Thức dậy từ tiếng sấm thiêng

'Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu' vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong hành trình gìn giữ bản sắc của tộc người ít nhất Việt Nam, khi từng bên bờ mai một đang từng bước hồi sinh ngôn ngữ, nghi lễ và văn hóa giữa đại ngàn miền Tây xứ Nghệ.

Đồng bào Ơ Đu trong Lễ hội đón tiếng sấm

Đồng bào Ơ Đu trong Lễ hội đón tiếng sấm

Niềm tự hào trở lại với người Ơ Đu

Một buổi sớm mùa hè, chúng tôi đến bản Văng Môn, nơi duy nhất còn lưu giữ văn hóa của tộc người Ơ Đu. Sau sáp nhập, bản Văng Môn nay thuộc xã Yên Tĩnh (Nghệ An) với chưa đầy 100 nóc nhà nằm lọt thỏm giữa đại ngàn. Năm 2024, sau gần nửa thế kỷ gián đoạn, “Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu” được phục dựng. Tháng 6.2025, nghi lễ chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bên hiên nhà sàn, già làng Lo Văn Cường, người có uy tín, cũng là thầy mo của bản niềm nở đón khách. “Tiếng sấm đầu mùa là tiếng gọi đất trời thức dậy. Bao năm tưởng đã bị quên lãng, sau nhiều nỗ lực giờ được vinh danh là di sản. Văn hóa người Ơ Đu mình sống lại rồi!”, ông xúc động nói.

Niềm vui của ông Cường cũng là niềm hạnh phúc lan tỏa khắp cộng đồng. Cụ Lô Thị Thoa (78 tuổi) nghẹn ngào: “Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ có ngày nghi lễ được công nhận là di sản. Từ nay, con cháu có thể tự hào nói: Đây là lễ hội của dân tộc tôi!”. Ông Lo Văn Phanh ngồi bên cạnh, nói chen vào với ánh mắt rạng ngời: “Bây giờ ai cũng biết đến tiếng sấm, biết đến người Ơ Đu, biết bản Văng Môn!”.

Tên gọi “Ơ Đu” theo tiếng Thái nghĩa là “Thương lắm”. Tộc người từng sống đông đúc, có ngôn ngữ riêng, phân bố trên thượng nguồn sông Nậm Nơn, Nậm Mộ, kéo dài sang cả nước bạn Lào. Nhưng đến nay chỉ còn chưa đầy 455 nhân khẩu và vỏn vẹn 4 người còn nói được tiếng mẹ đẻ, chữ viết thì đã thất truyền hoàn toàn. Thanh niên không biết tiếng, trẻ em tưởng dân ca của mình là tiếng Thái, những nghi lễ như cúng bản, mừng lúa mới hay đón tiếng sấm cũng rơi vào quên lãng.

“Không phải vì bà con bỏ mà vì không ai dạy. Người già mất dần, người trẻ thì mải mưu sinh. Văn hóa Ơ Đu như ngọn lửa nhỏ dần giữa rừng sâu”, ông Lo Văn Cường trăn trở.

Một người mẹ người Ơ Đu ở bản Văng Môn giao của hồi môn cho con gái trước khi về nhà chồng

Một người mẹ người Ơ Đu ở bản Văng Môn giao của hồi môn cho con gái trước khi về nhà chồng

Khơi lại bản sắc từ tro tàn

Năm 2020, tỉnh Nghệ An triển khai Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Ơ Đu”. Chính quyền, ngành Văn hóa và cộng đồng cùng chung tay hành động. Các cụ cao niên như Lo Văn Nhoong, Lo Văn Bình, Lô Văn Hậu… được ghi âm tiếng nói, kể chuyện cổ, hát dân ca để lưu trữ tư liệu. Lớp học “vỡ lòng tiếng mẹ đẻ” được mở ngay tại bản, nghệ nhân đứng lớp, học trò là chính con cháu mình.

Tháng 5.2024, “Lễ đón tiếng sấm đầu mùa” được tổ chức trọn vẹn, tiếng trống, tiếng khèn rộn ràng, người người mặc váy áo truyền thống, dựng cây cúng trời, dâng lễ vật cầu mùa. Nghệ nhân Lo Văn Bình, được mệnh danh là “kho ký ức sống”, xúc động khi thấy lớp trẻ múa điệu cổ, hát tiếng mẹ đẻ: “Giờ tiếng sấm không chỉ gọi mùa, mà còn đánh thức cả tâm hồn người Ơ Đu”.

