Cựu chiến binh với những sáng kiến triệu USD
Những sáng kiến của ông đã làm lợi hàng chục triệu USD, tăng hàng trăm lần năng suất sản lượng, giảm hàng ngàn ngày công lao động cho tập thể lao động quốc tế Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro. Đó là cựu chiến binh, Tiến sĩ Đặng Đình Công, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Liên lạc, Chủ tịch Hội CCB Vietsovpetro.
Khát vọng cống hiến
Từ người lính bộ binh, đến kỹ sư, thợ máy, và bây giờ là Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Liên lạc thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, cựu chiến binh, TS Đặng Đình Công chỉ có một khát vọng duy nhất là đem tài năng, kiến thức đã học được từ nước bạn Nga, vận dụng vào khai thác dầu khí Vietsovpetro. “Hơn 20 năm làm việc tại Vietsovpetro, tôi chỉ có một khát vọng duy nhất là cống hiến cho tập thể bằng các sáng kiến, sáng chế của tôi. Nghiên cứu khoa học gắn bó với tôi như máu thịt. Tôi cảm thấy hạnh phúc với công việc mình đang làm”, cựu chiến binh Đặng Đình Công đã chia sẻ, khi được hỏi về động lực ông cho ra đời những sáng kiến triệu USD những năm qua?
Mùa thu năm 1986, chàng trai trẻ quê gốc TP Nha Trang (Khánh Hòa) Đặng Đình Công nhận được giấy báo vào Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh và được Nhà nước Việt Nam đưa vào danh sách tuyển chọn đi học tại Liên Xô (cũ). Nhưng ông Đặng Đình Công đã gác lại ước mơ đại học để lên đường tòng quân nhập ngũ. Sau thời gian “lăn, lê, bò, trườn” ở Sư đoàn 860 (Quân khu 5), ông vào đại học, sau đó được cử sang Liên Xô (cũ) đào tạo chuyên ngành “Thông tin liên lạc và viễn thông”.
Do có thành tích xuất sắc về nghiên cứu khoa học, Chính phủ nước Nga có nhã ý mời ông ở lại để làm việc với mức lương hậu hĩnh, nhưng ông từ chối: “Mình là người Việt phải về quê hương để giúp người Việt. Phải biến khát vọng và thành quả học tập để cống hiến cho cộng đồng, xã hội và quê hương mình”. Ông cầm tấm bằng tiến sĩ trở về Việt Nam với khát vọng như thế.
Việc làm đầu tiên sau 8 năm “đèn sách” ở “xứ Bạch Dương” là chuyên viên trong ngành bưu chính viễn thông TP Hồ Chí Minh. Năm 2002 như một cơ duyên, ông được “đầu quân” về công tác tại Viện Nghiên cứu và Thiết kế dầu khí biển thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Với kinh nghiệm sẵn có từ những năm tháng công tác tại VNPT, lại tiếp cận nhiều hệ thống truyền dẫn tiên tiến, hiện đại của nhiều công ty, tập đoàn trên thế giới, TS Đặng Đình Công luôn có ý tưởng làm sao có thể áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ, làm lợi và tiết giảm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh cho Vietsovpetro. Thế là ông bắt tay vào nghiên cứu các đề tài “chuyên biệt” về “tiết kiệm chi phí, giảm nhân công lao động, tăng năng suất sản lượng khai thác dầu khí”.
“Sáng kiến, sáng chế như một phần máu thịt của tôi. Thực lòng tôi luôn khát vọng được cống hiến cho Vietsovpetro với mục đích làm lợi cho tập thể, vì tập thể”, TS Đặng Đình Công bày tỏ.
Những sáng kiến triệu USD
Chỉ tính riêng năm 2023, TS Đặng Đình Công đã cho ra đời 9 sáng kiến, sáng chế làm lợi cho Vietsopetro hàng chục triệu USD. Điển hình là sáng kiến “Giải pháp xây dựng đường truyền biển bờ nhằm đáp ứng công tác chuyển đổi số trên các công trình biển. Sáng kiến này đã tiết giảm chi phí cho Vietsovpetro gần 20 triệu USD giai đoạn 2023-2030.
