Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế từ những tổ hợp tác
Ở xã Đông Thanh (huyện Lâm Hà), những tổ hợp tác (THT) nông nghiệp lần lượt được thành lập là cách mà những cựu chiến binh (CCB) nơi đây cùng chia sẻ, hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.
Những năm gần đây, diện tích trồng xen mắc ca trong vườn cà phê trên địa bàn xã Tân Thanh không ngừng tăng lên, nhất là khi huyện Lâm Hà triển khai thực hiện Đề án “Phát triển rừng trên diện tích đất lâm nghiệp do người dân lấn chiếm sản xuất nông nghiệp” từ năm 2014, và cây mắc ca được công nhận là cây lâm nghiệp. Với mục đích hỗ trợ hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tháng 6/2017, THT Trồng cây mắc ca của xã Đông Thanh được Hội CCB xã thành lập.
Hiện, THT đã có trên 40 thành viên, với tổng diện tích khoảng 65 ha trồng cà phê xen mắc ca hay trồng thuần mắc ca.
Theo CCB Nguyễn Văn Bát - Tổ trưởng THT, ngoài việc đảm bảo nguồn giống mắc ca được kiểm định, phối hợp tổ chức tập huấn cho tổ viên về giống và kỹ thuật trồng trọt, THT còn khuyến khích và hỗ trợ các tổ viên xây dựng mô hình trồng mắc ca theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật mới.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn mắc ca trồng xen canh cà phê (thuộc Đề án 04), CCB Lương Đình Tuân (thôn Tầm Xá) phấn khởi cho biết, hơn 300 cây mắc ca trồng mới trên tổng số 1.000 cây được trồng trên diện tích hơn 5 ha của gia đình ông đã bắt đầu cho trái bói. Với 8 tạ mắc ca thu được trong mùa đầu tiên, diện tích này hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình ông trong thời gian tới.
Ông Tuân bắt đầu tìm hiểu và trồng thử nghiệm cây mắc ca từ năm 2013, nhưng đến năm 2017, khi tham gia THT Trồng cây mắc ca của xã, gia đình ông mới yên tâm, mạnh dạn trồng thêm 600 cây xen cà phê. CCB Lương Đình Tuân chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ trồng mắc ca theo những cách tự mình mày mò. Từ khi tham gia vào THT, tôi được đi tập huấn về cách bón phân, chăm sóc, khoa học kỹ thuật và áp dụng nên cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn trước rất nhiều. Trong thời gian tới, khi nguồn cây giống và kỹ thuật chăm sóc đều được đảm bảo như thế này, gia đình tôi sẽ tiến hành thay thế hoàn toàn những vườn cà phê có năng suất thấp bằng cây mắc ca”.
Theo CCB Nguyễn Văn Bát, vì cây mắc ca là cây lâu năm, nên THT sẽ tiến hành từng bước một để đảm bảo hiệu quả cao nhất cho tổ viên, mà bước đầu tiên là phối hợp, hỗ trợ tổ viên loại thải những cây mắc ca có năng suất thấp hoặc nguồn giống không đảm bảo chất lượng, hướng dẫn quy trình và chọn lọc ghép giống thích hợp. Ngoài ra, THT Trồng cây mắc ca xã Đông Thanh đã phối hợp với Hiệp hội mắc ca Việt Nam nhằm cung cấp nguồn giống cây có chất lượng và kiểm nghiệm chất lượng hạt mắc ca. Năm 2019, các tổ viên của THT cũng đã được Trung tâm Nông nghiệp huyện Lâm Hà hỗ trợ vay vốn với số tiền 60 triệu đồng để đầu tư trồng mắc ca. “Bên cạnh đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác giữa các tổ viên nhằm nâng cao chất lượng trồng cây mắc ca và môi trường trồng trọt tại các hộ gia đình, THT còn hướng đến việc gắn kết sản xuất, cung cấp dịch vụ và thu mua, tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới”- ông Bát khẳng định.
Ra đời muộn hơn, THT Trồng dược liệu của Hội CCB xã Đông Thanh được thành lập từ tháng 10/2019, với 11 thành viên cùng mong muốn chia sẻ, học tập kinh nghiệm để trồng cây dược liệu. Trong đó, có những người đã trồng cây đương quy 1, 2 năm, cũng có những người mới bắt đầu chuyển đổi. CCB Chữ Văn Xoa (thôn Thanh Trì) là một trong những tổ viên có nhiều kinh nghiệm nhất, khi ông đã có hơn 6 năm gắn bó với cây đương quy. Ông Xoa chia sẻ: “Sau nhiều lần thử nghiệm nhiều cây dược liệu khác nhau, tôi nhận ra đương quy là loại cây hợp với thổ nhưỡng địa phương. Bên cạnh đó, với những người lớn tuổi và gia đình không có nhiều công lao động như đa phần các CCB, đương quy là sự lựa chọn phù hợp bởi dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, đầu ra dễ tìm và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Điều quan trọng nhất là phải nắm được quy trình, kỹ thuật chăm sóc phù hợp”.
Trên vườn đương quy 10 tháng tuổi, gia đình ông Xoa đang bắt đầu thu hoạch. Với sản lượng trung bình khoảng 3 tấn/sào và giá thị trường ở mức thấp nhất 30 ngàn đồng/kg, mỗi năm, cây đương quy mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với cây cà phê. THT Trồng dược liệu ra đời là cơ hội để ông Xoa và các tổ viên cùng chia sẻ nguồn giống chất lượng, kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây đương quy với nhau, đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh để mở rộng diện tích. Đồng thời, đảm bảo số lượng sản phẩm có chất lượng để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo ông Hoàng Văn Thông - Chủ tịch Hội CCB xã Đông Thanh, các THT nông nghiệp được các CCB thành lập giúp hội viên yên tâm vào nguồn giống và tin tưởng vào đầu ra của sản phẩm, từ đó mạnh dạn hơn trong việc đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản địa phương. Bên cạnh đó, các THT cũng đã góp phần phát huy vai trò của CCB đối với sự phát triển kinh tế của địa phương, thông qua những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm để nâng hiệu quả sản xuất.