Không gian văn hóa Ơ Đu đang dần hồi sinh. Từ nhà sàn, nhạc cụ, trang phục, nghề dệt đến tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng đều được phục dựng. Người Ơ Đu vừa gìn giữ bản sắc, vừa chủ động giới thiệu qua mô hình du lịch cộng đồng, du khách được tham gia vào nghi lễ độc nhất vô nhị tại Việt Nam và trải nghiệm đời sống bản địa. “Giữ văn hóa không chỉ để nhớ, mà để sống. Làm tốt thì văn hóa sẽ nuôi sống người Ơ Đu, và người Ơ Đu sẽ làm sống lại văn hóa của mình”, ông Lo Văn Cường khẳng định.

Tuy vậy, thách thức vẫn không nhỏ. Văn hóa Thái, Khơ Mú, Kinh… đang len sâu vào đời sống Ơ Đu. Trang phục truyền thống ít được mặc. Có thời điểm, nhiều thanh niên trong bản vướng vào tệ nạn. Bản làng thay đổi nhanh, nhưng văn hóa truyền thống cứ dần bị lãng quên.

Trong bối cảnh đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Ơ Đu là bài toán nhiều thách thức, tuy nhiên luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư. Đặc biệt, Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 đã tiếp thêm nguồn lực thiết thực: Hỗ trợ khung cửi, trang phục truyền thống, mở lớp dạy nghề, sưu tầm tiếng nói, ghi âm dân ca, trang bị thiết chế văn hóa… giúp đồng bào Ơ Đu “giữ lửa” giữa đại ngàn.

Hành trình hồi sinh văn hóa được khởi đầu từ những điều nhỏ nhất. Những người phụ nữ như bà Vi Thị Dung, bà Lo Thị Nga… đã miệt mài lần tìm lại những mảnh váy, khung cửi còn sót lại từ thế hệ cha ông để phục dựng trang phục truyền thống. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, hàng chục bộ khung cửi được trao tặng, các lớp dạy nghề dệt được mở ra ngay tại bản. Không gian bản làng dần rộn ràng trở lại với sắc màu thổ cẩm, với nhịp guồng quay của khung cửi và tiếng hát ru vọng từ quá khứ.

Cùng với đó, tiếng mẹ đẻ cũng được hồi sinh. Những già làng như ông Cường, ông Bình đứng lớp truyền dạy tiếng Ơ Đu cho con cháu. Dù chưa có chữ viết và vốn từ ít ỏi, nhưng việc học và sử dụng tiếng mẹ đẻ đã khơi lại niềm tự hào dân tộc.

Nhiều lớp học cộng đồng được tổ chức, phối hợp cùng các nhà nghiên cứu ghi âm, lưu giữ tiếng nói và truyện kể dân gian cho thế hệ sau. “Trong quá trình phục dựng, có cái giữ nguyên, có cái phải tiếp thu, học lại phát triển hơn, nhưng điều quan trọng là người Ơ Đu đang chủ động sống với văn hóa của mình”, bà Mạc Thị Tím, nguyên trưởng bản Văng Môn chia sẻ.

Ông Bùi Công Vinh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Nghệ An nhận định: Việc phục dựng Lễ đón tiếng sấm đầu mùa không chỉ là khôi phục một nghi lễ tín ngưỡng đặc sắc, mà còn là bước đi quan trọng trong nỗ lực bảo tồn văn hóa của một tộc người đang dần mai một.

Với người Ơ Đu, đây là nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh báo hiệu mùa vụ mới và là biểu tượng gắn kết cộng đồng, lưu giữ ký ức, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ. “Giữ được lễ hội là giữ được hồn cốt dân tộc. Cái khó nhất không phải là dựng lại nghi thức, mà là thắp lên ngọn lửa tự hào để văn hóa không bao giờ lụi tắt”, ông Vinh nhấn mạnh.

PHẠM NGÂN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/thuc-day-tu-tieng-sam-thieng-151892.html