Cựu sinh viên kiện đòi bồi thường hơn 43 tỷ đồng: Đại diện Trường đại học Kinh tế Quốc dân nói gì?
Ông Dương Thế Hảo, nguyên là sinh viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân, khoa Kinh tế công nghiệp nâng con số đòi bồi thường từ hơn 36 tỷ lên hơn 43 tỷ đồng.
Cựu sinh viên đòi bồi thường hơn 43 tỷ đồng do giữ bằng
Ngày 6/5, TAND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) mở phiên sơ thẩm xét xử vụ kiện dân sự về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nguyên đơn là ông Dương Thế Hảo (66 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) khởi kiện Trường đại học Kinh tế Quốc dân, yêu cầu bồi thường số tiền hơn 43 tỷ đồng.
Theo trình bày của ông Dương Thế Hảo, ông nhập ngũ năm 1977, ra quân năm 1981 và thi đỗ vào Trường ĐH Kinh tế Kế hoạch (nay là ĐH Kinh tế Quốc dân), khóa năm 1984. Năm 1989, ông hoàn thành chương trình học, thi tốt nghiệp đạt yêu cầu và được cấp giấy xác nhận chờ bằng.
Ông Dương Thế Hảo cho biết ông bị Trường đại học Kinh tế Quốc dân giữ bằng tốt nghiệp suốt 25 năm, cùng với hồ sơ cá nhân trong 30 năm và hộ khẩu trong 15 năm. Dù liên hệ nhà trường nhiều lần nhưng ông không nhận được bằng. Thời điểm đó, nhà trường trả lời không có phôi bằng. Sau đó, rất nhiều lý do, cán bộ phụ trách mảng này đi vắng...
Theo ông Hảo, khi nhập học, đã nộp hồ sơ quân nhân, lý lịch quân nhân, quyết định xuất ngũ, địa chỉ tạm trú của ông cũng được chuyển về trường. Song do chưa lấy được bằng tốt nghiệp, toàn bộ hồ sơ gốc của ông cũng được trường giữ lại, trong khi chứng minh nhân dân cũ đã hết hạn.
Thiếu bằng đại học, hồ sơ cá nhân, ông Hảo không thể đảm nhận vị trí giám đốc, không làm thủ tục cưới vợ, đăng ký hộ khẩu hay làm giấy khai sinh cho con tại Hà Nội, các con không được theo học trường công, dẫn đến cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thời điểm từ năm 2000, ông nói làm trong lĩnh vực mua bán đất đai, nhưng không có chứng minh nhân dân, phải thuê người đứng tên mua bán, giấy tờ. Năm 2004, nhờ công an quận can thiệp, ông được Trường đại học Kinh tế quốc dân cắt tạm trú tại trường, để đăng ký về quận Hoàng Mai, làm chứng minh nhân dân và đăng ký hộ khẩu.
Sau nhiều lần kiến nghị không được đáp ứng, ông Hảo khởi kiện trường ra tòa, yêu cầu bồi thường hơn 36 tỷ đồng.
Trình bày trước tòa, ông Hảo cho biết đến năm 2019 ông mới nhận được bằng tốt nghiệp đại học từ Trường đại học Kinh tế Quốc dân, sau khi đã khởi kiện ra tòa và trải qua 5 phiên hòa giải. Sau khi nhà trường trao trả bằng, tòa án mới ra quyết định đình chỉ vụ án lần đầu.

Ông Dương Thế Hảo đến phiên tòa. Ảnh: Quỳnh An.
Lúc này, ông Hảo tiếp tục khởi kiện lần 2, đề nghị chỉnh năm tốt nghiệp thành 1989 và yêu cầu bồi thường vì những tổn thất về thu nhập, tinh thần, cơ hội nghề nghiệp và quyền công dân.
"Tôi tốt nghiệp năm 1989 nhưng bằng tốt nghiệp do trường cấp năm 2019 lại ghi thời điểm tốt nghiệp là năm 1994", ông Hảo nói.
Ông Hảo cho rằng, việc này đã gây cho ông một số hậu quả như: mất thu nhập, mất các cơ hội thụ hưởng chính sách, mất quyền khai sinh cho các con, mất quyền sở hữu doanh nghiệp… khiến ông bị tổn thất về tinh thần, danh dự và uy tín. Vì vậy, ông yêu cầu nhà trường bồi thường tổng thiệt hại về vật chất và tinh thần số tiền hơn 43 tỷ đồng.
Phía nhà trường nói gì?
Luật sư đại diện cho phía bị đơn (Trường đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết về việc bị cáo buộc giữ hồ sơ cá nhân 30 năm, sau khi ông Hảo tốt nghiệp năm 1989, ông không liên hệ với trường để xin lại hồ sơ như những sinh viên khác. Mãi đến năm 2017, ông Hảo mới gửi thư đề nghị nhà trường trả lại hồ sơ. Sau khi nhận được yêu cầu, trường đã phân công cán bộ phụ trách và có văn bản phản hồi rằng không tìm thấy hồ sơ liên quan. Đồng thời, trường đã cấp xác nhận ông Hảo là cựu sinh viên, công nhận bảng điểm và xác nhận không còn lưu giữ hồ sơ của ông.
Sau đó, ông Hảo có gửi đơn lên Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường cũng đã cung cấp toàn bộ thông tin liên quan như đã gửi cho ông trước đó.
Về việc ông Hảo kiện nhà trường không trả hồ sơ thì ở phiên tòa diễn ra vào năm 2019, nhà trường đã trả lại đủ hồ sơ cá nhân cho ông Hảo. Thời điểm đó, trường đã rất nỗ lực tìm lại hồ sơ của ông Hảo và cuối cùng đã tìm thấy “trong một khe tủ”.
