Cựu chủ tịch tỉnh Bình Dương xin cơ hội về với gia đình
Bị cáo Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, mong muốn được hưởng sự khoan hồng để còn cơ hội về với gia đình, xã hội
Ngày 22-8, phiên tòa xét xử bị cáo Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng Công ty 3-2) cùng 25 bị cáo liên quan vụ án "đất vàng" Bình Dương, tiếp tục với phần tranh tụng.
"Không thường xuyên kiểm tra"
Cáo trạng thể hiện Tổng Công ty 3-2 là doanh nghiệp vốn nhà nước và ông Nguyễn Văn Minh làm Chủ tịch HĐQT. Năm 2016, đơn vị này liên doanh với Công ty CP Bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc) do con rể ông Minh là Nguyễn Ðại Dương điều hành để thành lập Công ty TNHH Ðầu tư Xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú), trong đó Tổng Công ty 3-2 góp 30% vốn điều lệ.
Sau đó, Nguyễn Văn Minh đại diện Tổng Công ty 3-2 chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú và chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc của Nguyễn Ðại Dương.
VKSND cáo buộc bị cáo Liêm khi đó với vai trò Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã đồng ý để Tổng Công ty 3-2 chuyển nhượng vốn góp tại liên doanh là Công ty Tân Phú, thực chất là chuyển nhượng 43 ha đất. Từ đó gây thất thoát số tiền gần 985 tỉ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Liêm cũng ký Quyết định 3468 đồng ý cho Tổng Công ty 3-2 đưa 145 ha đất từ danh mục tài sản đang dùng thành "tài sản chờ thanh lý". Vì vậy, khu đất không được đưa vào giá trị công ty khi cổ phần hóa, gây thất thoát 4.030 tỉ đồng.
Được tự bào chữa tại phiên tòa, bị cáo Trần Thanh Liêm nói mình không biết việc Tổng Công ty 3-2 chuyển nhượng 2 lô đất 43 ha và 145 ha. "Bị cáo nhận thức Tổng Công ty 3-2 thuộc tỉnh ủy nên bị cáo không theo dõi, không có nhiều thông tin hoạt động của Tổng Công ty 3-2. Bị cáo không thường xuyên kiểm tra việc cổ phần có đúng hay không nên để xảy ra sai sót" - bị cáo Liêm phân trần về sai phạm đối với khu đất 145 ha và khẳng định đã tin tưởng bộ phận tham mưu trong quá trình xem xét, đánh giá giá trị cổ phần.
Cũng theo bị cáo Liêm, trong bản cáo trạng không đề cập Công văn 367 của tỉnh ủy về phê duyệt chủ trương theo đề nghị của Tổng Công ty 3-2. "Do đó, đề nghị HĐXX, VKSND xem xét không phải bị cáo một mình quyết định việc đó. Bị cáo ký Quyết định 3468 trên là có căn cứ. Thực tế khi ký cũng xem lại nội dung đề nghị, kết quả giá trị doanh nghiệp do Tổng Công ty 3-2 và công ty thẩm định giá trình" - bị cáo Liêm trình bày.
… Và "không biết"
Ở sai phạm khu đất 43 ha, bị cáo Liêm nói lúc đó bản thân nhận thức rằng chuyển 30% vốn góp từ Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc bằng tiền để lấy tiền đầu tư dự án khác đang thực hiện có hiệu quả. "Tổng Công ty 3-2 thực hiện không đúng với chủ trương của tỉnh ủy về việc chuyển nhượng đất. Cá nhân bị cáo không biết Tổng Công ty 3-2 đã chuyển nhượng đất" - bị cáo Liêm trình bày.
Bị cáo này cũng nói rằng khi dư luận phản ánh bán đất cho tư nhân thì Thường trực tỉnh ủy triệu tập các ban, ngành lên để nắm bắt. Sau khi ban, ngành báo cáo có việc đó, UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra xác minh để có hướng xử lý. "Thời điểm đó, Thường trực tỉnh ủy đã rất kiên quyết chỉ đạo cho Tổng Công ty 3-2 phải khắc phục song việc khắc phục cũng kéo dài. Sau khi đoàn thanh tra xác minh có dấu hiệu vi phạm, bị cáo đã yêu cầu chuyển sang cơ quan điều tra để điều tra xử lý. Điều này thể hiện Thường trực và bị cáo đã có thái độ kiên quyết, dứt khoát khi biết Tổng Công ty 3-2 có vi phạm" - bị cáo này nói.
Cuối cùng, cho rằng mức án từ 9 - 10 năm tù như đề nghị của VKSND là quá nặng, cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương mong HĐXX, VKSND xem xét tình tiết, tính chất vụ án và bị cáo không có động cơ, lợi ích, vụ lợi cá nhân. "Mong HĐXX xem xét khoan hồng theo pháp luật cho bị cáo được mức án nhẹ nhất, còn cơ hội về với gia đình, về với xã hội" - bị cáo này kết thúc phần tự bào chữa.
Đề nghị làm rõ tính chất doanh nghiệp
Bào chữa cho Nguyễn Đại Dương, luật sư Đinh Anh Tuấn dẫn hồ sơ thể hiện giám định viên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng kết luận: "Doanh nghiệp của Đảng không phải là đối tượng bắt buộc phải áp dụng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức quản lý, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước do Quốc hội, Chính phủ và các bộ ban hành". Từ đó, luật sư cho rằng để kết tội các bị cáo cần làm rõ Tổng Công ty 3-2 có phải doanh nghiệp nhà nước và khu đất 43 ha có phải là tài sản nhà nước không?
Về cáo buộc đồng phạm giúp sức cho bố vợ thâu tóm "đất vàng", theo luật sư Tuấn, việc bị cáo Nguyễn Đại Dương tìm đối tác có năng lực và giới thiệu để liên doanh với Tổng Công ty 3-2 là theo đề nghị của bị cáo Minh và hoàn toàn không vi phạm điều cấm của pháp luật. Việc Tổng Công ty 3-2 ra nghị quyết đồng ý liên doanh với Công ty Âu Lạc cũng như Tỉnh ủy Bình Dương cho chủ trương chấp thuận lại càng không liên quan gì đến vai trò của bị cáo Dương.
Từ các phân tích trên, luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng tài liệu chứng cứ vụ án chưa đủ để kết tội bị cáo Nguyễn Đại Dương. Luật sư Tuấn đề nghị tòa tuyên thân chủ của mình không phạm tội và trả tự do.