Cứu thế giới khỏi nạn đói, Ấn Độ lực bất tòng tâm?
Nhiều quốc gia mới đây bày tỏ lo ngại rằng, việc Ấn Độ duy trì lệnh cấm xuất khẩu lúa mì từ hồi tháng 5 có thể đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng lương thực.
Việc Ấn Độ áp đặt 2 lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc trong những tháng qua đang gây quan ngại lớn đối với thị trường lương thực toàn cầu, trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy do cuộc chiến tại Ukraine. Quyết định hạn chế và cấm xuất khẩu với lúa mì vào tháng 5 và gạo tấm, gạo trắng vào tháng 9 của Ấn Độ được cho là có ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả trên thị trường thế giới.
Theo phía Ấn Độ, nếu không áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu với 2 mặt hàng ngũ cốc, thị trường nội địa của nước này có thể sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, giá cả lương thực leo thang, đặc biệt là lạm phát sẽ tăng vượt ngoài kiểm soát. Hậu quả sẽ là hàng triệu người nghèo sẽ bị ảnh hưởng khi bữa cơm hàng ngày của họ phải gánh chi phí cao hơn. Chính vì những tác động mang tính vĩ mô đó mà Ấn Độ ra quyết định dừng xuất khẩu lúa mì và gạo.
Đánh giá sâu hơn về các lý do mà Ấn Độ cân nhắc khi đưa ra các quyết định này, có thể thấy việc dừng xuất khẩu là hợp lý.
Thứ nhất, thời tiết không thuận lợi trong vụ mùa vừa qua đang gây ra những hệ quả ngoài dự báo với ngành nông nghiệp Ấn Độ. Lượng mưa vào mùa xuân năm nay giảm mạnh trong khi nắng nóng đến sớm và kéo dài khiến sản lượng lúa mì của nước này trong niên vụ 2021- 2022 sụt giảm khoảng 3% so với niên vụ trước đó.
Đây là lần đầu tiên sản lượng lúa mì của Ấn Độ sụt giảm kể từ niên vụ 2014 - 2015. Còn với lúa gạo, diện tích gieo trồng lúa gạo trong mùa vụ hiện tại ở Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã giảm 13%, do thiếu hụt nước tưới nghiêm trọng. Diện tích canh tác lúa giảm được ghi nhận tại hầu hết các bang trồng lúa lớn như Tây Bengal, Jharkhand, Bihar, Chhattisgarh, Uttar Pradesh, Madhya Pradesh.
Trong khi đó, lạm phát tại Ấn Độ từ đầu năm tới nay vẫn đang trên đà tăng. Trong tháng 8, chỉ số đã tăng lên 7% so với mức 6,71% của tháng 7. Nguyên nhân của chỉ số giá lạm phát tăng trong tháng vừa qua là giá cả thực phẩm tăng vọt. Chỉ số giá lạm phát hiện đã vượt qua ngưỡng chịu đựng của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ - RBI (ngân hàng trung ương) trong tháng thứ 8 liên tiếp.
Với lạm phát tăng trên 6% trong tháng thứ 8 liên tiếp, RBI đang đứng trước việc không đảm bảo được các mục tiêu điều hành lạm phát của mình là giữ lạm phát trong phạm vi 2 đến 6%. Việc giữ giá lương thực ở mức ổn định được cho là cơ sở để Ấn Độ hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Cũng cần đánh giá công bằng rằng việc Ấn Độ dừng xuất khẩu ngũ cốc sẽ không thể tác động quá nhiều đến nguồn cung cho thế giới. Ấn Độ là quốc gia sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, nhưng lại không nằm trong nhóm các nước xuất khẩu mặt hàng này lớn nhất.
