Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Đức Dục: Giỏi kinh doanh, tích cực làm từ thiện
Mặc dù tuổi đã cao nhưng cựu chiến binh, thương binh chống Mỹ Nguyễn Đức Dục (SN 1950) không cho phép mình ngơi nghỉ. Ông vẫn cùng các con tham gia điều hành công ty chuyên kinh doanh ống nhựa Tiền Phong và thiết bị điện nước quy mô lớn. Đặc biệt ông tự lái xe ô tô mỗi lần đi giao dịch hay làm từ thiện, công tác xã hội.
Gia đình ông Dục đang sinh sống trong ngôi nhà 3 tầng nằm cạnh quốc lộ 17 thuộc thôn Trung, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang) cũng là trụ sở của Công ty TNHH Phúc Đức. Nhìn bề ngoài ngôi nhà có vẻ yên ắng, nhưng đi sâu vào bên trong là không khí làm việc hăng say của 30 lao động. Trong khu nhà xưởng rộng khoảng 3.000 m2, chúng tôi thấy 10 xe tải đã ăm ắp hàng chở các loại ống nhựa Tiền Phong và thiết bị điện nước chuẩn bị lăn bánh đi các nơi trong và ngoài tỉnh giao cho khách.
Nhập ngũ năm 1971, ông Dục được biên chế vào Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn. Nhiệm vụ của ông là chuyên lái xe vận tải vượt núi, băng rừng vận chuyển lương thực, thực phẩm, quân trang, súng đạn… cho chiến trường miền Nam. Cùng đó giao xe thu người về tuyến sau. Bị sức ép của bom khi tới Binh trạm 37 Trường Sơn bên nước bạn Lào, ông bị thương mức 4/4. Năm 1974, do sức khỏe hạn chế, ông Dục xin phục viên trở về quê lập gia đình.
Những năm đất nước còn chiến tranh, cơ chế bao cấp, ông công tác tại xã Nghĩa Trung, làm Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã. Sau khi đất nước xóa bỏ bao cấp, nhiều người hăng hái làm kinh tế, ông cũng không phải ngoại lệ khi mà thu nhập từ đồng lương quá ít ỏi; gia đình lại đông con (5 người) nên ông xin nghỉ ở xã. Với ý chí, nghị lực được rèn luyện trong quân ngũ, ông không nề hà bất cứ việc gì để kiếm đồng tiền chính đáng. Bắt đầu là năm 1989, ông mở cửa hàng bán lân đạm; rồi đi lắp đặt bơm tay cho các gia đình đào giếng khoan trong vùng. Việc nào ông cũng làm tốt, cho thu nhập khá.
Sau 11 năm tích cóp, khi đã có số vốn đáng kể, năm 2000, ông Dục chính thức đứng tên thành lập Công ty TNHH Phúc Đức (làm đại lý phân phối sản phẩm cho Công ty nhựa Tiền Phong) do chính ông làm giám đốc. Dù trải qua nhiều khó khăn, nhưng với tài năng chèo lái của mình, CCB Nguyễn Đức Dục đã chủ động điều hành kế hoạch kinh doanh, lấy uy tín làm đầu, đưa Công ty ngày càng phát triển và có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài huyện và một số tỉnh lân cận. Mấy năm nay, do sức khỏe có phần giảm sút và cũng để các con tự chủ, Công ty do con trai điều hành là chính; ông là người hỗ trợ đắc lực với những chiến lược kinh doanh bài bản.
Ông thường động viên khuyến khích người lao động thông qua thực hiện chế độ bảo hiểm; thưởng công; tặng quà; thăm hỏi; giúp đỡ, tạo điều kiện khi công nhân gặp khó khăn, hoạn nạn. Hiện Công ty có 30 lao động thường xuyên, trong đó có nhiều con em cựu chiến binh; thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Công ty đóng góp đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Hằng năm, ông trích một phần lợi nhuận Công ty để làm công tác xã hội, từ thiện, nhân đạo, xây dựng trường học, làm đường, công đức tôn tạo di tích ở địa phương.
Nhắc đến đồng đội của mình, ông Nguyễn Quang Huấn, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh tỉnh cho biết: Ông Dục là Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyện Việt Yên, Ủy viên BCH Tỉnh hội. Với trách nhiệm và tấm lòng của mình, ông rất nhiệt tình với mọi hoạt động, quan tâm đến anh em hội viên cựu chiến binh.
Ông Dục thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ anh em, gia đình các cựu chiến binh gặp khó khăn về vật chất cũng như tinh thần. Mỗi khi Tỉnh hội có hoạt động, ông đều thu xếp công việc để tham gia, ủng hộ cả về vật chất và tinh thần. Ông thường tự mình lái xe ô tô riêng đi làm các công việc của Hội, đón các anh em cùng tham gia rất nhiệt tình và có trách nhiệm.
Với mức phụ cấp thương binh khoảng 1 triệu đồng/tháng ông đều dành cho hoạt động từ thiện, hỗ trợ đồng đội. Ông cho biết đây là cách để ông góp phần nhỏ bé của mình cho những gia đình đồng chí, đồng đội năm xưa hiện là thương binh, bệnh binh còn khó khăn.
Ông Dục khiêm tốn: “Làm được điều gì có ích tôi thấy vui lắm. Được sống đến ngày nay là một may mắn và hạnh phúc lớn lao so với nhiều đồng đội đã nằm xuống ở chiến trường. Tôi nghĩ khi mình có một chút của cải cần giúp đỡ những người nghèo khó, những gia đình cựu chiến binh không may mắn và xem đó như là trách nhiệm của những người đồng đội còn sống hôm nay”.
Bài, ảnh: Tuấn Minh