Cứu sống 1 phụ nữ bị lóc toàn bộ da đầu nguy kịch nhất trong y văn
Mái tóc dài của chị B. không may bị cuốn vào máy khoan khiến toàn bộ da trán và da đầu của chị bị lột đứt phăng rời khỏi hộp sọ, cuốn nghiền nát trong máy khoan.
Chiều 13/7, Bệnh viện Bạch Mai đã công bố điều trị thành công cho nữ bệnh nhân lột mất toàn bộ da đầu, da trán do tai nạn lao động (tóc bị cuấn vào máy khoan giếng).
Các y bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai đánh giá trường hợp này hiếm gặp trong y văn của cả thế giới. Ca phẫu thuật đã thành công ngoài sự mong đợi của các y bác sỹ bởi tính chất khó khăn của cuộc mổ: mảnh da đầu đứt thành 2 phần, dập nát và kèm theo đó là thời gian thiếu máu kéo dài, sau 13 giờ bệnh nhân mới được phẫu thuật.
Tai nạn hi hữu
Tai nạn xảy ra cách đây hơn 2 tháng trong lúc chị Hà Thị B. 43 tuổi, ở Điện Biên, phụ chồng khoan giếng. Mái tóc dài của chị không may bị cuốn vào máy khoan khiến toàn bộ da trán và da đầu của chị bị lột đứt phăng rời khỏi hộp sọ, cuốn nghiền nát trong máy khoan.
Khi đó, máu chảy xối xả từ các đầu mạch máu bị đứt. Gia đình vội đưa chị đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Do mất máu quá nhiều và quá đau đớn, chị đã rơi vào trạng thái sốc.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, an thần, thở máy, sử dụng thuốc vận mạch, bù dịch. Các điểm chảy máu được cầm bằng thắt nút chỉ hoặc đốt điện. Mảnh da đầu được bảo quản đúng cách trong thùng nước đá.
Sau đó, bệnh nhân được vận chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Điện Biên đến Bệnh viện Bạch Mai trên quãng đường xa hơn 500 cây số suốt 11 giờ đồng hồ (từ 11 giờ đến gần 23 giờ).
Tiến sỹ Phạm Thị Việt Dung - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ (Bệnh viện Bạch Mai), cho hay biết tin bệnh nhân được vận chuyển trong tình trạng nguy kịch, bệnh viện đã huy động lực lượng đông đảo bác sỹ để cấp cứu bệnh nhân ngay khi tới viện. Tất cả các bác sỹ trong khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ đã có mặt đông đủ, các bác sỹ trực cấp cứu, gây mê, huyết học, chẩn đoán hình ảnh đã được báo trước, sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân kịp thời nhất.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân khẩn trương được làm các xét nghiệm cần thiết cũng như hồi sức để toàn trạng được ổn định. Sau 1 giờ 30 phút, bệnh nhân được đưa vào phòng phẫu thuật. Do tính chất phức tạp của ca phẫu thuật khi mảnh da đầu của bệnh nhân B. bị đứt rời thành 2 mảnh, dập nát, nhiều dị vật, các phẫu thuật viên được chia thành 3 kíp: 2 kíp làm sạch và chuẩn bị mạch tại mảnh da đầu, 1 kíp phẫu thuật tìm và chuẩn bị mạch nhận.
Sau khoảng 3 giờ, việc nối lại mảnh da đầu đầu tiên (bên phải) được hoàn thành với 1 mối nối động mạch và một mối nối tĩnh mạch. Tương tự như vậy, mảnh da đầu thứ 2 cũng được nối lại với 1 động mạch và 1 tĩnh mạch.
Cuộc phẫu thuật kết thúc lúc 6 giờ 30 phút của ngày hôm sau. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và hồi sức tại phòng điều trị tích cực trong 2 ngày sau đó. Trong quá trình cấp cứu và phẫu thuật, bệnh nhân đã được truyền tổng cộng 8 đơn vị máu (tương đương 2.000 cc). Sau phẫu thuật, mảnh da ghép được theo dõi thường xuyên, có 2 mảnh nhỏ bị hoại tử do bị dập nát nhiều.
