Cựu Thủ tướng Boris Johnson: Anh có thể phải gửi quân tới Ukraine

Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 12/11 nói rằng ước Anh không thể để Ukraine chịu thất bại trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga, đồng thời cho biết London còn có thể gửi quân tới Ukraine. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga phản ứng: Ông Johnson 'tiếp tục khiêu khích và kích động'.

Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Getty Images

Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Getty Images

Trả lời GB News ngày 12/11, ông Boris Johnson tuyên bố một chiến thắng của Nga tại Ukraine sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng an ninh cho Mỹ cũng như các đồng minh của nước này trên nhiều mặt trận.

Đối với vấn đề viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine, cựu Thủ tướng Anh nhận định đây là “một khoản đầu tư hợp lý” và là một cách “tốt” cho chi tiêu công. Nguyên nhân là do nếu Ukraine gặp thất bại, Anh sẽ phải bỏ ra nhiều hơn nữa trong bối cảnh “nền an ninh chung của chúng ta sẽ bị suy yếu bởi một nước Nga đe dọa khắp châu Âu”.

Cựu Thủ tướng Anh cũng đánh giá khả năng Mỹ cắt viện trợ cho Ukraine là một rủi ro tiềm ẩn, đồng thời tuyên bố một số thành viên đảng Cộng hòa thân cận với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump “có quan điểm sai lầm về Ukraine”.

Trong bối cảnh viện trợ cho Ukraine bị cắt giảm và Kiev có thể chịu thất bại, ông Boris Johnson nói rằng London có thể buộc phải triển khai quân đội đến khu vực này. "Khi đó, chúng tôi sẽ phải gửi quân đội Anh đến giúp bảo vệ Ukraine," ông nói.

Phản ứng lại các tuyên bố trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova nhận định ông Boris Johnson đang tiếp tục làm gia tăng căng thẳng với Moscow hơn 2 năm sau khi rời nhiệm sở.

Trả lời tờ Izvestia trong cùng ngày 12/11, bà nói ông Johnson “tiếp tục khiêu khích và kích động" kể cả sau khi từ chức vì đó là điều duy nhất mà ông ấy có thể làm.

Bà cũng cáo buộc ông Johnson là một trong những tiếng nói hàng đầu trong cuộc chiến trừng phạt của phương Tây chống lại Nga và đồng thời là người đã đích thân đến Ukraine để thuyết phục Kiev không đàm phán với Nga.

Theo bà, nước Anh đã tham gia vào các hoạt động chống Nga trong nhiều năm nay, trong đó bao gồm việc cung cấp dữ liệu cho Ukraine để chỉ đạo các cuộc tấn công, cử các sĩ quan tình báo để phối hợp các hành động chống lại Nga cũng như cung cấp vũ khí.

Trước đây, Nga đã từng nhiều lần tuyên bố nước này không có ý định tấn công NATO hay bất kỳ thành viên nào của khối này. Moscow cũng cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột trực diện nếu phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa cho các cuộc tấn công của Ukraine sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Ở một diễn biến khác, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu Benjamin Haddad của Pháp cũng từng tuyên bố quốc gia này không loại trừ khả năng triển khai quân đội tới Ukraine. Ông cho biết Tổng thống Emmanuel Macron "đã nói rằng chúng ta không nên loại trừ bất kỳ khả năng nào", đồng thời nhấn mạnh vào "nghĩa vụ tiếp tục hỗ trợ Ukraine" của EU.

Vào thời điểm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow sẽ coi binh sĩ từ các nước NATO là "những kẻ can thiệp" và sẽ đưa ra phản ứng tương ứng. Trong khi đó, Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga Pyotr Tolstoy tuyên bố nước Nga sẽ không bỏ qua cho "tất cả những người lính Pháp đặt chân lên đất Ukraine, tất cả những người đến đó".

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/cuu-thu-tuong-boris-johnson-anh-co-the-phai-gui-quan-toi-ukraine-35596.html