Cựu chi cục trưởng ở Cần Thơ lãnh 16 năm tù tội tham ô
HĐXX đánh giá hành vi của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan thi hành án nói riêng.
Ngày 12-11, TAND TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm, đã tuyên phạt Đinh Văn Công (cựu chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Ô Môn) 16 năm tù, Nguyễn Thị Huyền (cựu kế toán trưởng kiêm thủ quỹ cơ quan này) 15 năm tù cùng về tội tham ô tài sản.
Chiếm đoạt gần 2 tỉ đồng tiền thi hành án
Bị cáo Công nguyên là chấp hành viên, chi cục trưởng Chi cục THADS quận Ô Môn (TP Cần Thơ) giai đoạn 1993-2019. Ngoài vai trò là thủ trưởng đơn vị, Công còn trực tiếp thụ lý giải quyết THA các vụ việc xảy ra trên địa bàn phường Phước Thới, quận Ô Môn.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Công đã chỉ đạo Huyền (kế toán trưởng kiêm thủ quỹ đơn vị, từ năm 2014 đến tháng 7-2018) lập hai hệ thống sổ sách kế toán, bỏ ngoài sổ sách để theo dõi riêng các khoản thu tiền THA và chi cá nhân nhằm tránh bị phát hiện để tham ô tài sản.
Cụ thể, Công và Huyền đã chiếm đoạt hơn 606 triệu đồng tiền bán đấu giá tài sản THA của Công ty TNHH An Khang để THA cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; chiếm đoạt hơn 1,35 tỉ đồng của Công ty CP Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Cần Thơ chuyển trả nợ cho Công ty CP Việt Nam Motors Cần Thơ; chiếm đoạt 35 triệu đồng tiền tạm ứng chi phí cưỡng chế, kê biên tài sản trong bốn vụ việc THA. Tổng cộng, Công và Huyền đã tham ô gần 2 tỉ đồng.
Đổ lỗi cho cấp dưới
Tại tòa, trong phần xét hỏi, bị cáo Công không thừa nhận việc chỉ đạo bị cáo Huyền như cáo trạng quy kết. Bị cáo cũng cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo tội tham ô là không đúng. Bị cáo chỉ nhận việc không kiểm tra do quá tin tưởng cấp dưới.
Trong tổng số tiền bị quy kết tham ô, có số tiền 300 triệu đồng bị cáo Công nhận trực tiếp từ Trung tâm Bán đấu giá tài sản. Với số tiền này, bị cáo nói 25 năm làm trong ngành THA, đây là số tiền lần đầu bị cáo nhận và thừa nhận việc nhận như vậy là sai.
Nhiều lần được hỏi, bị cáo này luôn cho rằng không xài đồng nào và không tham ô.
Thẩm phán chủ tọa hỏi bị cáo Công: “Bị cáo nói không tham ô, vậy bị cáo vi phạm pháp luật gì?”. Bị cáo nói: “Tội thiếu trách nhiệm thôi” và “Tất cả do cô Huyền làm, tôi không biết, rồi giờ buộc tôi phải chịu trách nhiệm”…
Bị cáo Huyền phủ nhận lời khai của bị cáo Công. Huyền cho rằng Công là người chỉ đạo “lấy tiền vụ sau ứng vụ trước, tiêu xài cá nhân, tiếp khách, đám tang nội ngoại cũng mượn tiền mà không có giấy. Những lần đưa tiền có giấy thì ít, không giấy thì nhiều, rồi có giấy thì viết số trên giấy nhận nhỏ hơn thực nhận”.
Bị cáo Huyền nói: “Bị cáo không kêu oan, chỉ xin buộc bị cáo phải trả những phần bị cáo đã xài thôi. Những phần không xài mà buộc bị cáo trả thì tội bị cáo”.
Các bị cáo có sự câu kết, phân công chặt chẽ
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định bị cáo Công và Huyền vì vụ lợi cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao và sự buông lỏng quản lý của Cục THADS TP Cần Thơ để thông đồng, chiếm đoạt gần 2 tỉ đồng tiền THA.
Với vai trò chi cục trưởng Chi cục THADS quận Ô Môn, nhiều năm công tác trong ngành THA, bị cáo Công đã trực tiếp chỉ đạo bị cáo Huyền lập hai hệ thống quản lý sổ sách kế toán tạm ứng, thu tiền THA, thu tiền bán đấu giá tài sản nhưng không làm chứng từ thu, không nộp cho chi cục THA…
HĐXX đánh giá hành vi của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan THA nói riêng, gây bức xúc dư luận xã hội…
Các bị cáo thực hiện hành vi trong một thời gian dài, có câu kết, phân công chặt chẽ, thể hiện sự xem thường pháp luật. Bị cáo Huyền là đồng phạm thực hành và giúp sức tích cực…
Theo tòa, bị cáo Công chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng, Huyền chiếm đoạt hơn 1,1 tỉ đồng. Mặc dù bị cáo Huyền chiếm đoạt nhiều hơn nhưng vai trò của bị cáo Công cao hơn.
Bị cáo Công đã khắc phục toàn bộ, được thưởng huân chương Lao động hạng Ba và nhiều thành tích khác, sức khỏe không tốt, mắc nhiều bệnh. Bị cáo Huyền khắc phục 305 triệu đồng trong tổng số hơn 1,1 tỉ đồng, thành khẩn, ăn năn hối cải…
Được trả lại tiền khắc phục dư
Tòa buộc bị cáo Công khắc phục hơn 800 triệu đồng, Huyền hơn 1,1 tỉ đồng. Khấu trừ số tiền các bị cáo đã nộp thì bị cáo Công được nhận lại hơn 100 triệu đồng và trả lại cho bị cáo này số tiền trợ cấp thôi việc bị tạm giữ, tổng cộng khoảng 300 triệu đồng; bị cáo Huyền phải nộp thêm khoảng 800 triệu đồng.