Cứu ngư dân như cứu người thân của mình
Trong những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết trên khu vực đảo Cát Bà (Hải Phòng) có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển. Nhận thức được những nguy hiểm ấy, Đại úy Lương Văn Phong, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cát Bà cùng đồng đội đã không quản hiểm nguy tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên đảo.
Là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của vùng duyên hải Bắc Bộ, đảo Cát Bà thường xuyên có từ 600 - 800 tàu, thuyền của các địa phương trên cả nước hoạt động khai thác thủy sản. Ngoài ra trên địa bàn còn có gần 500 bè nuôi trồng thủy sản và gần 2.000 giàn bè, bãi nuôi nhuyễn thể như ngao, tu hài...
Theo Đại úy Lương Văn Phong, với địa hình núi cao, nhiều vụng, vịnh, đảo Cát Bà rất thuận lợi cho tàu, thuyền tránh trú bão. Song, đảo Cát Bà cũng là nơi thường có nước triều cường, chịu ảnh hưởng của thời tiết nhiệt đới gió mùa, nhất là bão lốc, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào địa bàn, gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của ngư dân.
Trong khi đó, lực lượng và phương tiện của đơn vị được trang cấp còn thiếu, không đồng bộ. Địa bàn quản lý rộng,có nhiều tàu thuyền của ngư dân làm ăn sản xuất trên biển, nên công tác ứng cứu khi có bão, lốc, tai nạn xảy ra, gặp nhiều khó khăn.
Từ tình hình trên, Đại ý Lương Văn Phong luôn trăn trở, suy nghĩ tìm cách hỗ trợ ngư dân đảm bảo an toàn khi lao động trên biển và xác định “ Phòng chống thiên tai (PCTT), tìm kiểm cứu nạn (TKCN) trên biển là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình" là mệnh lệnh của người chiến sĩ.
Anh quan niệm, cứu dân như cứu thân nhân gia đình mình gặp nạn, từ đó anh đã triển khai cho cán bộ, chiến sỹ Trạm Kiểm soát Biên phòng Cát Bà tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức cho bà con ngư dân hiểu và tự giác chấp hành quy định trong công tác PCTT. Đồng thời tổ chức, tham gia luyện tập các phương án phòng chống lụt bão, TKCN, thường xuyên nắm chắc diễn biến thời tiết, khí hậu, chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị các biện pháp phòng chống lụt bão và TKCN đạt hiệu quả.
Từ năm 2016 đến nay Lương Văn Phong cùng các cán bộ chiến sĩ trực tiếp tổ chức tìm kiếm cứu sống được 108 người và 3 phương tiện trôi dạt trên biển. Bên cạnh đó mỗi đợt có tin bão, áp thấp nhiệt đới, Phong đã chỉ huy đơn vị kêu gọi, sắp xếp, kiểm đếm hàng chục nghìn lượt phương tiện, hàng trăm nghìn lượt người lao động trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi tránh trú an toàn.
Một trong những vụ việc mà Đại úy Lương Văn Phong ấn tượng nhất trong công tác TKCN, đó là vào hồi 19 giờ 50 phút ngày 24/10/2018, đơn vị nhận được tin báo có tàu vận tải ở khu vực Hòn Bắn, cách Cát Bà khoảng 5 hải lý về hướng đông nam, gặp nạn.
Sau khi nhận lệnh của cấp trên, anh trực tiếp chỉ huy tổ TKCN với 2 xuồng và 10 cán bộ chiến sĩ lên đường. Đến khoảng 21 giờ tổ cứu nạn của Phong đã ra đến khu vực Hòn Bắn (nơi có phương tiện gặp nạn). Do trời mù ảnh hưởng đến việc quan sát, nên phải mất 30 phút sau các chiến sĩ mới tìm đến được vị trí tàu vận tải gặp nạn. Qua quan sát, anh thấy phương tiện đang chìm dần từ phía mũi tàu, không thấy người trên tàu nên đã dùng loa tay để kêu gọi nhưng không thấy ai trả lời.
Anh yêu cầu lái xuồng cập mạn tàu để trực tiếp lên kiểm tra nhưng không có ai trên tàu. "Sau khi hội ý nhanh, tôi nhận định khả năng người trên tàu đã được tàu ngư dân ứng cứu", anh Phong kể lại.
Tuy nhiên, anh vẫn quyết định chia tổ thành 2 mũi đi tìm kiếm vị trí tàu đang chìm và thả trôi để xác định hướng nước chảy, quá trình đó anh và đồng đội đã tìm thấy các thủy thủ đang trôi dạt trên biển theo dòng thủy triều.
“Quan sát tôi phát hiện các nạn nhân đang trong tình trạng đuối sức vì lạnh và hoảng loạn, nếu không kịp thời cứu nan sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Tôi đã chỉ huy hai mũi tìm kiếm chạy theo dòng nước chảy, đón lõng người bị nạn, dùng phao tròn đã buộc dây, ném xuống biển phía người bị nạn để cứu người. Kết quả chúng tôi đã đưa được 7 người lên xuồng và nhanh chóng hướng về đất liền”, Đại úy Lương Văn Phong kể lại.
Khi về đến bờ, các quân y của đơn vị đã cấp cứu các nạn nhân và liên lạc với công ty, gia đình để đưa nạn nhân về tiếp tục chăm sóc.
Với những thành tích trong tìm kiếm cứu nạn, năm 2019, Đại úy Lương Văn Phong đã vinh dự được Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và UBND thành phố Hải Phòng tặng Bằng khen. Ba năm liền (2016, 2017, 2018) được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 lần được Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng tặng Bằng khen...
Theo Đại úy Lương Văn Phong, để có được những kinh nghiệm quý báu trong công tác PCTT, TKCN thì việc đầu tiên là phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh, ý chí kiên cường, không bị dao động trước mọi tình huống. Người chiến sĩ cần xác định rõ đây là nhiệm vụ chiến đấu, khó khăn và nguy hiểm bởi các tình huống xảy ra trên biển đều là lúc sóng to, gió lớn, hoặc khi đêm tối trời mù, rét buốt.
Luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên theo dõi thông tin về tình hình dự báo thời tiết để có các phương án chủ động khi xảy mọi tình huống. Không ngừng học hỏi, tích cực luyện tập các phương án PCTT, TKCN để đáp ứng yêu cầu công tác. Nắm chắc diễn biến tình hình, kịp thời tham mưu đúng, trúng, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt trong quá trình thực thi nhiệm vụ, thường xuyên thông tin liên lạc, cung cấp thông tin tới chỉ huy Đồn, Trạm; đồng thời tuyên truyền cho ngư dân cách phòng tránh khi gặp hiểm nguy khi lao động trên biển.