Cứu sống bé trai mắc căn bệnh 'viêm não hoại tử cấp tính' hiếm gặp
Chiều 13/10, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh cho biết,vừa cứu sống một trường hợp viêm não hoại tử cấp tính rất hiếm gặp. Đây cũng là ca đầu tiên mà Bệnh viện này tiếp nhận, điều trị.
Bệnh nhi là bé trai B.D.M (7 tuổi), ở tại quận 12, TP Hồ Chí Minh. Cháu bị sốt cao lên tới 39 độ C vào ngày thứ hai, lên cơn co giật, được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh.
Theo PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm, ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ nhanh chóng cho bệnh nhi thở oxy, chống co giật, sử dụng thuốc kháng sinh, kháng virus, chống phù não, đồng thời, tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân.
Chụp CT não ghi nhận có tổn thương giảm đậm độ nhu mô não vùng đồi thị, bán cầu đại não 2 bên và thân não.
Sau 24 giờ nhập viện, cháu bé xuất hiện nhiều cơn co gồng, phù não, mê, suy hô hấp, giảm huyết áp. Các xét nghiệm sau đó cho thấy có phản ứng viêm tăng cao và tổn thương gan nặng. Ngoài ra, kết quả chụp MRI não ghi nhận nhiều ổ hoại tử, xuất huyết và phù não lan tỏa 2 bên, chẩn đoán kết quả phù hợp với tình trạng viêm não hoại tử.
Ngay lập tức, bệnh nhi được chuyển đến Khoa Hồi sức Nhiễm điều trị phù não, giúp thở, chống sốc... Đồng thời kết quả xét nghiệm PCR dịch tiết hô hấp có kết quả dương tính với virus cúm A.
Sau 10 ngày điều trị, tình trạng suy hô hấp, sốc có cải thiện, tri giác tiến triển nhưng chậm. Bé được chuyển đến Khoa Nhiễm - Thần Kinh điều trị duy trì bằng thuốc ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, phải mất tới 2 tháng điều trị tích cực, cậu bé mới cải thiện hoàn toàn về tri giác, nhận thức và vận động, tất cả giác quan bình thường.
Viêm não hoại tử cấp tính là căn bệnh rất hiếm, được mô tả đầu tiên năm 1995 ở châu Á. Bệnh đặc trưng bởi các biểu hiện thần kinh như co giật, nhanh chóng rối loạn tri giác, hôn mê có thể xuất hiện thường ngay sau nhiễm cúm A, cúm B, virus herpes, virus herpes type 6, vi khuẩn Mycoplasma… kèm theo tổn thương gan diễn tiến nhanh.
Viêm não hoại tử có tiên lượng kém, tỷ lệ tử vong và di chứng thần kinh nặng cao. Do đó, sự phục hồi của cậu bé được các bác sĩ đánh giá là rất ngoạn mục. Tất cả nhờ sự nhạy bén của các bác sĩ, cũng như sự phối hợp của các khoa, bệnh nhi đã được chẩn đoán nhanh và đúng bệnh.
Đến nay, nguyên nhân gây bệnh này chưa được biết rõ. Một số giả thuyết cho rằng có thể do miễn dịch và chuyển hóa.