Cựu chiến binh cải thiện đời sống nhờ vốn chính sách

CCB Lê Văn Quý (huyện Sông Hinh) vay vốn tín dụng chính sách để phát triển vườn cây cao su. Ảnh: LÊ HẢO

Những năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hội viên cựu chiến binh (CCB) có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống.

Phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo

Giữa tháng 7/2022, chúng tôi đến xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), thăm vườn cao su xanh mướt của gia đình ông Lê Văn Quý. Hàng ngày, người CCB sinh năm 1955 này vẫn cần mẫn di chuyển từ nhà ở khu phố 7, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) lên chăm sóc vườn.

Ông Quý cho biết: Năm 1974, tôi nhập ngũ, làm công binh phục vụ chiến đấu ở chiến trường Lào. Đến tháng 9/1979, tôi xuất ngũ, về sinh sống tại quê nhà Hà Tĩnh. Cuộc sống khó khăn, nên khi có người họ hàng rủ đi kinh tế mới ở Sông Hinh, tôi đưa cả gia đình vào đây lập nghiệp. Trải qua một thời gian dài vất vả, thiếu thốn, vợ chồng tôi nỗ lực khai hoang, làm rẫy, phát triển sản xuất. Làm ngày không kịp, chúng tôi làm cả ban đêm, từ trồng lúa, trồng đậu đỏ đến trồng mía, cà phê rồi chuyển hẳn sang cao su và duy trì đến nay.

Theo ông Quý, khi chuyển đổi sang trồng cao su, gia đình ông cần vốn đầu tư nhưng chưa biết vay ở đâu. Lúc này, biết đến nguồn vốn tín dụng chính sách, ông liên hệ Hội CCB thị trấn Hai Riêng và được hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Không lâu sau đó, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Sông Hinh đã giải ngân cho hộ ông Quý vay 50 triệu đồng vốn hỗ trợ tạo việc làm. Với số tiền này, gia đình ông đầu tư cây giống để mở rộng vườn, mua phân bón chăm sóc cao su. “Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, chúng tôi có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Hiện gia đình có 4,7ha cao su đang phát triển tốt, hứa hẹn đem lại nguồn thu đáng kể”, ông Quý nói.

Tại xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, CCB Phan Thanh Hương cũng được vay vốn tín dụng chính sách để nuôi bò, phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, gia đình ông Hương còn được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Hòa giải ngân cho vay vốn học sinh sinh viên để cho con đi học. “Tôi có 3 người con. Đứa lớn hiện làm giáo viên, đứa giữa làm du lịch, còn đứa út đang học ngành công nghệ thông tin ở TP Hồ Chí Minh. Vợ chồng tôi làm nông, xoay xở được tiền lo chi phí cuộc sống, rồi nuôi con ăn học đến bây giờ cũng nhờ đồng vốn của NHCSXH”, ông Hương chia sẻ.

Rà soát đối tượng, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay

Theo Hội CCB tỉnh, nhận ủy thác vốn từ NHCSXH, các cấp hội đã thực hiện đầy đủ các nội dung ủy thác; tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước, tham mưu chính quyền địa phương tổ chức bình xét đối tượng vay vốn chặt chẽ, đúng quy định; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng vốn vay đảm bảo hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng...

Nhờ vậy, những năm qua, hàng ngàn hộ CCB trên địa bàn tỉnh đã được NHCSXH Phú Yên giải ngân cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng, đánh bắt, khai thác thủy hải sản, thương mại dịch vụ, trồng rừng, trồng cây cảnh… Qua đó giúp hàng ngàn lao động là CCB và con cháu của họ có việc làm thường xuyên, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

“Để quản lý tốt nguồn vốn ủy thác, giúp CCB vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống, Hội CCB tỉnh chỉ đạo các hội cơ sở nắm bắt nhu cầu vay, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn thuận lợi; đồng thời động viên họ phát huy ý chí tự lực tự cường, tích cực lao động sản xuất. Bên cạnh đó, hội còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, học tập các mô hình phát triển kinh tế, giúp hội viên áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả. Hiện nhiều hộ hội viên CCB trên địa bàn tỉnh đã thoát nghèo, có nguồn thu nhập ổn định”, ông Phan Tấn Ô, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết.

Theo ông Phan Tấn Ô, hiện ở Phú Yên vẫn còn nhiều hội viên CCB khó khăn, cần vốn để duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Do đó, thời gian tới, Hội CCB tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với NHCSXH Phú Yên và chính quyền cơ sở rà soát các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, đặc biệt chú ý hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công. Các cấp hội cũng sẽ tranh thủ mọi nguồn lực thông qua các chương trình, dự án, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi…; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên và các đối tượng chính sách phát huy nội lực, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chủ động vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững, không để tái nghèo.

Tính đến 30/6/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách ủy thác qua Hội CCB tỉnh gần 430,2 tỉ đồng, tăng gần 40 tỉ đồng so với đầu năm, với 10.354 hộ còn dư nợ/296 tổ tiết kiệm và vay vốn, chiếm 11,7% tổng dư nợ ủy thác toàn tỉnh.

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/281049/cuu-chien-binh-cai-thien-doi-song-nho-von-chinh-sach.html