Cứu sống nam thanh niên bị sốt xuất huyết Dengue nặng, thiếu máu tán huyết

Ngày 22-1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, vừa điều trị thành công một trường hợp bệnh nhân nam, 21 tuổi, bị Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) nặng, thiếu máu tán huyết, suy đa cơ quan.

Bệnh nhân bị SXHD nặng, thiếu máu tán huyết, suy đa cơ quan

Bệnh nhân bị SXHD nặng, thiếu máu tán huyết, suy đa cơ quan

Bệnh sử ghi nhận bệnh nhân sốt, đau mỏi cơ nhiều, tự mua thuốc giảm đau uống không bớt. Đến ngày thứ 4, bệnh nhân còn sốt cao, đau cơ, tiểu nước tiểu đỏ toàn dòng nên nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Bệnh nhân có thừa cân, không ghi nhận bệnh lý máu hay bệnh gan trước đây.

Tại bệnh viện, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân sốt cao, li bì, tụt huyết áp, thở nhanh, vàng da. Bệnh nhân được chẩn đoán SXHD nặng thể não, sốc, tổn thương gan nặng, tán huyết cấp, được điều trị thở máy, chống sốc tích cực, hỗ trợ gan và làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân tán huyết. Những ngày sau đó, tình trạng sốc của bệnh nhân được kiểm soát, tuy nhiên tình trạng tán huyết tiếp tục tiến triển, gây suy gan, suy thận thiểu niệu, vàng da.

Xét nghiệm tìm nguyên nhân tán huyết ghi nhận men G6PD (thiếu hụt enzyme) của bệnh nhân rất thấp, xác định đây là trường hợp tán huyết cấp do thiếu men G6PD. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa, thay huyết tương, lọc máu liên tục, truyền máu và chế phẩm máu, truyền thuốc để ổn định huyết động, điều chỉnh điện giải, cân bằng dịch.

 Bệnh nhân được xuất viện sau 32 ngày điều trị

Bệnh nhân được xuất viện sau 32 ngày điều trị

Sau nhiều ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện, suy thận hồi phục, có nước tiểu, vàng da giảm, hết tán huyết. Bệnh nhân tỉnh, được cai máy thở, rút ống nội khí quản, tự ăn uống, sinh hoạt cá nhân và được xuất viện sau 32 ngày điều trị.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, đây là một trong số những trường hợp SXHD nặng, suy đa cơ quan được cứu sống trong thời gian vừa qua. SXHD có thể xuất hiện ở người lớn với các biểu hiện nặng nề như sốc, xuất huyết hoặc suy cơ quan dẫn đến tử vong. Đặc biệt trên các cơ địa như béo phì, có bệnh lý nền (tim, thận, gan, bệnh lý máu, thai kỳ…) thì diễn tiến của SXHD cũng có thể trở nên phức tạp trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc.

Biện pháp tốt nhất là phòng ngừa chủ động, tránh bị SXHD như ngăn ngừa muỗi đốt (ngủ màn, dùng thuốc thoa phòng muỗi đốt), diệt lăng quăng. Lưu ý khi sốt cao trên 2 ngày, hoặc không giảm dù đã dùng thuốc hạ sốt, hoặc sốt kèm mệt mỏi, vàng da, nôn ói cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Theo y văn, thiếu men G6PD, biểu hiện bằng định lượng men G6PD thấp, là một bệnh lý di truyền. Đa phần bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng, hoặc biểu hiện nhẹ nếu mức độ thiếu men G6PD không nhiều. Tuy nhiên, trong số ít trường hợp, bệnh nhân sẽ vào đợt tán huyết cấp (vỡ hồng cầu) khó kiểm soát sau khi bị nhiễm trùng nặng, hoặc sử dụng các thuốc có tính oxy hóa cao. Biểu hiện lúc này là phản ứng vỡ hồng cầu hàng loạt gây thiếu máu cấp có thể tử vong nếu không kiểm soát kịp thời.

THÀNH SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cuu-song-nam-thanh-nien-bi-sot-xuat-huyet-dengue-nang-thieu-mau-tan-huyet-post723743.html