Sau 23 nằm viện và điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện. Sau một tháng, da đầu bệnh nhân đã sống, lành thương và có khả năng mọc tóc khoảng 90%.
Thành công trong điều trị ca hiếm gặp
Phó giáo sư Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá: “Đây là ca bệnh có tổn thương khá nặng, hy hữu và nguy hiểm đến tính mạng do sốc mất máu. Qua so sánh với các ca lâm sàng trên y văn thế thì đây là ca bệnh nặng nhất. Tuy nhiên, bệnh nhân may mắn được sơ cứu ban đầu, cầm máu và bảo quản miếng da đầu đúng cách, vượt quãng đường rất dài trước khi được phẫu thuật, ghép nối thành công.”
Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, lúc đầu, bệnh nhân không chỉ mất da đầu, mà còn rơi vào tình trạng sốc mất máu, nguy kịch tính mạng. Đồng nghiệp ở Bệnh viện Đa khoa Điện Biên đã làm rất đúng các cấp cứu ban đầu, cầm máu, bảo quản miếng da đầu đúng cách. Chỉ 2-3 tháng nữa tóc bệnh nhân B. sẽ mọc lên bình thường, chị có được sự tự tin, hạnh phúc như cuộc sống bình thường.
Tiến sỹ Thái Duy Quang - Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ nhớ lại: “Khi tiếp nhận bệnh nhân, nhìn đống da đầu bầy nhầy, long tróc, chia hai mảnh nhiều chỗ rách nát, băm vằm ra từng mảnh nhỏ, y bác sỹ đều lo sợ cuộc phẫu thuật gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó việc mảnh ghép đã đứt rời 12 tiếng, quá mất thời gian vàng 6 tiếng sau khi mảnh da đầu bị đứt rời thì cơ hội sống của mảnh ghép hầu như còn rất ít. Khi mở băng, nhìn toàn bộ xương sọ trơ khấc, không được phủ một chút tóc hay màng xương, chúng tôi càng áp lực.”
“Nếu không nối được, toàn bộ xương sọ khô khốc, không được tưới máu kia làm thế nào để che phủ? Sẽ là một quá trình dài và mệt mỏi sau này để bệnh nhân có thể liền vết thương. Hơn nữa sau khi liền thương, người bệnh sẽ không bao giờ có tóc trên vùng da đầu. Mỗi phút trôi qua, mỗi mạch máu được tìm thấy, mỗi miệng nối mạch được nối thông đều làm chúng tôi thêm phấn chấn. Sau 6h các ekip làm việc liên tục, chúng tôi có thể tạm an tâm vì hai mảnh đứt rời chính đã được cấp máu, đồng nghĩa với việc 3/4 số da đầu mang tóc được giữ lại,” bác sỹ Quang cho hay.
Trong thời gian tới, bệnh nhân sẽ được can thiệp một kỹ thuật giãn da từ vùng da có nang tóc để thay thế vùng da không mọc tóc.
Chia sẻ tại buổi họp công bố, bệnh nhân Hà Thị B. vui mừng sau gần 2 tháng xuất viện, tình trạng sức khỏe của chị ổn định hoàn toàn.
“Tôi cảm thấy mình như được hồi sinh trở lại. Sau khi tai nạn xảy ra, người nhà tôi đều hoảng hốt và lo lắng tôi khó có thể qua khỏi được. Đến nay, phần da đầu của tôi đã liền lại, tôi có thể tự tin, không còn e ngại hay sợ hãi nữa. Không có ngôn từ nào có thể diễn tả được hết sự biết ơn với y bác sỹ. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới đội ngũ y bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Điện Biên và Bệnh viện Bạch Mai đã tận tình cứu chữa để tôi như được sinh ra một lần nữa,” chị Hà Thị B. xúc động nói./.