Cựu chiến binh làm giàu từ mô hình vườn-ao-chuồng
Phát huy phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh Trần Nam Dương (sinh năm 1958) tại thôn An Hiền, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu, đồng thời giúp nhiều hội viên cựu chiến binh trong xã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Mong ước làm giàu trên mảnh đất quê hương
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình vườn-ao-chuồng với diện tích rộng 2ha của cựu chiến binh (CCB) Trần Nam Dương ở thôn An Hiền, xã Hoàng Diệu, ông Lê Tuấn Tiến – hội viên Hội CCB xã Hoàng Diệu cho biết: “Ông Dương là một trong những hội viên tiêu biểu trong phong trào thi đua phát triển kinh tế của Hội CCB xã Hoàng Diệu”. Nhìn vườn cây trái tốt tươi, chúng tôi đủ biết chủ nhân của nó đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức vào chăm bón.
Vừa bước sang tuổi 17, anh thanh niên Trần Nam Dương đã tình nguyện nhập ngũ khi có Lệnh tổng động viên. Anh nhập ngũ vào tháng 2 năm 1975 tại thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) hơn một tháng rồi vào miền Nam chiến đấu. Chàng thanh niên có 8 năm, 8 tháng ở trong quân ngũ, trong đó có 5 năm làm việc tại Campuchia. Tháng 12 năm 1982, anh xuất ngũ trở về quê nhà với cấp bậc chuẩn úy.
Sau nhiều năm công tác xa quê, khi trở về CCB Trần Nam Dương lại hăng say mang sức mình cống hiến cho địa phương. Ban đầu ông làm Bí thư chi đoàn thôn, tiếp đến làm Phó ban Văn hóa - Thông tin của xã rồi làm địa chính xã. Với nhiều năm công tác trong quân ngũ và địa phương, có lẽ phẩm chất cao quý của anh Bộ đội Cụ Hồ trong ông luôn tỏa sáng đã trở thành động lực để ông lao động hết mình. Trong đầu ông luôn luôn nghĩ đến việc làm kinh tế trang trại.
Năm 1994, với ít vốn sẵn có, ông Dương vay mượn thêm rồi vào miền Nam mua 12ha đất xây dựng trang trại để trồng mía và các loại cây ăn quả làm kinh tế, trang trại lúc bấy giờ cũng cho ông thu nhập 100 triệu đồng/năm. Đến năm 2001 ông quay trở về miền Bắc để được ở gần bên gia đình và xin làm nhân viên bảo vệ ở Cục cảnh sát bảo vệ cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Sau nhiều năm nung nấu ý định làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, năm 2010 ông triển khai làm mô hình vườn-ao-chuồng. Khi ấy, ông ký hợp đồng thầu lại 2ha ruộng ở địa phương và xin phép chuyển đất ruộng sang mô hình trang trại tổng hợp. Lúc bắt đầu ông đã mạnh dạn đầu tư 400 triệu đồng vào đào 2 ao cá. Rồi mỗi năm ông đầu tư, xây dựng dần một ít: Xây chuồng trại, nhà ở, mua giống cây, mua giống vật nuôi… Đến năm 2017 mô hình của ông đã dần hoàn thiện.
Khi trang trại đã ổn định, mỗi lần tát ao đạt khoảng 15-17 tấn cá, trung bình một năm tát ao 2 vụ ông Dương thu về hơn 30 tấn cá. Xung quanh ao cá có khoảng gần 2.000 gốc cây các loại, trong đó: có 500 gốc bưởi, 200 gốc mít, 100 gốc nhãn, 100 gốc sưa và còn rất nhiều loại cây khác. Bên cạnh đó, ông còn nuôi thêm lợn, gà và vịt. Những năm gần đây, sức khỏe đã giảm, ông Dương chỉ tập trung vào nuôi cá và chăm sóc cây ăn quả. Trung bình một năm trang trại cho ông thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng.
Đạt được thành quả như ngày hôm nay, thời gian đầu ông Dương gặp nhiều khó khăn từ vốn đầu tư cho tới kinh nghiệm chăn nuôi và chăm sóc cây. Mỗi ngày ông tốn gần 2 triệu đồng tiền thức ăn cho vật nuôi, mỗi tháng mất khoảng 50 triệu đồng. Thời điểm ấy, thật may mắn đối với ông Dương, ông đã được tư vấn thành lập hợp tác xã nuôi trồng thủy sản với cây ăn quả, được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và Liên minh hợp tác xã thành phố cho vay với lãi suất thấp. Mô hình vườn – ao – chuồng của ông đã tham gia trình diễn khuyến nông được nhiều người dân các huyện lân cận về tham quan học hỏi.
