Cựu quan chức CIA: Mỹ chỉ viện trợ cho Ukraine 'đủ để chiến đấu'
Một cựu quan chức cấp cao của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng Washington đã chủ động giới hạn viện trợ quân sự cho Ukraine, khiến nước này không có đủ khả năng giành chiến thắng trên chiến trường.

Biểu tượng Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tại trụ sở ở Virginia. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo đài RT, trong cuộc phỏng vấn với tờ The Times công bố ngày 3/5, ông Ralph Goff, cựu quan chức CIA, cho rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong giai đoạn đầu xung đột, đã cố tình trì hoãn hoặc từ chối cung cấp một số hệ thống vũ khí chủ chốt cho Ukraine do lo ngại Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ông Goff nhận định rằng nếu Ukraine được trang bị các hệ thống vũ khí phù hợp ngay từ đầu, nước này có thể đã đẩy lùi được lực lượng Nga. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra, và cuộc xung đột rơi vào tình trạng kéo dài, tiêu hao và khốc liệt. Ông cho rằng phương Tây không bao giờ cung cấp đủ để Ukraine giành chiến thắng, mà chỉ đủ để duy trì khả năng chiến đấu.
Ông Goff cho rằng các nước phương Tây đã bị chi phối bởi những cảnh báo từ Moskva, đặc biệt là nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, dẫn đến việc áp dụng chính sách viện trợ dè dặt và hạn chế. Theo ông, cách tiếp cận này đã khiến Ukraine rơi vào tình trạng chịu tổn thất kéo dài trên chiến trường.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Goff dẫn lời một quan chức Ukraine nhận định rằng nếu không đạt được lệnh ngừng bắn, khu vực tiền tuyến vào cuối mùa hè năm nay có thể trở thành vùng chiến sự có mức độ rủi ro cao, trải dài từ 20 đến 50 km, với sự hiện diện dày đặc của thiết bị bay không người lái, thiết bị mặt đất, cảm biến và mìn, gây nhiều khó khăn cho hoạt động di chuyển.
Từ năm 2022, Mỹ đã cung cấp hơn 174 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, bao gồm nhiều gói hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo.
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1, Tổng thống Trump đã thúc đẩy cả Moskva và Kiev tiến tới một lệnh ngừng bắn. Hồi tháng 3, Mỹ đã soạn thảo kế hoạch nới lỏng trừng phạt nếu Liên bang Nga tiến tới hòa bình,
Tuy nhiên, theo Reuters, gần đây ông Trump tỏ ra ngày càng mất kiên nhẫn với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, cáo buộc ông Putin phóng tên lửa vào các “khu vực dân sự” của Ukraine “một cách vô cớ” và không muốn “chấm dứt chiến tranh”, đồng thời đe dọa Moskva bằng các lệnh trừng phạt mới.
Ông Trump đã đưa ra lời đe dọa trong một bài đăng trên Truth Social vào ngày 26/4, ngay sau cuộc gặp ngắn với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Vatican. Tổng thống Mỹ đã chỉ trích gay gắt việc Liên bang Nga tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào Ukraine, cáo buộc Moskva cố tình kéo dài cuộc chiến.
“Không có lý do gì để ông Putin bắn tên lửa vào các khu vực dân sự, thành phố và thị trấn trong vài ngày qua. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng có lẽ ông ta không muốn chấm dứt chiến tranh, mà chỉ đang lợi dụng tôi, và cần phải bị xử lý theo cách khác, thông qua ‘trừng phạt ngân hàng’ hoặc ‘trừng phạt thứ cấp'? Quá nhiều người đang chết!!!”, ông Trump tuyên bố.
Theo ông Kurt Volker – cựu đặc phái viên của Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là đại diện đặc biệt của Mỹ trong các cuộc đàm phán về Ukraine dưới thời nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Tổng thống Mỹ đương nhiệm “đã hết lòng tạo điều kiện cho ông Putin có cơ hội nói rằng ‘Được rồi, chúng ta sẽ ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh,’ nhưng ông Putin liên tục từ chối ông ấy”, cho nên, “ssây là giai đoạn tiếp theo nhằm gây thêm áp lực lên Nga”.
Ông Volker cho rằng Tổng thống Liên bang Nga “đang leo thang căng thẳng” và kết cục là “đã đưa Mỹ và Ukraine về cùng một lập trường, cùng kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và toàn diện còn ông Putin giờ đây trở thành người bên lề”.
Ông Volker cho biết Liên bang Nga đang kiếm được nguồn ngoại tệ mạnh để tài trợ cho quân đội của mình thông qua việc bán dầu khí cho các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc, và sẽ là điều “rất quan trọng” nếu ông Trump áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp lên các giao dịch đó.
Lệnh trừng phạt thứ cấp là hình thức trong đó một quốc gia tìm cách trừng phạt quốc gia thứ hai vì đã giao thương với quốc gia thứ ba, bằng cách cấm quốc gia thứ hai tiếp cận thị trường của mình – một công cụ đặc biệt mạnh mẽ đối với Mỹ vì quy mô nền kinh tế của nước này.