Cựu Tổng giám đốc Coma18 bị phạt 8 năm tù
Đánh giá cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Coma18 (Coma18) có vai trò chủ mưu, chỉ đạo các cá nhân khác thực hiện dẫn đến sai phạm thất thoát tài sản nhà nước, Hội đồng Xét xử đã tuyên phạt bị cáo này mức án 8 năm tù.
Sau 2 lần tạm hoãn, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, liên quan tới việc chuyển nhượng đất trái quy định tại Dự án VP6 Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội).
Bị cáo Lê Văn Khương, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) bị đưa ra xét xử về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; bị cáo Lê Huy Lân, cựu Tổng giám đốc Coma18 và Nguyễn Xuân Phong, cựu Phó tổng giám đốc Coma18 bị đưa ra xét xử về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
“Núp bóng” hợp tác đầu tư để chuyển nhượng dự án
Khai báo tại tòa, bị cáo Lê Huy Lân trình bày, năm 2013, khi Coma18 được giao thực hiện Dự án VP6 Linh Đàm, thị trường bất động sản khó khăn, Công ty không đủ tiềm lực để thực hiện Dự án. Bị cáo cho rằng, nếu báo cáo TP. Hà Nội, có nguy cơ bị thu hồi, đồng nghĩa toàn bộ số vốn mà Công ty đã đầu tư sẽ bị thu hồi. Tiền đó là vốn của Nhà nước, do đó bị cáo đã tìm cách xoay xở tháo gỡ, tìm các doanh nghiệp đủ tiềm lực kinh tế để đặt vấn đề hợp tác đầu tư kinh doanh.
Theo bị cáo Lân, quy định của Hà Nội nói rõ, không được phép chuyển nhượng nếu không có sự phê duyệt của Thành phố, chứ không nói là cấm chuyển nhượng, nghĩa là, nếu đủ điều kiện, thì vẫn được cho phép. Từ đó, bị cáo khẳng định, việc ký hợp đồng hợp tác với Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên là để hợp tác đầu tư, chứ không có ý định chuyển nhượng Dự án như cáo buộc của Viện Kiểm sát.
Trước câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát, tại sao hợp tác phát triển Dự án, hưởng lợi theo vốn góp, nhưng Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên lại hưởng lợi 100%, bị cáo Lân nói rằng, do kế toán “hạch toán sổ sách nhầm”.
Tại phần xét hỏi, bị cáo Lê Văn Khương cũng trình bày những khó khăn của doanh nghiệp nhà nước trong thời điểm khó khăn chung của thị trường bất động sản và thiếu kinh nghiệm về mảng này. Theo bị cáo Khương, thời điểm năm 2013, khi về làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Coma, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất được Bộ Xây dựng giao là thoái vốn nhà nước tại các dự án ngoài ngành.
Cựu Chủ tịch Coma nói, khi đồng ý chủ trương hợp tác đầu tư, nội dung Nghị quyết mà ông ký đã rất chặt chẽ, trong đó ràng buộc, chỉ được xây đúng 25 tầng và chỉ được chuyển nhượng khi đủ điều kiện. Tuy nhiên, do quá tin tưởng cấp dưới, nên mới có sai phạm.
Bị cáo cũng cho rằng, có 4 thành viên Hội đồng Thành viên Coma đã biểu quyết thông qua, do đó với vai trò là người thứ 5, giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên, thì chữ ký của mình chỉ thay mặt các thành viên khác. Theo quy định, thì quyền và trách nhiệm của các thành viên là như nhau, song bản thân bị cáo phải chịu trách nhiệm người đứng đầu.
Về số tiền “khắc phục hậu quả của vụ án”
Theo đánh giá của Viện Kiểm sát, trong vụ án, cả 3 bị cáo đều là những người có chức vụ, quyền hạn. Trong đó, bị cáo Lân là người đưa ra chủ trương và trực tiếp chỉ đạo các hành vi. Bị cáo Phong bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức; còn bị cáo Khương đã quản lý không nghiêm, dẫn đến doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản (Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên) xây dựng Dự án sai quy định và bán cho khách hàng mà không biết.
Bị cáo Lân tuy không thừa nhận bản chất hợp tác kinh doanh là chuyển nhượng dự án, nhưng vẫn thành khẩn khai báo các tình tiết khác của vụ án. Do đó, đại diện Viện Kiểm sát đánh giá, bị cáo vẫn được xem xét tình tiết này để giảm nhẹ hình phạt.
Trình bày phần bào chữa cho bị cáo Lê Huy Lân, luật sư Trương Quốc Hòe cho biết, năm 2016, sau khi Thanh tra TP. Hà Nội tiến hành thanh tra Dự án, đã phát hiện một số sai phạm, qua đó kiến nghị Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên nộp gần 75 tỷ đồng tiền sử dụng đất tạm tính vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của cơ quan thanh tra.
Tháng 6/2016, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã nộp hơn 37 tỷ đồng và tháng 2/2018 đã nộp gần 27 tỷ đồng vào tài khoản trên. Tuy nhiên, số tiền này hiện vẫn bị “treo” tại tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra, mà không được nộp vào ngân sách nhà nước.
Sau khi khởi tố vụ án và cơ quan giám định xác định giá trị tiền sử dụng đất tại thời điểm tháng 7/2013 là 64,339 tỷ đồng, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên tiếp tục nộp số tiền 64 tỷ đồng với nội dung “khắc phục hậu quả của vụ án”; còn lại chưa nộp hơn 339 triệu đồng.
Luật sư Hòe cho rằng, cuối năm 2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội mới khởi tố vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”. Nếu cơ quan thanh tra không “treo” số tiền các đơn vị liên quan đã nộp, thì vụ án này đã không được xác định là có hậu quả.
Luật sư cũng đề nghị Hội đồng Xét xử có công văn kiến nghị xử lý số tiền đang nằm ở Chi cục Thuế quận Hoàng Mai và Thanh tra TP. Hà Nội sang Cục Thi hành án dân sự để nộp tiền sử dụng đất đã được xác định còn thiếu trong vụ án.
Sau khi xem xét hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo, người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan tại tòa, Hội đồng Xét xử đã quyết định tuyên phạt bị cáo Lê Huy Lân 8 năm tù; bị cáo Nguyễn Xuân Phong 5 năm tù; bị cáo Đoàn Văn Khương 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo.
Về trách nhiệm dân sự, do bị cáo Khương đã nộp khắc phục 100 triệu đồng, nên Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên còn phải nộp 239 triệu đồng tiền sử dụng đất.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cuu-tong-giam-doc-coma18-bi-phat-8-nam-tu-d222141.html