Cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca được đặc xá
Trong số 8.055 phạm nhân được đặc xá dịp 30-4, có cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca và cựu bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
Chiều nay 29-4, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố quyết định đặc xá năm 2025 của Chủ tịch nước.

Toàn cảnh buổi họp báo
Theo quyết định này, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), Chủ tịch nước Lương Cường đã ký quyết định đặc xá cho 8.055 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện. Trong số 8.055 phạm nhân được đặc xá lần này, có cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca và cựu bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
Trước đó, tháng 6-2024, ông Đỗ Hữu Ca được TAND cấp cao tại Hà Nội giảm từ 10 năm xuống còn 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn ông Phạm Xuân Thăng bị TAND TP Hà Nội hồi tháng 1-2024 tuyên phạt 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong vụ án liên quan kit test Việt Á.
Tại cuộc họp báo công bố quyết định đặc xá năm 2025 của Chủ tịch nước, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết trong số 8.055 phạm nhân được đặc xá lần này có 741 phạm nhân phạm các tội về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Trong số này có cựu Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh.
Tháng 9-2024, ông Đỗ Anh Dũng được TAND cấp cao tại Hà Nội giảm từ 8 năm xuống còn 7 năm tù, trong vụ án lừa đảo trái phiếu Tân Hoàng Minh. Tháng 11-2024, TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt ông Nguyễn Nhân Chiến 4 năm 6 tháng tù; ông Nguyễn Tử Quỳnh 3 năm tù, cùng về tội nhận hối lộ của cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca khi ra tòa
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà nêu rõ đặc xá năm 2025 tiếp tục khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội.
Cùng với đó, đặc xá cũng là sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của phạm nhân; là kết quả của quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa trại giam, gia đình, các cơ quan có liên quan và toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Theo ông Phạm Thanh Hà, đặc xá năm 2025 quyết định tha tù trước thời hạn cho những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam và người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, các hình phạt bổ sung khác như: Cấm đảm nhận chức vụ, quản chế, phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác... những phạm nhân được đặc xá vẫn phải chấp hành đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng tại phiên tòa sơ thẩm
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước khẳng định đặc xá không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào cho dù phạm nhân đó là người Việt Nam hay là người có quốc tịch nước ngoài, nếu phạm nhân đó có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam đều được xét đặc xá.
Để tạo điều kiện cho các phạm nhận được đặc xá tha tù tái hòa nhập cộng đồng, ông Phạm Thanh Hà cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp, chính sách để tạo điều kiện. Trong đó, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ngành, các cấp không được phân biệt đối xử với những người được tha tù trong thực hiện các chính sách xã hội như tạo công ăn việc làm, hỗ trợ vay vốn để sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo...