Cựu chiến binh viết hàng trăm bức thư tình gửi vợ từ chiến trường
Cựu chiến binh Trần Quốc Phong cho biết, những năm tháng ông ở chiến trường chính những bài thơ, lá thư tay là sợi dây liên lạc duy nhất để ông gửi gắm yêu thương về hậu phương.
Trong cái nắng oi bức của những ngày giữa tháng 5, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của cựu chiến binh Trần Quốc Phong (92 tuổi) trên đường Đào Duy Anh (TP Huế). Đã từng nghe câu chuyện tình của ông nhưng những gì được chứng kiến qua lời kể của ông người nghe mới thực sự thấu hết tình yêu mà người cựu chiến binh già dành cho vợ qua những bài thơ, cánh thư tay ông đã nhiều lần viết vội gửi về hậu phương.
Ông Phong sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, cha của ông là “Tướng rơm ớt” Trần Gia Hội, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Trần Cao Vân nổi tiếng khắp chiến trường Bình Trị Thiên một thời. Chính truyền thống yêu nước của gia đình đã thôi thúc ông tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ.
Sau Cách mạng tháng 8/1945, ông Trần Quốc Phong khi đó là giáo viên bình dân học vụ kiêm thư ký UBND xã của chính quyền mới thành lập. Năm 1949, vì cha hoạt động cách mạng, ông bị Pháp bắt. Hơn một tháng tra khảo nhưng không làm được gì, chúng đành thả ông về. Ngay khi được trả tự do, ông đã tìm cách lên chiến khu Dương Hòa (Thừa Thiên Huế) gia nhập Vệ quốc đoàn. Ở tuổi 20, chàng trai trẻ Trần Quốc Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 10/1954, ông tập kết ra Bắc.
Trò chuyện với chúng tôi bên di ảnh của người vợ, ông Phong không giấu nổi những hoài niệm về mối tình sắt son của mình.
Ông kể, trong một lần ghé thăm cậu em là thiếu sinh quân lấy vợ và sống ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), ông tình cờ quen người nữ dân quân du kích Ngô Thị Bích Thanh, kém ông 10 tuổi.
"Ngay từ những lần gặp gỡ đầu tiên, vẻ đẹp chân chất, thật thà của người thiếu nữ vùng “sơn cước” đã làm loạn nhịp trái tim của tôi khi đó", ông Phong hồi tưởng.
Cũng từ đây, một tình yêu được ươm mầm trong mưa bom bão đạn. Sau hai năm tìm hiểu, hai người quyết định về chung một nhà trong sự vui mừng của bà con và đồng đội. 9 năm chung sống, ông bà đã có 2 người con. Thế nhưng đến năm 1965, ông phải tạm biệt vợ con lên đường vào chiến trường miền Nam làm nhiệm vụ.
Nhớ lại ngày đó, ông Phong bồi hồi xúc động: “Ngày tôi đi, bà Thanh (vợ - PV) vừa đi vừa khóc, tiễn nhau suốt một chặng đường dài. Rồi trong những tháng ngày xa cách đó, tôi đã làm những bài thơ, viết những cánh thư tay gửi về cho vợ”.
Khoảng thời gian ở chiến trường miền Nam, ông Phong liên tiếp nhận nhiệm vụ và hoạt động ở những vùng khác nhau. Từ năm 1969 - 1972, ông được cử đi học tại Trường Đại học Quân y. Tháng 5/1972, ông tiếp tục nhận lệnh tham gia chiến đấu và chuyển thương tại chiến trường Quảng Trị. Lúc ấy, những lá thư tay chính là sợi dây liên lạc duy nhất để ông gửi gắm yêu thương về hậu phương - nơi mà tình yêu lớn nhất đó là vợ con ông đang mong ngóng từng ngày.
Ngày đó, mỗi bức thư được ông chắp bút là một nỗi nhớ thương vợ con ở quê nhà, trong một bức thư ông viết: "Em yêu quý!... Ôi! mỗi bước anh đi là một bước nhớ thương, mỗi bước anh đi là một bước ôn lại những tháng ngày anh đã sống... Càng nghĩ đến em anh càng thương em vô cùng. Anh nhớ những ngày cùng chung sống trước đây, từ buổi đầu mới biết nhau cho đến những ngày đi sâu vào cuộc sống. Bao nhiêu hình ảnh thắm thiết yêu thương trong chuỗi ngày tươi đẹp ấy có bao giờ mờ phai được!”.
Trong những lá thư chan chứa tình cảm yêu thương, nỗi nhớ dạt dào, ông Phong còn làm thơ tặng vợ. Và có một điều đặc biệt, ở cuối mỗi bức thư, lúc nào ông cũng ký nháy: "Hôn em và con, hẹn ngày thống nhất!".
Suốt quảng thời gian xa cách, ngoài những là thư chan chứa tình cảm yêu thương, nỗi nhớ dạt dào, ông còn làm thơ tặng vợ.
"Em yêu quý!
Anh còn nhớ mãi buổi năm xưa.
Lưu luyến vô cùng cảnh tiễn đưa
Hai ta lệ ứa tràn đôi mắt
Từ sáng mờ sương đến xế trưa
...
Biết bao hình ảnh mến yêu xưa
Đã từng gắn bó tháng năm qua
Cho dù sông núi đường ngăn cách
Xa mặt nhưng lòng chẳng cách xa."
Hay cũng không kém phần lãng mạn:
"Bom nổ ban ngày bom nổ đêm
Giặc Mỹ quấy rầy ngủ không yên
Thao thức trào lên niềm thương nhớ
Anh dậy làm thơ để tặng em
...
Anh hiểu lòng em lắm Thanh ơi,
Yêu anh, em đã quý nhất đời
Nên em chẳng thiết chi tiền của
Mà chỉ cần độc có anh thôi"
Mỗi bức thư người lính Trần Quốc Phong gửi về cho vợ là một nỗi niềm thương nhớ dạt dào, một khát vọng hòa bình và niềm tin mãnh liệt về ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Đó sẽ là lúc vợ chồng ông cũng như bao đôi vợ chồng phải xa cách bởi chiến tranh sẽ được đoàn tụ, sum vầy.
Ở hậu phương, tình cảm, nhớ nhung bà dành cho ông cũng không sao kể xiết. Trước tình cảm của người xa bà Thanh đã cất giữ hàng trăm bức thư của ông Phong gửi về từ chiến trường. Cẩn thận hơn bà còn đóng những bức thư đó thành tập theo thời gian.
Năm 2018, bà Thanh qua đời vì đột quỵ. Thương tiếc vợ vô vàn, ông Phong đã cho xuất bản nội bộ tập thơ này.
“Đây là kỷ vật tình yêu vô giá về mối tình của tôi. Tôi in thành tập lưu hành nội bộ gia đình, bạn bè, những người tôi yêu quý. Lưu lại đó như để hoài niệm và khắc sâu tình cảm về những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời”, cựu binh Trần Quốc Phong tâm sự.
Với ông, tuy bà đã đi xa nhưng những bức thư tình thời chiến là kỷ vật vô giá mà ông sẽ tiếp tục lưu giữ như bà đã từng gìn giữ để con cháu mãi về sau coi đó như một kỷ niệm đẹp của ông bà.