Cứu sản phụ vỡ tử cung, hoại tử ruột non nguy cơ tử vong 80%

Sản phụ bị vỡ tử cung, thai chết lưu khi 32 tuần tuổi, sốc nhiễm khuẩn,... vừa được các bác sĩ tại ba bệnh viện ở TPHCM phối hợp cứu sống.

Ngày 21/6, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, đã phối hợp nhiều bệnh viện cứu sống sản phụ bị suy đa tạng do vỡ tử cung kèm hoại tử ruột non, nguy cơ tử vong 80%.

Theo đó, sản phụ H.T.L (38 tuổi) mang thai lần 3, nhập Bệnh viện Từ Dũ đêm 4/5 trong tình trạng đau bụng, lừ đừ, huyết áp tụt sâu.

Sau khi được thăm khám cấp cứu, chị được chẩn đoán vỡ tử cung, sốc nhiễm khuẩn, thai chết lưu 32 tuần, ngôi ngang kèm nhau tiền đạo, được ekip bác sĩ phẫu thuật cấp cứu ngay trong đêm.

Tuy nhiên, sau mổ 5 ngày, sản phụ sốt cao, thở nhanh, sốc nhiễm khuẩn tiến triển và được hội chẩn liên viện với khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy, phát hiện viêm phúc mạc toàn thể do hoại tử ruột non. Bệnh nhân được phẫu thuật lần 2 để cắt đoạn ruột hoạt tử, mở hậu môn ra da.

Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định kiểm tra sức khỏe của sản phụ sau ca mổ. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định kiểm tra sức khỏe của sản phụ sau ca mổ. Ảnh: BVCC

Trải qua hai cuộc đại phẫu, mặc dù đã giải quyết tạm ổn vỡ tử cung và hoại tử ruột, sản phụ vẫn diễn tiến sốc nhiễm khuẩn, vàng da, vàng mắt do suy gan nặng, chảy máu vết mổ và chảy máu âm đạo do đông máu nội mạch lan tỏa, suy thận cấp không có nước tiểu, tổn thương cơ tim.

Nhận định đây là trường hợp bệnh nguy kịch với tiên lượng tử vong hơn 80%, sản phụ được hội chẩn liên viện và nhập khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định ngày 12/5.

“Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc nặng, tổn thương đa tạng, lừ đừ, nói sảng do bệnh não gan, rối loạn đông máu, không có nước tiểu do chức năng thận suy giảm nặng, chức năng co bóp cơ tim cũng suy yếu do nhiễm trùng huyết”, ThS.BS Trần Thanh Nam, bác sĩ điều trị chính cho biết.

Sản phụ được thay huyết tương cấp cứu liên tiếp nhiều ngày, truyền máu và bồi hoàn các yếu tố đông máu, kết hợp lọc máu liên tục. Do toàn bộ ruột non bị phù nề nặng, bệnh nhân không thể nuôi ăn bằng đường miệng mà phải sử dụng dịch nuôi dưỡng qua sonde và dịch dinh dưỡng tĩnh mạch chuyên biệt.

Sau 3 tuần hồi sức liên tục, chức năng các tạng của bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, chị L. tỉnh táo hơn và được lên kế hoạch nối lại ruột non.

Sau hơn một tháng ròng rã hồi sức chuyên sâu, phối hợp đa chuyên khoa hồi sức tim mạch - dinh dưỡng - ngoại khoa - phục hồi chức năng, sức khỏe chị L. hồi phục ngoạn mục, tất cả chức năng tạng và đông máu đều trở về trạng thái bình thường.

Chị L. đã có thể ăn uống bằng đường miệng, phục hồi dần các chức năng vận động và dự kiến được xuất viện trong vài ngày tới.

Các bác sĩ khuyến cáo, đối với thai kỳ nguy cơ cao về sản khoa (đa thai, sinh nhiều lần, nhau tiền đạo…) hay nguy cơ cao về các bệnh lý nội khoa (tim mạch, nội tiết, hô hấp…), sản phụ nên được đánh giá và theo dõi thai kỳ cẩn thận tại các bệnh viện chuyên khoa sâu. Tùy theo mức độ nguy cơ ở từng sản phụ, các bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra chiến lược chăm sóc tiền sản - hậu sản phù hợp.

Bạch Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuu-san-phu-vo-tu-cung-hoai-tu-ruot-non-nguy-co-tu-vong-80-2293940.html