Cứu hộ thành công nhiều động vật hoang dã quý hiếm
Vừa qua, đội cứu hộ của Trung tâm bảo tồn rùa Cúc Phương (TCC) phối hợp với Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP), tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) đã thực hiện cứu hộ 101 cá thể rùa nguy cấp được Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk bàn giao sau khi tịch thu từ một người dân nuôi nhốt trái pháp luật.
Bộ phận chuyên môn kiểm tra, tiếp nhận các cá thể rùa từ lực lượng Công an.
Số rùa này thuộc 15 loài khác nhau, trong đó có 9 loài rùa bản địa của Việt Nam và 6 loài rùa lai và rùa ngoại lai. Trong đó có những loài đặc biệt nguy cấp, quý hiếm như rùa hộp trán vàng miền Bắc, rùa hộp trán vàng miền Nam, rùa Sa nhân… Sau khi được chuyển tới TCC, được các nhân viên thú y chăm sóc, 101 chú rùa này nhìn chung đều rất khỏe mạnh và chúng sẽ được tái thả về tự nhiên trong tương lai không xa.
Một tuần sau khi cứu hộ 101 chú rùa, Vườn quốc gia Cúc Phương tiếp tục phối kết hợp Chương trình cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp cứu hộ thành công một cá thể Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) từ Quảng Nam. Đây là một cá thể còn non có trọng lượng 0,7kg.
Được biết, cá thể Voọc này được bà Lê Thị Dưỡng, trú tại xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam tiếp nhận của một bà con người dân tộc thiểu số, đã nhặt được khi đi làm rẫy. Sau một thời gian ngắn chăm sóc, bà Dưỡng đã thông báo và tự nguyện giao nộp cá thể này cho Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Hiện tại, Bộ phận chuyên môn đang dành những điều kiện tốt nhất để chăm sóc, cứu hộ cá thể này. Trong tương lai, cá thể này sẽ được đánh giá kỹ càng về tình trạng sức khỏe cũng như các hành vi hoang dã để có thể được lựa chọn vào hoạt động nhân nuôi sinh sản bảo tồn hoặc sẽ được xem xét để tái thả lại tự nhiên.
Cúc Phương là Vườn quốc gia đầu tiên được thành lập ở Việt Nam vào năm 1962. Cùng với việc quản lý tài nguyên rừng, hệ sinh thái đá vôi và các nguồn gien động vật, thực vật hoang dã, thời gian qua, đơn vị đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã.
Chỉ tính riêng năm 2019, Vườn đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức cứu hộ gần 20 cá thể linh trưởng, trên 180 cá thể rùa, hơn 200 cá thể tê tê và hai cá thể hổ (Pathera tigris) hơn một tuần tuổi. Chúng đều thuộc những loài quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam và khu vực Đông Dương.
Tin, ảnh: Nguyễn Lựu, Quang Phương