Cần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường

Mo Mường là di sản văn hóa quý của đồng bào dân tộc, tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội hiện đại ngày nay, nhiều hình thức văn hóa ngoại lai đã xâm nhập vào Việt Nam, khiến di sản này đang đối diện với nguy cơ mai một và biến đổi.

Mo Mường là di sản văn hóa quý của đồng bào dân tộc Mường. Đó là loại hình nghi lễ gắn liền với các nghi thức tín ngưỡng do thầy mo thực hiện. Trong các bài văn vần, thơ mo chứa nhiều câu chuyện cổ, truyền thuyết dân gian, thần thoại, sử thi. Các câu chuyện đó phản ánh lịch sử, giải thích sự vật, hiện tượng trong cuộc sống thời xa xưa. Hiện nay, Mo Mường được sử dụng chủ yếu trong các tang lễ hay nghi thức cầu sức khỏe, bình an của người Mường.

Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, di sản Mo Mường hiện nay còn tại 7 tỉnh, thành phố, trong đó có Đắk Lắk. Vừa qua, tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường của tỉnh Đắk Lắk đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tại tỉnh Đắk Lắk, có rất nhiều người Mường di cư từ các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa đến sinh sống và lập nghiệp, tập trung đông nhất ở thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Ea Kar, Krông Năng, Krông Bông và Ea H'leo. Tuy sinh sống ở Tây Nguyên nhưng người Mường vẫn duy trì và gìn giữ nhiều phong tục, tập quán, văn hóa, nghi lễ của tổ tiên, đặc biệt là Mo Mường.

Thầy mo ở xã Ea Păl (huyện Ea Kar) giới thiệu về di sản Mo Mường

Thầy mo ở xã Ea Păl (huyện Ea Kar) giới thiệu về di sản Mo Mường

Thầy mo Len Văn Huân (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) chia sẻ: "Mo Mường là phong tục, bản sắc của người Mường, cho dù vào đây sống nhiều năm nhưng tôi vẫn giữ gìn. Khi tìm hiểu về Mo Mường, mọi người sẽ thấy không chỉ có những giá trị về lịch sử, mà các bài mo còn mang ý nghĩa nhân văn, giáo dục rất cao. Như trong tang ma, khi đưa người quá cố về nơi an nghỉ, có mo "đẻ đất đẻ nước", trong phần này người chết sẽ được nghe kể chuyện về sự hình thành của vạn vật, của đất trời, của người Mường;...".

Tuy nhiên, dù có nhiều giá trị to lớn trong kho tàng văn hóa dân gian của người Mường nói riêng và người Việt nói chung nhưng di sản này đang phải đối mặt nguy cơ mai một. Một trong những nguyên nhân là hiện nay, các bài mo của người Mường được lưu truyền từ thế hệ thầy mo này qua thế hệ thầy mo khác bằng phương pháp truyền miệng và được tồn tại, duy trì thông qua các nghi lễ trong dân gian của người Mường. Chính vì vậy trong quá trình lưu truyền thì số lượng câu mo, bài mo không còn được đầy đủ như ban đầu.

Hơn nữa, với sự phát triển của xã hội hiện đại này nay, nhiều hình thức văn hóa ngoại lai đã xâm nhập vào Việt Nam, khiến di sản Mo Mường cũng đang đối diện với nguy cơ mai một và biến đổi. Sự ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa mới đã làm cho những giá trị truyền thống dần bị lu mờ, tạo ra thách thức lớn trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của di sản này.

Bên cạnh đó, thầy mo - người am hiểu phong tục, tập quán, luật lệ, là người thực hành các nghi lễ hiện ngày càng ít dần. Theo ông Nguyễn Vương Hoàng (Viện Âm nhạc Việt Nam) cho hay, khi đơn vị phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện khảo sát kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã nhận thấy số lượng các thầy mo thiếu khá nhiều, nhất là thầy mo có thể thực hiện mo trong tang ma của người Mường; các dụng cụ thực hiện trong các buổi lễ, nghi thức cũng không đầy đủ…".

Ngoài ra, trong cộng đồng người Mường, thầy mo đóng vai trò là những trí thức dân gian có uy tín trong cộng đồng. Vì vậy, để trở thành thầy mo, không chỉ cần có kiến thức sâu sắc về văn hóa Mường mà còn phải có đạo đức, uy tín và trang bị đầy đủ đạo cụ, đồ cúng mà cha ông truyền lại. Điều này dẫn đến việc số lượng người hành nghề thầy mo và có khả năng kế thừa nghề này ngày càng hạn chế.

Ông Bùi Văn Ngòi (huyện Ea H'leo) giới thiệu các hiện vật liên quan đến Mo Mường.

Ông Bùi Văn Ngòi (huyện Ea H'leo) giới thiệu các hiện vật liên quan đến Mo Mường.

Tại tỉnh Đắk Lắk, phần lớn các thầy mo đều đã trên 60 tuổi và hiện chưa có học trò nào theo học. Việc truyền dạy Mo Mường gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do tuổi tác của các thầy và sự thiếu hụt về kinh nghiệm trong phương pháp truyền đạt. Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có thầy mo nào được công nhận là nghệ nhân Mo Mường hay được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú từ Nhà nước.

Qua đó, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản Mo Mường, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng và chính quyền cần thực hiện đồng bộ các giải pháp một cách khoa học hơn. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng về giá trị của di sản này. Việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, đặc biệt thế hệ trẻ sẽ góp phần quan trọng vào việc chung tay bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Mo Mường, giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo cho các thế hệ sau.

Được biết, trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã điều tra, thống kê và đánh giá thực trạng di sản Mo Mường ở các địa phương trên địa bàn tỉnh để có giải pháp quan tâm, đầu tư đúng hướng. Qua Đó, có thể hy vọng rằng, các cấp, các ngành sẽ có cơ chế, chính sách động viên kịp thời các thầy mo uy tín trong cộng đồng, hỗ trợ về vật chất và tinh thần để họ có thêm động lực, tâm huyết gìn giữ vốn cổ của dân tộc và truyền lại đời sau…/.

H.Trang

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/can-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-phi-vat-the-mo-muong-20241014154647385.htm