nhiệm vụ cụ thể. Chúng tôi đã cùng nhau tuyên thệ trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc, quyết tâm chiến đấu để lập thành tích kỷ niệm 28 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
20h ngày 20/12, toàn tiểu đoàn bí mật hành quân vào vị trí xuất phát tấn công, với yêu cầu đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng; đến 23h30’, toàn đơn vị vào vị trí xuất phát tấn công, cách cứ điểm Đắc Tô khoảng 400m. Nhờ ta giữ được bí mật nên quân địch không hề hay biết. Trong giờ phút chờ lệnh nổ súng tấn công địch, chúng tôi ai cũng hừng hực khí thế chiến đấu nhằm lập thành tích mừng quân đội ta 28 tuổi.
Khu Đài tưởng niệm chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh tại Trung tâm thị trấn Đắc Tô, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: TTXVN)
0h ngày 21/12, sau mệnh lệnh tấn công của đồng chí chỉ huy đơn vị, 4 mũi tấn công của toàn tiểu đoàn đồng loạt nổ súng, đánh vào cứ điểm Đắc Tô. Ngay từ những phút đầu chiến đấu, hỏa lực và bộ binh ta đã bắn cháy 4 xe bọc thép, đánh sập 3 lô cốt đầu cầu của địch. Bị ta đánh bất ngờ, địch tập trung phản công dữ dội. Cuộc chiến diễn ra ác liệt nhưng chúng tôi đã chiến đấu rất dũng cảm, người trước ngã xuống, người sau tiến lên để tiêu diệt địch.
Sau hơn một ngày đêm chiến đấu quyết liệt, đến 7h ngày 22/12, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Ta đã tiêu diệt và bắn bị thương hơn 700 tên địch, bắt sống 33 tên, diệt gọn cả ban chỉ huy tiểu đoàn và 4 đại đội địch, phá hủy 5 xe bọc thép, thu nhiều vũ khí và các trang bị chiến tranh của địch.
Cứ điểm và quận lỵ Đắc Tô được hoàn toàn giải phóng. Với chiến công tiêu diệt cứ điểm Đắc Tô, tiểu đoàn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, 3 đại đội được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, 42 cán bộ, chiến sỹ được Bộ Tư lệnh mặt trận tặng bằng khen.
Cựu chiến binh Tiểu đoàn 10 (Sư đoàn 304, Quân đoàn 3 - Mặt trận Tây Nguyên) thăm lại chiến trường xưa (năm 2002)
Sau chiến thắng Đắc Tô, tiểu đoàn của chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh địch lấn chiếm, bảo vệ vùng giải phóng ở phía Tây Nam - thị xã Kon Tum, đến tháng 3/1975, tiểu đoàn phối hợp với các đơn vị bạn tấn công và giải phóng hoàn toàn thị xã Kon Tum. Sau đó, tiếp tục chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên, từ tháng 12/1978 - 8/1984, tiểu đoàn đã phối hợp với các đơn vị bạn đánh địch bảo vệ biên giới Tây Nam, sau đó tổng tiến công tiêu diệt bọn Pôn-pốt, giải phóng hoàn toàn 2 tỉnh Đông Bắc của Campuchia. Với những chiến công trên, đơn vị 2 lần được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Giờ đây, khi đất nước đã thanh bình, vào những dịp kỷ niệm ngày 22/12, chúng tôi lại tìm nhau, ôn lại kỷ niệm những ngày chiến đấu gian khổ, hào hùng, cùng tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường.
Trong râm ran chuyện cũ, tình yêu quê hương, đất nước lại dậy lên mạnh mẽ, để rồi lại động viên nhau cùng cố gắng, tiếp tục cống hiến cho cộng đồng và xã hội bằng những việc làm thiết thực.