Cựu phi công Việt Nam - Hoa Kỳ: Đụng độ trên bầu trời Hà Nội, tái ngộ dưới mặt đất

Cuộc gặp gỡ giữa một số cựu phi công Việt Nam và Hoa Kỳ diễn ra trong những ngày đặc biệt hướng về 50 năm thống nhất đất nước. Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát khẳng định, các cuộc gặp gỡ này hướng đến mục tiêu cao nhất là hòa giải sâu sắc hơn giữa hai quốc gia, dân tộc.

Hồi tưởng cuộc đụng độ hơn nửa thế kỷ

Dù không phải cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa những cựu phi công từng đụng độ trên bầu trời Hà Nội, đặc biệt là trong trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972, nhưng các cựu phi công Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn xúc động trong cuộc hội ngộ tại Hà Nội.

Đoàn cựu binh không quân Hoa Kỳ sang Việt Nam dịp này có họa sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn kiêm nhà sản xuất phim John Mollison - từng vẽ tranh máy bay MIG tặng các phi công anh hùng của ta; phi công F4 Wade Hubbard; phi công B52 Kim Morey.

Hơn 10 cựu phi công Việt Nam và một số sỹ quan tên lửa đã trực tiếp tham gia chiến đấu, bắn rơi B52 trong 12 ngày đêm lịch sử, trong đó có những tên tuổi như Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, Thiếu tướng Trần Việt, Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Thanh Đạo, Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Kiên...

Anh hùng Nguyễn Đình Kiên, Lê Thanh Đạo giải đáp những thắc mắc về trận không chiến năm 1972. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Anh hùng Nguyễn Đình Kiên, Lê Thanh Đạo giải đáp những thắc mắc về trận không chiến năm 1972. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Cựu phi công Wade Hubbard kể rằng, ngày 26/5/1972, quân đội Mỹ tổ chức đội hình tấn công Hà Nội. Wade có nhiệm vụ điều khiển tiêm kích F4 để bảo vệ đội hình thả nhiễu. Khi lên tới độ cao khoảng vài nghìn mét, ông phát hiện 2 chiếc MIG-21 xuất hiện và tấn công. Sau khi bị tên lửa bắn trượt, từ khoang lái Wade nhận thấy một chiếc MIG-21 ở hướng 5h nên bắt đầu đuổi theo. Nhưng chiếc MIG-21 lại bất ngờ hạ độ cao và giảm tốc độ liên tục. Sau một hồi quần thảo, hai bên đều phải quay lại.

Mang theo câu hỏi suốt hơn 50 năm, Wade Hubbard vẫn không biết chuyện xảy ra với chiếc MIG-21 năm ấy.

Trong cuộc gặp gỡ đặc biệt tại Hà Nội lần này, Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Thanh Đạo, người trực tiếp tham gia vào trận không chiến mùa hè năm 1972 đối đầu cùng Wade Hubbard, kể lại: Khoảng 9h57 sáng 26/5/1972, ông và đồng đội trực chiến, nhận được lệnh báo động, 2 chiếc MIG-21 cất cánh, bay theo hướng Việt Trì - Hòa Bình.

Anh hùng LLVTND Lê Thanh Đạo nhớ rất rõ bầu trời hôm đó tương đối quang mây. “Vừa cất cánh không lâu, chúng tôi đã thấy 2 chiếc F4 bay ngang mặt. Tôi vội bám theo, nhưng lúc này góc tấn công quá lớn nên tôi quyết định bắn đón đầu. Tên lửa cảm ứng nhiệt không trúng đích", ông nhớ lại.

Khi thấy 2 chiếc F4 bắt đầu khai hỏa, phi công Lê Thanh Đạo kéo MIG-21 vượt lên độ cao 7.000m, nhưng sau đó thấy bất lợi nên ông hô máy bay số 2 thoát ly khỏi trận đánh, tìm cách hạ cánh về phía sân bay Nội Bài. Đó có thể là lý do khiến ông Wade thấy chiếc MIG đột ngột giảm độ cao và tốc độ.

Cựu phi công Việt Nam - Hoa Kỳ hội ngộ lần thứ 5 kể từ năm 2016. Ảnh: Toan Toan

Cựu phi công Việt Nam - Hoa Kỳ hội ngộ lần thứ 5 kể từ năm 2016. Ảnh: Toan Toan

“Đúng 10h27, cả 2 chiếc MIG-21 phía Việt Nam đã hạ cánh an toàn và không hề có một vết đạn nào. Chắc chắn trận đó, các ông đã không bắn trúng chúng tôi", Anh hùng LLVTND Lê Thanh Đạo nói.

Là người tham gia chiến dịch Linebacker với vai trò cựu xạ thủ bảo vệ "pháo đài bay" B52, ông Kim Morey mang theo thắc mắc làm thế nào mà lực lượng phòng không Việt Nam đã "vạch nhiễu, tìm B52" trên không.

Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Kiên nhắc tới kinh nghiệm chiến đấu với B52 trong giai đoạn 1967-1972 trước đây. Ông cho biết, tín hiệu nhiễu của B52 rất ổn định và đậm đặc so với phi đội F4 hộ tống. Đây cũng là cơ sở để quân đội Việt Nam phát hiện, lựa chọn mục tiêu và bắn đón đầu.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát (thứ hai từ trái qua) là cựu phi công tham gia đầy đủ 5 cuộc gặp gỡ, giao lưu của không quân hai bên.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát (thứ hai từ trái qua) là cựu phi công tham gia đầy đủ 5 cuộc gặp gỡ, giao lưu của không quân hai bên.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, Đại tá Nguyễn Đình Kiên chính là sĩ quan trực tiếp tham gia chiến đấu, bắn rơi 4 máy bay B52 của Không quân Hoa Kỳ.

Ông Kiên đặt ngược câu hỏi cho Kim Morey: “Là những người lính bên kia chiến tuyến, các ông đánh giá thế nào về lực lượng phòng không tên lửa của chúng tôi trong chiến dịch 12 ngày đêm tại Hà Nội năm 1972”.

“Chúng tôi thực sự không ngờ hệ thống tên lửa của các bạn lại hiệu quả tới vậy. Chúng tôi rất nể phục. Trước chiến dịch, chúng tôi chỉ nhìn nhận đó là mối đe dọa trên lý thuyết. Nhưng, chúng tôi đã phải trả giá bằng máu”, ông Kim Morey nói.

Từ không chiến đến hòa giải

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát - nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, là cựu phi công duy nhất tham gia đầy đủ 5 cuộc gặp gỡ, giao lưu cựu phi công giữa hai bên kể từ cuộc gặp đầu tiên ngày 13/4/2016 tại Hà Nội.

"Trên thế giới, rất ít có những cuộc hội ngộ đặc biệt thế này. Các phi công từng tham chiến đều muốn thỏa mãn những thắc mắc, trăn trở, phỏng đoán còn tiềm ẩn trong ký ức sau các trận không chiến dữ dội. Nhờ những cuộc giao lưu này, phi công từng đụng độ, từng bắn hạ nhau có dịp trao đổi tỉ mỉ về các trận đánh”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát nói.

Tuy thế, mục đích chủ yếu, sâu xa hơn các cuộc giao lưu giữa các cựu phi công hướng tới sự hòa giải sâu sắc giữa hai dân tộc theo tinh thần “gác lại quá khứ”. Ông nhắc lại tinh thần của cuộc giao lưu trên tàu USS Midway vào tháng 9/2017 - Từ không chiến đến hòa giải. Chỉ một năm sau đó tại Hà Nội chủ đề cuộc giao lưu được đặt tên Từ không chiến đến hòa giải và hợp tác phát triển.

Tinh thần này tiếp tục được phát huy trong thời gian tới, khi Việt Nam và Hoa Kỳ đang xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.

Các cuộc gặp gỡ góp phần hòa giải sâu sắc hơn nữa giữa hai quốc gia. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Các cuộc gặp gỡ góp phần hòa giải sâu sắc hơn nữa giữa hai quốc gia. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Đồng quan điểm, cựu xạ thủ bảo vệ B52 Kim Morey khẳng định, ông có ý định tới Việt Nam để giải đáp những thắc mắc cá nhân, nhưng cuộc gặp gỡ đã cho ông những cảm quan khác biệt.

"Cuộc chiến sẽ chỉ thực sự kết thúc khi chúng ta bỏ qua quá khứ, hướng tới tương lai. Chúng tôi đã có mặt ở đây đúng dịp Việt Nam kỷ niệm 50 thống nhất đất nước. Tôi rất hạnh phúc khi có thêm những người bạn mới, và thấy một Việt Nam phát triển mạnh mẽ", ông Kim bày tỏ.

Jon Mollison là người làm phim, vẽ rất nhiều với mong muốn giữ lại những ký ức của lịch sử cho những thế hệ sau. Ông tặng cho các anh hùng phi công của ta nhiều bức vẽ MIG, đồng thời muốn truyền lại cho thế hệ trẻ những ký ức chân thực về một thời kỳ lịch sử.

“Lịch sử cần được tôn trọng, ghi lại chân thực, chính xác. Muốn như thế, đó là trách nhiệm chính những người đã tham gia vào sự kiện lịch sử đó, trong đó có tôi, ông và những người ngồi đây”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhắn gửi.

Toan Toan

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cuu-phi-cong-viet-nam-hoa-ky-dung-do-tren-bau-troi-ha-noi-tai-ngo-duoi-mat-dat-post1734318.tpo