Cựu chiến binh xã biên giới Việt-Lào làm kinh tế giỏi

Đến xã Sơn Kim 1, hỏi cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, mọi người ở đây ai cũng biết và chỉ ngay đường đến nhà chủ trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm Trần Văn Sơn (sinh năm 1966), thôn Khe 5, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Tháng 3-1986, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mặc dù đang là công nhân, bản thân thuộc đối tượng được hoãn không phải nhập ngũ nhưng với truyền thống quê hương cách mạng, Trần Văn Sơn viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Lữ đoàn 245, Binh đoàn 12.

Sau 3 năm công tác tốt, tháng 3-1989, anh được cấp trên cho đi đào tạo sĩ quan để phục vụ lâu dài trong Quân đội, nhưng rồi sức khỏe không bảo đảm để phục vụ tại ngũ, anh xin phục viên về quê nhà sinh sống và tiếp tục làm công nhân tại Lâm trường Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đến năm 1993, Lâm trường Hương Sơn chuyển sang mô hình “dịch vụ Lâm nghiệp”, anh xin nghỉ công tác và nhận khoán 27ha rừng để bảo vệ, trồng và phát triển kinh tế rừng.

Sau khi 2 vợ chồng nghỉ làm công nhân để tiếp tục sinh sống lâu dài và có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, anh chị đã đề ra kế hoạch “lấy ngắn nuôi dài”, tổ chức trồng 1ha lúa, đào ao nuôi cá, chăn nuôi hươu, bò, gà vịt và trồng rừng.

Đến năm 2013, Đảng và Nhà nước có chủ trương phát triển mô hình kinh tế, gia đình anh đăng ký nhận làm mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm. Để xây dựng được mô hình nuôi lợn, gia đình anh đã thuê hàng chục ca máy ủi, san lấp mặt bằng, xây 2 dãy chuồng lợn, nuôi 1.000 con lợn. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi, nhất là làm tốt công tác vệ sinh môi trường nên đàn lợn của gia đình anh lớn nhanh, khỏe mạnh, trọng lượng bình quân mỗi con đạt từ 80-100kg. Mỗi năm, gia đình anh xuất chuồng 4 lứa, mỗi lứa cho thu nhập từ 270-290 triệu đồng; riêng lứa mới xuất chuồng gần đây cho thu nhập gần 400 triệu đồng.

 Cựu chiến binh Trần Văn Sơn.

Cựu chiến binh Trần Văn Sơn.

Anh Sơn còn cho biết thêm, để duy trì và phát triển mô hình này, ngoài 2 vợ chồng, gia đình còn thuê thêm 3 lao động làm việc thường xuyên và 4-5 lao động thời vụ. Việc trả tiền công được thực hiện sòng phẳng theo mức hiệp đồng 2 bên nên mọi người làm ở đây luôn yên tâm và có trách nhiệm trong công việc mình phải đảm nhiệm.

Ngoài chăn nuôi lợn, gia đình anh Sơn còn dành 1ha làm ao thả cá, mỗi năm thu nhập từ 60-90 triệu đồng, trồng 350 gốc bưởi hồng Quang Tiến đã cho mùa quả năm thứ 6, mỗi gốc cho thu nhập bình quân 1 triệu đồng (một quả có giá từ 35.000-40.000 đồng), 150 gốc cam bù đã cho 5 mùa quả.

Đặc biệt, ngoài 3ha keo lá tràm mỗi chu kỳ (4-5 năm) mang về nguồn thu khoảng 180 triệu đồng, thì trong diện tích rừng anh Sơn nhận khoán có 22 ha rừng trồng cây gỗ lớn bản địa lâu năm, chủ yếu là lim và dổi. Theo ước tính, khu rừng cây bản địa này trị giá lên đến hàng trăm tỷ đồng. Mô hình này không những giúp cho gia đình mỗi năm đạt doanh thu trên 1,8 tỷ đồng (chưa tính 22 ha rừng gỗ quý), sau khi trừ chi trả tiền lương cho công nhân và các chi phí sản xuất khác còn lãi ròng khoảng 1,4 tỷ đồng/năm, góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lao động và 4-5 lao động thời vụ, đồng thời còn tạo ra nhiều sản phẩm tươi, sạch bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân.

Ông Trần Văn Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sơn Kim 1 cho biết: "Anh Trần Văn Sơn là một cựu chiến binh đi đầu xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, là tấm gương nhất xã trong làm kinh tế ở địa phương. Mô hình kinh tế của gia đình anh cũng là một trong những mô hình có quy mô và thu nhập lớn nhất huyện Hương Sơn. Ngoài ra, anh Sơn còn là một hội viên cựu chiến binh nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu, bước trước trong các phong trào do chính quyền cũng như Hội Cựu chiến binh phát động".

Ghi nhận những thành công đó, tổng kết công tác hằng năm, năm nào gia đình cựu chiến binh Trần Văn Sơn cũng được cấp trên biểu dương khen thưởng. Đặc biệt, tại Hội nghị tuyên dương những tấm gương tiêu biểu giai đoạn 2010-2015, gia đình anh Trần Văn Sơn đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận: “Mô hình điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015”. Từ đó đến nay, khu trang trại của gia đình anh Sơn trở thành địa chỉ tham quan thường xuyên của các đoàn khách trong và ngoài tỉnh, được nhiều người dân và cán bộ các cấp đến tham quan, tìm hiểu, học tập và làm theo.

Bài, ảnh: LÊ HOÀI NHƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/cuu-chien-binh-xa-bien-gioi-viet-lao-lam-kinh-te-gioi-792904