Cựu chiến binh 72 tuổi ở Ninh Bình bỏ tiền xây, sửa 7 cây cầu 'mua' nụ cười người dân
Chứng kiến những vụ tai nạn đau lòng vì cầu tạm, một cựu chiến binh ở Ninh Bình đã bỏ tiền túi để sửa chữa, xây mới 7 cây cầu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Dưới cái nắng gay gắt của buổi chiều giữa hè, ông Đỗ Quang Sản, 72 tuổi (cựu chiến binh ở xã Khánh Trung, tỉnh Ninh Bình) vẫn mê mải bên những cây cầu.
Mỗi cây cầu, với ông không chỉ là bê tông cốt thép mà là những nhịp nối an toàn cho dân làng, nơi ông sinh ra và gắn bó cả cuộc đời.

Cựu chiến binh Đỗ Quang Sản bên cây cầu Văn Chỉ được ông bỏ tiền túi xây dựng năm 2019.
Động lực xây cầu để giảm tai nạn
Xuất ngũ sau gần chục năm chiến đấu ở chiến trường Campuchia, ông Sản trở về cống hiến cho quê hương.
Sau lần tận mắt chứng kiến vụ tai nạn ở cầu Chợ Cát, ông Sản không đành lòng khi mối nguy hiểm luôn chực chờ rình rập bà con trong thôn.
"Nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông là cây cầu tạm ghép bằng cột điện khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Có người trượt chân ngã xuống nước, gặp nạn, tôi không an lòng, nghĩ mình phải làm gì đó để xứng danh Bộ đội Cụ Hồ", ông Sản tâm sự.
Và ý định xây cầu của ông Sản bắt đầu từ chính vụ tai nạn giao thông mà ông trực tiếp chứng kiến đó.
Sau khi bàn bạc với vợ con, năm 2015 ông rút toàn bộ số tiền tiết kiệm hơn 140 triệu đồng để làm cầu Chợ Cát mới, rộng 3,5m, đổ bê tông cốt thép kiên cố.

Cầu Chợ Cát hay người dân nơi đây vẫn quen gọi cầu ông Sản.
Từ đó, mỗi năm ông lại tiếp tục làm thêm 1 - 2 cây cầu mới. Có cây thì sửa chữa, có cây xây dựng mới hoàn toàn.
Tính đến nay, ông đã bỏ hơn 400 triệu đồng tiền túi để xây dựng, tu sửa 7 cây cầu dân sinh - con số khiến nhiều người kinh ngạc, nhất là khi biết ông chỉ là một nông dân cả đời gắn bó với đồng ruộng, sống bằng thu nhập từ việc cho thuê thiết bị xây dựng.
Mọi việc đều do ông tự đứng ra làm, từ thuê thợ đến giám sát, thanh toán chi phí. Ông không hề kêu gọi tài trợ hay huy động cộng đồng.
"Nhiều người bảo tôi khùng, tưởng tôi có của ăn của để. Tôi chỉ cười. Làm cầu là để bà con không phải nơm nớp mỗi khi qua sông, nhất là mưa gió. Đường làng ngõ xóm có cầu vững, dân đi lại mới an tâm, hàng hóa mới lưu thông thuận lợi", ông Sản chia sẻ.
Người dân xã Khánh Trung giờ đây đã quen gọi những chiếc cầu bê tông đó là "cầu ông Sản". Cầu nối các xóm ven sông lại với nhau, không chỉ phục vụ đi lại mà còn là mạch vận chuyển nông sản, buôn bán nhỏ và cứu thương khi cần thiết.
Bà Phạm Thị Hoa (60 tuổi, xóm 12) chia sẻ: "Hồi chưa có cầu kiên cố, trời mưa tôi không dám ra chợ. Cầu trơn, hẹp, người đi xe đạp qua còn sợ chứ nói gì người già, trẻ nhỏ. Giờ cầu ông Sản làm vững chãi, chúng tôi mừng lắm".
Ông Vũ Văn Cương (47 tuổi, tiểu thương chợ Cát) khẳng định: "Buôn bán nông sản cần chở hàng qua cầu. Trước đây cầu tạm chịu tải kém, cứ thấy xe ba gác là lo sợ. Giờ xe tải nhỏ qua thoải mái, vận chuyển hàng thuận lợi hẳn."
Cựu chiến binh một đời vì dân
Ít ai biết, ông Sản từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia trong 8 năm, mang trong người những mảnh đạn đến giờ vẫn chưa gắp ra hết.
Xuất ngũ năm 1984, ông trở về quê, khởi nghiệp từ cửa hàng nhỏ cho thuê cốp pha xây dựng. Vợ ông làm ruộng, ba người con đã trưởng thành.

Từ khi có những cây cầu nối 2 bờ, người dân đi lại thuận tiện hơn.
"Tôi không cần gắn bảng tên lên cầu. Cầu không mang tên tôi, nhưng người qua lại đều biết ai làm. Làm phúc không cần kể công," ông nói.
Năm 2018, ông được UBND tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen trong cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Năm 2024 ông được vinh danh trong chương trình, 65 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cũng tại buổi lễ tôn vinh ông được chương trình nhắc "ông Đỗ Quang Sản (thôn 21, xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), tích cực học tập và làm theo lời Bác, những năm qua, ông và gia đình đã nỗ lực phát triển kinh tế, duy trì ổn định cuộc sống gia đình và tạo việc làm cho 8-10 lao động địa phương có thu nhập ổn định.
Ông đã bỏ chi phí hơn 300 triệu đồng, xây dựng, sửa chữa nhiều cây cầu đã xuống cấp trong xã để phục vụ bà con nhân dân đi lại, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế cho địa phương...".
Nhưng với ông, phần thưởng lớn nhất chính là nụ cười nhẹ nhõm của bà con mỗi khi băng qua cây cầu vững chắc.
Hiện tại, ông Sản đang lên kế hoạch mở rộng cầu Chợ Cát thêm một làn, đủ cho hai ô tô tránh nhau. Dự kiến cần khoảng 300 triệu đồng, ông vẫn đang tiếp tục tích cóp từ cửa hàng cốp pha nhỏ bé của mình.

Ông Đỗ Quang Sản tại căn nhà cấp 4 của gia đình khi chia sẻ với phóng viên Báo Xây dựng.
Trong khi nhiều vùng quê vẫn loay hoay với những cây cầu tạm chênh vênh, người cựu chiến binh vùng đất Cố đô Đỗ Quang Sản đã không quản nắng mưa, trong suốt nhiều năm qua luôn âm thầm, lặng lẽ xây những nhịp cầu nối những bờ vui.