Hay sáng kiến “Tự động hóa quy trình quản lý chấm công tại Vietsovpetro tiết kiệm nhân công lao động đạt hiệu quả kinh tế 200.805 USD. Đối với sáng kiến “Hệ thống quản lý và kiểm tra kiến thức an toàn chung của Vietsovpetro đã làm lợi 210.000 USD và còn nhiều sáng kiến hiệu quả khác.
Ngày 9-4-2024, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động sáng kiến - sáng chế và khoa học - công nghệ năm 2023. Trong hội nghị này, 9 đề tài sáng kiến, sáng chế của TS Đặng Đình Công năm 2023 được coi là một “bứt phá ngoạn mục”.
Đề tài khoa học “Luận chứng Kinh tế Kỹ thuật” của TS Đặng Đình Công đã được Hội đồng khoa học Vietsovpetro cả hai phía Nga và Việt Nam thẩm định và đánh giá có chất lượng hiện thực hóa cao. “Đây là đề tài tâm huyết nhất của tôi. Công nhân lao động trên các giàn khoan ngoài biển xa hoàn toàn có thể tương tác với đất liền bất cứ lúc nào trong điều kiện không có trạm chuyển tiếp thông tin. Các tàu chở hàng hóa, vật liệu ra giàn khoan đều hoàn toàn làm việc tự động, lắp đặt chính xác, giảm hàng nghìn ngày công lao động cho công nhân, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải khai thác dầu mỏ, đáp ứng được yêu cầu của Vietsovpetro trong hành trình khai thác dầu khí bền vững và lâu dài”, TS Đặng Đình Công cho biết.
“Phủ sóng” chuyển đổi số
Năm 2023, Liên doanh Vietsovpetro là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên chuyển đổi số 100% đến các đơn vị, xí nghiệp và người lao động. Trong đó có một phần đóng góp lớn lao của Trung tâm Công nghệ thông tin và Liên lạc mà TS Đặng Đình Công được lãnh đạo Vietsovpetro giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng tổ chuyển đổi số và chủ đề tài “Chuyển đổi số trong thời kỳ công nghệ số của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam”.
“Giữa thời đại phát triển khoa học Công nghệ 4.0, chuyển đổi số không chỉ là phương thức làm việc hiện đại hiệu quả nhất trong lao động sản xuất dầu khí, mà còn làm cho con người thay đổi tư duy trong dòng chảy của khoa học công nghệ. Tôi tâm huyết với đề tài chuyển đổi số cũng là thực hiện khát vọng cống hiến của tôi”, TS Đặng Đình Công chia sẻ.
Hơn 20 năm miệt mài sáng tạo và cống hiến, cựu chiến binh, TS Đặng Đình Công sở hữu nhiều bằng khen, giấy khen các loại. Ngoài công tác chuyên môn, ông còn là hội viên cựu chiến binh điển hình, mẫu mực luôn giữ vững phát huy trí tuệ, bản lĩnh và dấu ấn Bộ đội Cụ Hồ trên mọi mặt trận.
“Những sáng kiến, sáng chế của cựu chiến binh – Tiến sĩ Đặng Đình Công không chỉ có giá trị kinh tế cao, giảm thiểu chi phí sản xuất hàng chục triệu USD, tiết kiệm nhân lực lao động, tăng năng suất khai thác sản lượng dầu khí; mà còn là những khát vọng đầy tâm huyết, với mong muốn cống hiến cho tập thể. Vietsovpetro luôn ghi nhận thành quả lao động sáng tạo đặc biệt của cựu chiến binh Đặng Đình Công”, Hội đồng Sáng kiến sáng chế Vietsovpetro nhận xét.