Lý do là bởi mặt hàng này được chính phủ trợ giá khá cao và nhu cầu lớn của thị trường trong nước. Nước này đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 12 triệu tấn trong niên vụ 2022- 2023, đưa Ấn Độ trở thành một trong tám nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Các thị trường truyền thống của lúa mì Ấn Độ là Bangladesh, Indonesia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn về mặt hàng gạo, trong niên vụ 2021-2022, Ấn Độ xuất khẩu khoảng 3,9 triệu tấn gạo tấm, hầu hết là sang Trung Quốc. Đây là đối tượng bị dừng xuất khẩu trong đợt này. Mặt hàng này chủ yếu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi. Còn ở thị trường trong nước, việc xuất khẩu tăng khiến nguồn cung gạo tấm bị biến động, ảnh hưởng tới ngành công nghiệp sản xuất cồn ethanol cũng như thức ăn chăn nuôi.
Đánh giá khả năng Ấn Độ điều chỉnh chính sách hạn chế xuất khẩu
Để Ấn Độ có thể xem xét điều chỉnh các chính sách hạn chế xuất khẩu ngũ cốc, cần phải giải quyết hai nguyên nhân chủ chốt khiến nước này có các bước đi thận trọng. Đó là nguồn cung lương thực trong nước được đảm bảo ổn định và biến động giá nằm trong tầm kiểm soát. Cả hai yếu tố này hiện chưa có tín hiệu tích cực trong ngắn hạn.
Trước tiên là thời tiết tại khu vực Nam Á nói chung và Ấn Độ nói riêng hiện đã khó dự báo hơn, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Những năm qua, người ta chứng kiến các quy luật mùa thường xuyên bị đảo lộn, mùa Đông ngắn hơn, mưa thất thường và nắng nóng gay gắt đến sớm, cường độ mạnh. Điều này khiến năng suất của các loại ngũ cốc không ổn định.
Bài toán thứ hai liên quan tới các biến động trên thế giới thời gian gần đây. Cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra kéo theo nhiều hệ lụy như giá dầu tăng vọt, đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực trên toàn cầu, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đã tác động dây chuyền lên giá lương thực nói riêng, lạm phát nói chung.
Chính vì thế, giải bài toán này chắc chắn không phải là dễ dàng và trong thời gian vài tháng tới. Tuy nhiên, yếu tố quyết định để Ấn Độ có thể nối lại việc xuất khẩu lúa mì và lúa gạo trong thời gian tới là việc phải bình ổn được thị trường trong nước với nguồn cung dồi dào và dễ dự báo. Trong khi đó, các rủi ro từ bên ngoài như các cú sốc về giá, về nguồn cung cũng cần phải được giám sát và hạn chế chặt chẽ.
Sự thay đổi chính sách ảnh hưởng đến hình ảnh của Ấn Độ
Việc chính phủ Ấn Độ đưa ra cam kết đảm bảo nguồn cung lương thực cho thế giới vào thời điểm khi cuộc xung đột tại Ukraine mới nổ ra được cho là một cam kết đáng khen ngợi. Qua tuyên bố này, Ấn Độ muốn thể hiện vai trò là một cường quốc mới nổi, sẵn sàng tham gia, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới.
Tuy nhiên, với bất cứ quốc gia nào, không chỉ riêng với Ấn Độ, mọi đóng góp trên phương diện toàn cầu đều phải căn cứ trên tình hình thực tế tại thời điểm thực hiện và trên cơ sở các dự báo dài hạn. Ấn Độ muốn đóng góp nhưng phải trên cơ sở đảm bảo được các cân đối vĩ mô trong nước như tăng trưởng, lạm phát, giảm nghèo cho người dân.
Với dân số 1,4 tỷ người, bất cứ chính sách nào cũng tránh gây ra các cú sốc. Việc Ấn Độ dừng đột ngột việc xuất khẩu các mặt hàng ngũ cốc vì thế cần được đánh giá trên khía cạnh này. Cần phải nhắc lại rằng Ấn Độ vẫn luôn chủ trương can dự và đóng góp vào các công việc chung của thế giới dù từng rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát rất mạnh để lại nhiều hậu quả, Ấn Độ vẫn cam kết cung cấp vaccine, thuốc điều trị và vật tư y tế cho nhiều nước trên thế giới để cùng chống lại đại dịch./.