Cựu thanh niên xung phong Lê Thị Khải: Người hết lòng với mọi phong trào

Nhắc đến bà Lê Thị Khải, sinh năm 1945, người dân xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, ai nấy đều biết đến. Bà Khải được mệnh danh là người luôn hết mình với mọi phong trào của địa phương, được chính quyền và nhân dân vô cùng tin yêu, quý mến. Hiện nay, bà là Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) xã Hoàng Diệu và là Chi hội trưởng Chi hội TNXP thôn Bài Trượng, xã Hoàng Diệu.

Ký ức một thời

Trong căn nhà nhỏ giữa làng quê yên bình, cựu thanh niên xung phong Lê Thị Khải kể lại những kỷ niệm hào hùng của tuổi trẻ. Ở tuổi xế chiều, giọng bà vẫn đầy nhiệt huyết khi nhắc về quãng thời gian xông pha trên mặt trận, như thể thời gian không làm phai mờ ký ức ấy. Bà Khải gia nhập lực lượng TNXP vào năm 1965, khi vừa bước sang tuổi 20. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà và hàng vạn thanh niên cả nước đã lên đường, đóng góp sức mình vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 Cựu thanh niên xung phong Lê Thị Khải chia sẻ những kỷ niệm về thời chiến.

Cựu thanh niên xung phong Lê Thị Khải chia sẻ những kỷ niệm về thời chiến.

“Tôi được biên chế vào đơn vị N81 (Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước), nhiệm vụ của đơn vị là bảo đảm giao thông thông suốt từ Nam Định đến Thanh Hóa, đặc biệt là tuyến đường sắt nối giữa hai tỉnh, một phần quan trọng của tuyến đường sắt Bắc - Nam. Nhiệm vụ của chúng tôi là sửa chữa, đắp lại những đoạn đường bị hư hại và rà phá bom mìn, loại bỏ vật cản trên tuyến đường. Hằng ngày, chúng tôi lao động trong điều kiện khó khăn, bất chấp nắng mưa, để đảm bảo những chuyến tàu vẫn có thể lăn bánh an toàn. Mỗi chuyến tàu đi qua đều mang theo hy vọng, là biểu tượng cho sức mạnh và tinh thần đoàn kết của những người chiến sĩ TNXP”, bà Khải xúc động chia sẻ.

Kỷ niệm mà bà nhớ mãi là khi mới tham gia lực lượng TNXP, tháng 7-1965, bà được cử đi về phía Nam lấy dụng cụ cho đơn vị. Khi đi đến nửa cầu Đò Lèn (tỉnh Thanh Hóa), một quả tên lửa bắn ngay xuống đầu cầu, mảnh tên lửa vỡ đã văng vào đầu của bà, khiến bà bị thương và được đồng đội đưa đến bệnh viện gần đó điều trị. Đến nay, vết sẹo trên đầu bà vẫn là dấu tích còn lại của thời kỳ gian khó ấy.

Bà Lê Thị Khải (ngoài cùng, bên trái) chụp ảnh kỷ niệm cùng đồng đội khi còn trẻ. Ảnh: NVCC

Bà Lê Thị Khải (ngoài cùng, bên trái) chụp ảnh kỷ niệm cùng đồng đội khi còn trẻ. Ảnh: NVCC

Tháng 12-1969, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cựu TNXP Lê Thị Khải xuất ngũ. Đêm trước khi chia tay đơn vị, bà đã sáng tác bài hát chèo "Sáng mãi tên anh" và thể hiện ca khúc này để gửi tặng những người đồng đội. “Câu ca uống nước nhớ nguồn/ Vin cây hái quả nhớ ơn người trồng/ Nay ơn Đảng vinh quang, Bác Hồ vĩ đại/ Nhớ ơn người Liệt sĩ, Thương binh/ Các chị, các anh vì nước quên mình/ Công đức ấy ngàn năm sáng mãi/ Từ thành thị đến nông thôn, nơi biên cương miền duyên hải/ Máu anh hùng còn thắm mãi non sông/ Treo tấm gương con cháu Lạc Long/ Tô trang sử chống ngoại xâm ngời sáng…”.

Nghe xong ai cũng xúc động, không chỉ vì giai điệu sâu lắng, mộc mạc, mà còn bởi tình cảm chân thành, thiết tha của nữ TNXP Lê Thị Khải gửi gắm trong từng lời ca. Những năm tháng gian khó nơi chiến trường, tình đồng chí, đồng đội đã trở thành sợi dây gắn kết những người lính trẻ, giúp họ vượt qua mọi hiểm nguy, thiếu thốn. Giờ đây, khi phải chia xa, những ký ức ấy lại ùa về, đọng lại trong lòng mỗi người như một dấu ấn không phai mờ. Nhiều đồng đội đã không kìm nén được cảm xúc, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má, vừa là niềm tự hào về những cống hiến của mình, vừa là nỗi tiếc thương cho những đồng chí đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.

