Cựu Phó Vụ trưởng Bộ Công Thương cùng các bị cáo mong được khoan hồng
Cuối giờ chiều (28/5), phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Lộc An, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) kết thúc phần tranh luận, HĐXX cho các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi phiên tòa bước vào phần nghị án, sẽ tiến hành tuyên án vào 2 giờ chiều mai (29/5).

Các bị cáo tại phiên tòa
Theo đó, trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Lộc An, cựu Phó Vụ trưởng Bộ Công Thương, mong nhận được khoan hồng của pháp luật, muốn sớm được trở về với xã hội vì bản thân đã bước sang tuổi 61.
Bị cáo cũng xin HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, việc khắc phục hậu quả chung của vụ án, các thành tích, đóng góp, cống hiến của bản thân.
Bị cáo Trần Trác Việt Đức nói rằng thời gian qua bị cáo suy nghĩ nhiều và hối hận vì những sai phạm của mình nên đã thành khẩn khai báo, hợp tác với CQĐT. Do thiếu chuyên nghiệp trong công tác điều hành doanh nghiệp nên bị cáo có sai phạm gây thất thoát tài sản nhà nước.
Bị cáo Đức cũng gửi lời xin lỗi tới gia đình, người thân đã vất vả trong thời gian qua, xin lỗi bị cáo Đỗ Thị Tuyết Nga, “vì tin tưởng bị cáo mà phạm pháp” và mong HĐXX mở lượng khoan hồng giảm nhẹ hình phạt cho bản thân bị cáo, bị cáo Nga và các bị cáo khác…
Với các bị cáo còn lại đều mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình để các bị cáo sớm được trở về với gia đình, xã hội và sớm có cơ hội được làm lại cuộc đời.
Trước đó, trong phần tranh luận, các luật sư đã trình bày quan điểm bào chữa cho thân chủ.
Bị cáo Nguyễn Lộc An bị VKS đề nghị mức án 12 - 13 năm tù về tội nhận hối lộ. Luật sư bào chữa cho ông An cho rằng mức án đề nghị của VKS có phần nghiêm khắc, chưa xem xét đầy đủ, toàn diện về điều kiện, vai trò; tính chất mức độ hành vi phạm tội cũng như hoàn cảnh phạm tội, công lao, đóng góp của bị cáo Nguyễn Lộc An trước đây.
Luật sư nêu những tình tiết giảm nhẹ cho ông An như chủ động, tự nguyện xin nộp khắc phục toàn bộ số tiền 14,2 tỷ đồng; thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải trong quá trình làm việc với CQĐT, VKS và tại phiên tòa, tích cực hợp tác giải quyết vụ án.

Toàn cảnh phiên tòa
Bản thân ông An đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, có nhiều bằng khen của Thủ tướng, Bộ Công Thương và các cấp. Gia đình ông An có công với cách mạng, tham gia kháng chiến, hiện bố mẹ ông An sức khỏe yếu, bị sốc, bị trầm cảm.
Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt hơn nữa cho bị cáo Nguyễn Lộc An.
Về tài sản kê biên, do ông An đã nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận là hơn 14 tỷ đồng, luật sư đề nghị HĐXX hủy bỏ lệnh phong tỏa kê biên tài sản đối với căn biệt thự tại quận Tây Hồ (Hà Nội).
Bị cáo Nguyễn Tuấn Quỳnh (Chủ tịch Công ty Long Hưng) được VKS đề nghị mức án 3 năm tù cho hưởng án treo. Nêu quan điểm bào chữa, luật sư đề nghị HĐXX xem xét miễn hình phạt cho bị cáo.
Theo luật sư, bị cáo Nguyễn Tuấn Quỳnh phạm tội trong điều kiện có mối quan hệ bạn bè thân thiết thường xuyên giúp đỡ nhau trong đời sống thường ngày với bị cáo Nguyễn Lộc An. Do đó, khi ông An mua nhà thì bị cáo đề nghị giúp đỡ, đưa tiền cho bạn và dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.
Về tình tiết giảm nhẹ, theo luật sư, ông Quỳnh có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, có nhiều đóng góp, hỗ trợ công tác an sinh xã hội tại địa phương. Gia đình bị cáo có công với cách mạng.
Bị cáo Nguyễn Tuấn Quỳnh hiện là người bị khuyết tật nặng, đã suy giảm đến trên 81%-87% sức khỏe do bệnh suy thận mạn và nhiều bệnh khác như đái tháo đường, viêm gan B và C, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Hiện nay, bị cáo khó có thể tự chăm sóc bản thân và luôn cần sự hỗ trợ từ người khác. Biên bản giám định y khoa, luật sư đã nộp cho tòa án.
Cùng tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, bị cáo Trần Trác Việt Đức (Giám đốc Công ty Bách Khoa Việt) bị đề nghị 11 - 12 năm tù, bị cáo Đỗ Thị Tuyết Nga (Kế toán trưởng) bị đề nghị 3 - 4 năm tù.
Bào chữa cho bị cáo Đức, luật sư nêu tháng 9/2018, ông Đức tham gia vào quản lý Công ty Bách Khoa Việt thì doanh nghiệp đã phát sinh nhiều khoản nợ ngân hàng.
Ông Đức và nhân viên công ty biết việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để trả nợ là không phù hợp nhưng do tình hình tài chính của công ty nên không còn cách nào khác, buộc phải đưa ra quyết sách như vậy.
Theo luật sư, trong nhận thức, ông Đức không có ý định cố tình chiếm đoạt tài sản của Nhà nước hay vụ lợi cho bản thân mà chỉ là một biện pháp tạm thời để giải quyết khó khăn hiện tại của doanh nghiệp. Ông Đức và bị cáo Đỗ Thị Tuyết Nga (kế toán trưởng) đều nghĩ sẽ trả lại cho Quỹ bình ổn ngay khi vấn đề tài chính của doanh nghiệp được hồi phục.
Luật sư của bị cáo Nga cho rằng bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, thực hiện theo chỉ đạo và không được hưởng lợi. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.