Cựu Phó Giám đốc IMF: Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới

Dựa trên quỹ đạo tăng trưởng hiện tại của cả hai quốc gia, Trung Quốc được dự đoán vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035.

Đó là lời dự báo của nhà kinh tế nổi tiếng người Trung Quốc Zhu Min, cựu Phó Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tuy nhiên, ông nói thêm, thay vì cố định vào các con số hay thời gian, điều quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Trung Quốc – điều sẽ mang lại lợi ích cho nhiều người dân Trung Quốc.

 Ảnh minh họa: SCMP.

Ảnh minh họa: SCMP.

Để biến điều đó thành hiện thực, Bắc Kinh phải thúc đẩy mô hình tăng trưởng mới. Tận dụng lợi thế là quốc gia đông dân nhất nhì thế giới bằng việc thúc đẩy chi tiêu trong nước hơn là xuất khẩu, sản xuất giá trị gia tăng thông qua áp dụng công nghệ kỹ thuật số và dịch chuyển sang nền kinh tế “xanh” là 3 trong số nhiều giải pháp giúp Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và lâu dài.

Dựa trên tính toán của mình, vị cựu Phó Giám đốc IMF cho rằng: Nếu nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức 2% đến 2,5%/ năm và Trung Quốc ở mức 4% đến 4,5%/năm, cột mốc quan trọng và đột phá có thể diễn ra sau 12 năm.

Dự đoán của ông hơi chậm so với các dự báo khác, trong khoảng từ năm 2030 đến năm 2033. Nhưng một số dự đoán trong số này cũng đã bị lùi lại, phần lớn là do đại dịch Covid-19 và việc Trung Quốc bị phong tỏa sau đó.

Tiến sĩ Zhu, hiện là Phó Chủ tịch của Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định: “Đừng quá chú ý đến tổng GDP”.

Ông lưu ý rằng tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 1/4 của xứ cờ hoa. Tuy nhiên, còn rất nhiều cơ hội để cải thiện đời sống vật chất của người dân nước này.

“Ở Trung Quốc, thay vì đặt mục tiêu vượt qua Mỹ, chúng tôi muốn đảm bảo rằng chất lượng tăng trưởng luôn duy trì, không nhất thiết phải quan tâm đến con số hay tốc độ”, ông nói.

Dẫu vậy, sự tập trung đáng kể vào đầu tư, thị trường bất động sản và xuất khẩu là những điều khiến vị chuyên gia này cho rằng nền kinh tế thế hai thế giới đang “không hoạt động hiệu quả như mong đợi”.

Ông vạch ra một số vấn đề: Trung Quốc không còn nguồn cung lao động giá rẻ khi tỷ lệ sinh giảm, và nhu cầu đối với hàng hóa của nước này đang "mất nhiệt" trên toàn cầu.

Kể từ khi dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế Covid-19, Chính phủ Trung Quốc đã chuyển sang thúc đẩy nhu cầu trong nước để đảm nhận vai trò lớn hơn trong nền kinh tế. Nhưng điều này đã được chứng minh là một nhiệm vụ khó khăn – hầu hết hộ gia đình Trung Quốc vẫn thích tiết kiệm hơn chi tiêu, phần đa vẫn lo ngại về công việc và thu nhập.

Để giải quyết vấn đề này, Tiến sĩ Zhu cho biết, Trung Quốc sẽ phải tăng cường bảo hiểm y tế và an sinh xã hội “để mọi người cảm thấy an toàn khi tiêu dùng ngày nay”.

Những nỗ lực khác, chẳng hạn như đạt được tính trung lập carbon đang được tiến hành. Ví dụ, năng lượng mặt trời được tạo ra ở Tứ Xuyên hiện được truyền đến Hà Nam, nơi chi phí thấp hơn so với việc sử dụng năng lượng than. Hà Nam là một tỉnh sản xuất than.

Khánh Vy (Theo HSNW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuu-pho-giam-doc-imf-trung-quoc-co-the-vuot-my-tro-thanh-nen-kinh-te-lon-nhat-the-gioi-post249297.html