Bài hát “Sáng mãi tên anh” do bà Khải sáng tác không chỉ là lời tri ân sâu sắc đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc, mà còn là lời nhắn nhủ cho thế hệ trẻ hãy luôn ghi nhớ công lao của những người đi trước, tiếp bước họ để xây dựng và bảo vệ đất nước. Bài hát ấy, với những lời ca chứa chan cảm xúc, đã trở thành một biểu tượng của tinh thần TNXP, của lòng yêu nước và khát vọng hòa bình.

Luôn hết mình với mọi phong trào

Sau khi xuất ngũ, năm 1970, bà Khải công tác tại Phòng Tư liệu, Viện Điều tra - Quy hoạch Rừng (Bộ Lâm nghiệp). Bà được đồng nghiệp biết đến như một “cây văn nghệ” của đơn vị, bởi bà không chỉ biết sáng tác mà còn hát rất hay. Đến năm 1982, do suy giảm khả năng lao động, bà nghỉ hưu sớm, nhưng tinh thần nhiệt huyết của bà vẫn không thay đổi. Về hưu, bà tiếp tục tham gia vào các hoạt động tại địa phương như Hội Cựu TNXP, Hội Người cao tuổi, Ban Mặt trận Tổ quốc.

 Bà Lê Thị Khải (thứ 6, từ trái sang) gặp mặt đồng đội nhân kỷ niệm 45 năm thành lập đơn vị N81, thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Ảnh: NVCC

Bà Lê Thị Khải (thứ 6, từ trái sang) gặp mặt đồng đội nhân kỷ niệm 45 năm thành lập đơn vị N81, thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Ảnh: NVCC

Bà Lê Thị Khải (thứ 2, từ trái sang) tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Ảnh: NVCC

Bà Lê Thị Khải (thứ 2, từ trái sang) tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Ảnh: NVCC

Không chỉ là người tích cực tham gia các hoạt động xã hội, bà Lê Thị Khải còn là tấm gương sáng trong phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, chăm lo đời sống tinh thần cho các cựu TNXP và gia đình chính sách. Bà tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, giao lưu, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các đồng đội cũ, những người bị ảnh hưởng nặng nề sau chiến tranh.

Bằng những hoạt động đầy ý nghĩa của mình, bà đã góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết, sự quan tâm chia sẻ trong cộng đồng, xây dựng tình làng nghĩa xóm bền chặt hơn. Nhiều người trẻ trong xã đã được truyền cảm hứng từ câu chuyện và tấm lòng của bà, không ngại ngần tham gia các phong trào thiện nguyện, phong trào bảo vệ môi trường và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những năm tháng cống hiến không mệt mỏi của bà đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân xã Hoàng Diệu. Ở tuổi già, bà vẫn giữ cho mình nụ cười lạc quan và tinh thần yêu đời. Với bà, những năm tháng đã qua không chỉ là hồi ức đẹp đẽ, mà còn là nền tảng vững chắc để bà bước tiếp trong quãng đời còn lại. Những câu chuyện về thời chiến, tình đồng đội và lòng quả cảm mãi là hành trang quý giá trong cuộc đời bà.

Với những cống hiến của mình, cựu TNXP Lê Thị Khải đã nhận được nhiều giấy khen.

Với những cống hiến của mình, cựu TNXP Lê Thị Khải đã nhận được nhiều giấy khen.

Bà Lê Thị Khải được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba vì đã có công trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bà Lê Thị Khải được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba vì đã có công trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Hoàng Diệu, chia sẻ: “Bà Khải thực sự là một tấm gương sáng của những người cựu TNXP, luôn nhiệt huyết và tận tâm với mọi hoạt động vì lợi ích cộng đồng. Với tinh thần tiên phong và trách nhiệm cao, bà không chỉ thể hiện sự cống hiến trong công việc mà còn lan tỏa nguồn cảm hứng mạnh mẽ đến nhiều thế hệ trẻ trong xã. Chúng tôi tự hào vì có một Ủy viên Ban chấp hành như bà trong Hội Cựu TNXP xã Hoàng Diệu. Bà không chỉ là người lãnh đạo xuất sắc mà còn là cầu nối gắn kết mọi thành viên trong cộng đồng lại với nhau, cùng nhau hướng tới mục tiêu xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Những nỗ lực của bà Khải đã góp phần tạo nên những thay đổi tích cực, khẳng định vai trò và giá trị của TNXP trong thời kỳ đổi mới”.

Bài, ảnh: MINH HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/noi-nguoi-chien-si-tro-ve/cuu-thanh-nien-xung-phong-le-thi-khai-nguoi-het-long-voi-moi-phong-trao-799632