Để có thêm kinh nghiệm trong chăn nuôi và trồng trọt, ông Dương đã học từ sách, báo, tivi và học hỏi mô hình của những người đi trước. Đặc biệt ông tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi và trồng cây, các chương trình khuyến nông của Thành phố, hội nông dân…
Ông Dương chia sẻ: “Muốn cá nuôi không bị chết, tôi đã đầu tư, xây dựng hệ thống thoát nước thải và dẫn nước; lắp 2 bộ quạt nước tạo bọt, cung cấp ô xy cho cá; thức ăn cũng được bố trí đều khắp ao. Sau mỗi đợt thu hoạch cá, tôi rút hết nước và tiến hành trục vét bùn, phơi nắng đáy ao để giải phóng khí độc. Lớp bùn để lại sau vét dày 20cm là đạt yêu cầu. Trước khi thả cá, tôi rắc từ 7-10kg vôi/100m2 (để diệt tạp), sau đó thay nước khoảng 2-3 lần để rửa ao. Cá giống cần chọn con giống khỏe, không trầy xước và không mang mầm bệnh. Mật độ thả cá thích hợp khoảng 2-3 con/m2”.
Ông Phạm Hồng Ngự, Chủ tịch Hội CCB xã Hoàng Diệu cho biết: “Sau nhiều năm mạnh dạn triển khai mô hình kinh tế tổng hợp, ông Dương đã trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của xã. Mô hình trang trại vườn – ao – chuồng của ông được nhiều bà con quanh vùng tới học tập và làm theo, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương. Ông Trần Nam Dương là điển hình cho việc dám nghĩ, dám làm, thực hiện ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương”.
Tấm lòng vì cộng đồng
Song song với việc làm kinh tế, ông cũng thường xuyên vận động người dân trong thôn, xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ gia đình. Ngoài ra, ông còn giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xóm từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống. Nhờ đó, trên địa bàn xã Hoàng Diệu đã xuất hiện thêm nhiều mô hình trang trại đem lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ông Lê Tuấn Tiến tâm sự: “Những năm gần đây, tôi cũng đang xây dựng mô hình vườn – ao – chuồng để làm kinh tế. Cũng nhờ có những chia sẻ và kinh nghiệm đi trước của ông Dương chỉ bảo mà tôi đã có thêm nhiều bài học hữu ích. Ông Dương luôn tận tình hỗ trợ mỗi khi tôi cần giúp đỡ”.
Bên cạnh đó, gia đình ông Trần Nam Dương còn tích cực đóng góp vào các phong trào, hoạt động của địa phương. Gia đình ông đã ủng hộ xây dựng, cải tạo các công trình tâm linh của làng gần 50 triệu đồng. Tất cả các chương trình trong thôn, trong xã gia đình ông đều tích cực tham gia đóng góp từ làm đường, mua cây cảnh trang trí đến lắp đặt hệ thống camera,… Trong đợt dịch Covid-19 ông đã ủng hộ thực phẩm, hoa quả, nước… để động viên tinh thần cho các đồng chí tham gia trực chốt chống dịch. Ngoài ra ông còn chung tay ủng hộ vào nhiều hội, nhóm từ thiện.
Với những đóng góp ý nghĩa cho xã hội, năm 1975 gia đình ông Trần Nam Dương được Chính phủ tặng “Bảng gia đình vẻ vang”; ông còn được trao tặng Huân chương chiến công hạng ba, kỷ niệm chương chiến trường K, kỷ niệm chương chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Campuchia, kỷ niệm chương cựu chiến binh Việt Nam. Bên cạnh đó với những nỗ lực, cố gắng, năm 2018, ông Trần Nam Dương được Trung tâm Giáo dục Truyền thống và Lịch sử (thuộc Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam) vinh danh “Gương ba giỏi” (giỏi kháng chiến, giỏi kiến quốc và giàu lòng nhân ái). Mới đây, tháng 5-2023, ông được Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tặng giấy khen “Hội viên người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi giai đoạn 2018-2023”.
Bài, ảnh: DIỆU HUYỀN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.