Cựu TNXP thành phố Hà Nội: Làm kinh tế giỏi, vì nghĩa tình đồng đội

Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) thành phố Hà Nội hiện có hơn 40.000 hội viên, sinh hoạt tại 557 hội cơ sở. Thực hiện phong trào 'Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi - Vì nghĩa tình đồng đội', các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tinh thần 'tự lực, tự cường', vượt khó vươn lên của các hội viên. Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội Lê Tuấn Hùng về nội dung này.

Lãnh đạo Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội thăm trang trại gia đình hội viên ở Thanh Oai.

Lãnh đạo Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội thăm trang trại gia đình hội viên ở Thanh Oai.

Phát triển kinh tế

- Sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân cho cách mạng, trở về với đời thường, các cựu thanh niên xung phong Thủ đô vẫn không ngừng nêu cao ý chí kiên cường, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, làm kinh tế giỏi. Ông có thể cho biết cụ thể về tinh thần này?

- Phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam, những năm qua, Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội đã tập hợp, củng cố xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Qua đó, động viên, cổ vũ các thế hệ cựu thanh niên xung phong Thủ đô nêu cao gương sáng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào làm kinh tế giỏi.

Từ năm 2012 đến nay, tại 30 Hội Cựu thanh niên xung phong quận, huyện, thị xã đã có hơn 2.300 hội viên tham gia phong trào giúp nhau làm kinh tế, xây dựng được 930 gia đình làm kinh tế giỏi, doanh thu khoảng 206 tỷ đồng; giải quyết lao động, việc làm cho gần 1.200 con em hội viên và gia đình khó khăn. Nhiều hội viên không chỉ chăm lo cuộc sống của gia đình và bản thân mà còn giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn khác. Nhiều tấm gương điển hình tiên tiến đã được thành phố, thành hội biểu dương khen thưởng.

- Được biết, để tạo điều kiện hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội đã xây dựng Hợp tác xã Cựu thanh niên xung phong Thủ đô từ tháng 11-2022. Mô hình này hiện nay phát triển như thế nào, thưa ông?

- Thời gian qua, Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố và các quận, huyện, thị xã đã tích cực triển khai nhiều nội dung nhằm động viên, khích lệ phát triển phong trào cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi. Tuy nhiên, các mô hình chưa có sự liên kết, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, dẫn đến trình độ kỹ thuật, công nghệ thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, hạn chế sức cạnh tranh trên thị trường.

Qua khảo sát thực tế, Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố quyết định thành lập Hợp tác xã Cựu thanh niên xung phong Thủ đô, đáp ứng mong muốn, nhu cầu của hội viên, đồng thời đặt mục tiêu xây dựng sản phẩm mang thương hiệu của thanh niên xung phong có uy tín, chất lượng, góp phần vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ hợp tác xã điểm tại huyện Đông Anh, đến nay, đã phát triển và mở rộng thành lập 5 hợp tác xã tại các quận, huyện. Bước đầu đi vào hoạt động, các hợp tác xã của thanh niên xung phong đều có triển vọng tốt.

Chăm lo cho hội viên

- Hiện nay vẫn còn có hội viên gặp khó khăn trong cuộc sống, vậy Hội có những việc làm nào để giúp đỡ họ, thưa ông?

- Chúng tôi đã đẩy mạnh hoạt động “Nghĩa tình đồng đội” nhằm động viên tinh thần, vật chất cho các cựu thanh niên xung phong. Đặc biệt, Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” toàn thành phố hiện nay đạt hơn 15 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã giúp hội viên vay vốn, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố thường xuyên vận động các tổ chức, cơ quan tài trợ nên 18 năm qua đã xây dựng được gần 200 nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 170 nhà dột nát, với số tiền hơn 8 tỷ đồng; tặng gần 900 sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Ngoài ra, đã có 200 cựu thanh niên xung phong được tặng thẻ bảo hiểm y tế… Qua đó giúp các cựu thanh niên xung phong phấn đấu, vượt lên hoàn cảnh để sống khỏe, sống vui, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang trăn trở về một số trường hợp mất giấy tờ gốc không chứng minh được mình là thanh niên xung phong. Một số trường hợp, đơn vị cũ không còn, không thể hỗ trợ giải quyết làm chính sách. Chúng tôi đang tìm cách tháo gỡ, bảo đảm hội viên được hưởng đầy đủ quyền lợi, chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Vậy ông có thể cho biết, Hội có các hoạt động gì để hoàn thành chương trình nhiệm vụ công tác năm 2023?

- Từ nay đến cuối năm, các tổ chức Hội sẽ có các hoạt động nổi bật vào dịp kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2023) và kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023). Các đơn vị sẽ phối hợp với tổ chức Đoàn cơ sở tuyên truyền giáo dục truyền thống của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam. Tùy theo từng đơn vị, có thể gắn với sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, biểu dương khen thưởng gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua…

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo và triển khai phong trào thi đua xây dựng cụm gia đình cựu thanh niên xung phong phát triển kinh tế, góp phần xóa hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống; tiếp tục nhân rộng mô hình hợp tác xã để tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm của thanh niên xung phong. Bên cạnh đó, Hội sẽ đẩy mạnh các hoạt động “Nghĩa tình đồng đội”; phát huy vai trò nhân chứng lịch sử, tham mưu giúp chính quyền các cấp giải quyết tồn đọng chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; vận dụng tư tưởng “Trường học lớn thanh niên xung phong” của Bác Hồ, vào việc thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cuu-tnxp-thanh-pho-ha-noi-lam-kinh-te-gioi-vi-nghia-tinh-dong-doi-625387.html