Việc chậm trễ trả hồ sơ là do nguyên nhân khách quan. Trong thời gian đó, trường liên tục chuyển địa điểm, nhiều cán bộ nghỉ hưu hoặc qua đời, việc quản lý hồ sơ gặp nhiều khó khăn. “Đây là sự việc khách quan, bất khả kháng”.
Về việc bị cáo buộc giữ bằng tốt nghiệp suốt 25 năm, phía luật sư nhà trường cho rằng không có hành vi "giữ bằng", bởi đến năm 2019 trường đã cấp bằng cho ông Hảo. Thời điểm sau khi nhận lại bằng, ông Hảo có quyền khởi kiện đòi bồi thường nhưng không thực hiện ngay, theo quy định, đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện.
Liên quan đến hộ khẩu, đại diện luật sư của trường nêu rõ thời điểm ông Hảo nhập học, ông khai có hộ khẩu ở Bắc Giang vì thuộc đối tượng quân đội. Tuy nhiên, trong bộ hồ sơ lưu tại trường không có sổ hộ khẩu, và cũng không có cơ sở cho rằng trường từng giữ hộ khẩu của ông. Trường chỉ là nơi tạm trú của sinh viên, không phải nơi quản lý hay lưu giữ hộ khẩu thường trú.
Về khoản yêu cầu bồi thường hơn 43 tỷ đồng, đại diện bị đơn cho rằng do nguyên đơn chưa chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại, cũng như thiếu tài liệu xác thực, nên không có cơ sở để HĐXX xem xét yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đặt nhiều câu hỏi nhằm làm rõ quá trình học tập của ông Dương Thế Hảo và lý do dẫn đến việc ông chỉ được xét công nhận tốt nghiệp vào năm 1994, dù bắt đầu học đại học từ năm 1984.
Theo đại diện luật sư Trường đại học Kinh tế Quốc dân, ông Hảo ban đầu là sinh viên lớp Công nghiệp khóa 26 (niên khóa 1984–1988). Tuy nhiên, trong quá trình học, ông Hảo bị lưu ban và chuyển sang học tiếp với lớp khóa 27.
Về lý do ông Hảo không được xét tốt nghiệp vào thời điểm năm 1989, đại diện luật sư của nhà trường cho biết ông Hảo đã vi phạm quy chế thi, dẫn đến việc bị tạm hoãn công nhận tốt nghiệp. Theo quy định, sinh viên vi phạm như vậy có thể bị tạm hoãn trong 1–2 năm.
Tuy nhiên, phải đến năm 1994, tức sau 5 năm, ông Hảo mới được đưa vào danh sách xét công nhận tốt nghiệp. Giải thích về thời gian kéo dài này, phía luật sư cho rằng sau khi hết thời gian tạm hoãn, sinh viên cần nộp đơn đề nghị xét tốt nghiệp và Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp phải được thành lập thì việc xét công nhận mới được thực hiện.
Trong khi đó, cán bộ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, lý giải nguyên nhân dẫn đến việc bằng tốt nghiệp của ông Dương Thế Hảo ghi năm tốt nghiệp 1994, dù ông hoàn thành chương trình học từ năm 1989.
Theo vị cán bộ này, sinh viên bị hoãn công nhận tốt nghiệp trong khoảng từ một đến 2 năm sẽ phải đến nộp hồ sơ xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, nhà trường không tìm thấy giấy tờ liên quan đến việc ông Hảo đã nộp hồ sơ xét tốt nghiệp từ năm 1989. Mãi đến năm 1994, nhà trường mới ghi nhận tên ông Hảo trong danh sách xét tốt nghiệp.
Về quy trình cấp bằng tại thời điểm đó, vị cán bộ này cho biết phôi bằng do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp, nhà trường không có sẵn bằng để phát cho sinh viên như hiện nay. Khi sinh viên đến, trường mới thực hiện thủ tục xin cấp phôi bằng và tiến hành in bằng. Không có chuyện bằng tốt nghiệp được in sẵn. Vì vậy, việc ghi năm tốt nghiệp là 1994 hoàn toàn đúng quy định.
Cán bộ trường cũng cho biết thêm, từ năm 2015, Trường đại học Kinh tế Quốc dân mới được phép tự chủ trong việc in phôi bằng và chứng chỉ. Trước thời điểm đó, mọi việc in ấn đều phải thực hiện theo quy trình xin phôi từ Bộ. Nhà trường đã có lời xin lỗi và đã trao bằng tốt nghiệp cho ông Hảo.
Tại phiên tòa, HĐXX cho biết nội dung đơn khởi kiện ban đầu của ông Dương Thế Hảo và lời trình bày tại tòa có nhiều điểm khác biệt. Trong quá trình hòa giải trước đó, ông Hảo không chấp nhận thỏa thuận và cũng không giải trình rõ cơ sở tính toán các khoản yêu cầu bồi thường.
Đáng chú ý, số tiền yêu cầu bồi thường đã được ông Hảo điều chỉnh tăng từ hơn 36 tỷ đồng lên hơn 43 tỷ đồng. Do đó, HĐXX đề nghị ông Hảo cần cung cấp bảng đánh giá chi tiết, làm rõ căn cứ của từng khoản bồi thường để Tòa có cơ sở xem xét, đánh giá đầy đủ và chặt chẽ.
Sau khi thẩm vấn hai bên, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa để phía bị đơn có thời gian làm rõ từng con số trong yêu cầu đòi bồi thường. Theo HĐXX, còn một số chứng cứ chưa được làm rõ tại tòa, phiên tòa tạm dừng và HĐXX sẽ có thông báo về thời gian mở lại phiên tòa sau.