Cựu Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa: Hồ sơ phải qua 17 chữ ký mới tới tay bị cáo
Liên quan sai phạm tại dự án Mường Thanh Viễn Triều, ông Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói, trước khi ông ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp thì hồ sơ đã qua 17 chữ ký khác nhau.
Chiều 23/1, tại phiên tòa xét xử vụ "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", bị cáo Đào Công Thiên (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) đã trả lời HĐXX về những cáo buộc liên quan sai phạm tại dự án Mường Thanh Viễn Triều.
Theo cáo trạng, ông Đào Công Thiên là người chịu trách nhiệm ký quyết định phê duyệt giá đất, tính tiền thuê đất trả một lần với khu đất hơn 22.340m2 với giá 9,2 triệu đồng/m2 (thời điểm tháng 12/2015) sai quy định.
Việc ký quyết định trên giúp doanh nghiệp được thuê đất với thời hạn 46 năm 11 tháng để thực hiện dự án khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus (hiện là dự án Mường Thanh Viễn Triều của Tập đoàn Mường Thanh) tại khu vực Bãi Dương, TP Nha Trang.
Ông Đào Công Thiên được HĐXX xét xử cho phép ngồi trả lời xét hỏi do bị cáo tuổi cao sức yếu.
Trình bày về việc ký phê duyệt giá đất, ông Thiên cho rằng bản thân đã làm đúng. Bởi vì, khi bị cáo ký quyết định phê duyệt giá đất là cho Công ty CP đầu tư Viễn Triều, nghĩa là bị cáo không liên quan việc nợ tiền sử dụng đất của Công ty CP đầu tư Thiên Triều.
Tuy nhiên, ông Thiên nhìn nhận, sau này nghiên cứu, bị cáo mới thấy hoang mang vì ở khoản 3 Điều 98 Luật Đất đai 2013 có quy định trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan nghĩa vụ tài chính... và chính điều khoản này mà bị cáo bị truy tố xét xử tại 3 vụ án vừa qua.
Hai chữ ký trong 'ngày định mệnh'
Bị cáo Đào Công Thiên giãi bày, khi giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông được giao phụ trách mảng phân xã. Thời điểm đó, người đứng đầu UBND tỉnh đi công tác rồi ghi lại vào mảnh giấy là “giao anh Thiên xử lý việc này”.
Theo ông Thiên, trước khi hồ sơ vào tay ông phải qua 17 chữ ký khác nhau. Tờ trình của cơ quan tham mưu căn cứ vào Thông tư 30 của Bộ TN&MT, trong đó có những thủ tục nào thì các cơ quan tham mưu đã xem xét và đánh dấu vào các mục cụ thể trước khi tới tay ông. Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cấp theo quyết định cấp đất trước đó.
Ngoài ra, ông Thiên cho rằng, Văn phòng Đăng ký đất đai và Sở TN&MT trình hồ sơ lên đều ghi đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bị cáo không lý do gì không ký.
Trước HĐXX, bị cáo Thiên cho biết, ngày 26/12/2016 là "ngày định mệnh" vì bị cáo ký hai sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Bãi Dương và một dự án án khác cho hai doanh nghiệp. Vì 2 chữ ký này mà bị cáo vướng lao lý, phải đứng trước tòa với tư cách bị cáo như hôm nay.
Nói tới đây, ông Thiên giọng chậm lại, phân trần "đời bị cáo như thế thì phải chịu, không hề oán trách ai và cũng thề với lòng là chưa bao giờ làm việc mà bị ai sai khiến hay áp lực gì cả".
Theo cáo trạng, quá trình thực hiện triển khai dự án trên, các bị cáo đã có nhiều sai phạm trong lựa chọn nhà đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, thỏa thuận phương án kiến trúc, quy hoạch.
Những bị cáo này cũng sai phạm trong việc ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, định giá đất, phê duyệt giá đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thông qua đấu giá, đấu thầu.
Hành vi của các bị cáo gây thất thoát ngân sách nhà nước tại thời điểm năm 2015 là hơn 5,6 tỷ đồng; còn tại thời điểm ngày 6/1/2022 (phát hiện sai phạm) là khoảng 357 tỷ đồng.