Cứu trợ động đất: Việt Nam triển khai hơn 100 cán bộ chiến sĩ sang Myanmar
Trước mắt, Việt Nam đang khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị để viện trợ cho Myanmar nhiều hàng hóa, vật tư thiết yếu, đồng thời triển khai hơn 100 cán bộ chiến sĩ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam sang Myanmar để tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, dự kiến ngay trong ngày 30/3.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã có cuộc họp khẩn theo hình thức trực tuyến để bàn về công tác khắc phục hậu quả trận động đất tại Myanmar và Thái Lan - Ảnh BNG
Sáng 30/3, theo đề nghị của Malaysia, nước Chủ tịch ASEAN 2025, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã có cuộc họp khẩn theo hình thức trực tuyến để bàn về công tác khắc phục hậu quả trận động đất xảy ra ngày 28/3 tại Myanmar và Thái Lan.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao và đại diện các nước thành viên ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Timor Leste, Tổng thư ký ASEAN và Giám đốc điều hành Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo (Trung tâm AHA). Được sự ủy quyền của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam, đã tham dự Hội nghị.
Hội nghị đã nghe Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan và Myanmar thông tin cập nhật về tình hình thiệt hại sau trận động đất. Trong đó, riêng tại Myanmar, theo các thống kê chính thức tính tới sáng ngày 30/3, đã có 1.644 người thiệt mạng, hàng trăm tòa nhà, cơ sở hạ tầng bị đổ sập hoặc hư hại nghiêm trọng, trong đó có nhiều bệnh viện, công trình hạ tầng, tòa nhà văn phòng… Ngay trụ sở Bộ Ngoại giao Myanmar ở Nay Pyi Taw cũng bị hư hại và mất an toàn, buộc cán bộ phải chuyển ra làm việc ở ngoài trời.
Cảm thông và chia buồn sâu sắc với Myanmar và Thái Lan, các nước ASEAN khẳng định mạnh mẽ tình đoàn kết, cam kết sát cánh với Myanmar và Thái Lan trong công tác khắc phục và giảm nhẹ những hậu quả, thiệt hại và phục hồi sau thảm họa. Một số nước ASEAN thông báo đã hoặc có kế hoạch gửi viện trợ nhân đạo và các đội cứu hộ sang Myanmar để tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định Việt Nam sẽ sát cánh cùng hai nước Myanmar và Thái Lan để vượt qua những khó khăn hiện nay - Ảnh BNG
Trong khuôn khổ ASEAN, các nước nhất trí cần phát huy hiệu quả các cơ chế ứng phó khẩn cấp trong ASEAN, nhất là vai trò của Trung tâm AHA và Tổng thư ký ASEAN trong điều phối các hoạt động cứu trợ cả từ trong và ngoài khu vực, cũng như huy động thêm nguồn lực và viện trợ từ cộng đồng quốc tế.
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng thư ký ASEAN và Giám đốc điều hành Trung tâm AHA cho biết sau khi động đất xảy ra, ASEAN đã ngay lập tức triển khai nhiều cơ chế, biện pháp hỗ trợ ban đầu, trong đó có việc kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp, cử đội chuyên gia tới Myanmar để trực tiếp đánh giá tình hình, và sẵn sàng các mặt hàng viện trợ thiết yếu từ các kho dự trữ trong khu vực để chuyển tới Myanmar…
Nhân dịp này, nhiều nước ASEAN đã lên tiếng kêu gọi các bên ở Myanmar ngừng các hành động bạo lực, tạo thuận lợi cho công tác cứu trợ, trong đó bảo đảm viện trợ nhân đạo được vận chuyển an toàn tới những nơi bị ảnh hưởng, qua đó tạo cơ sở tiến tới đối thoại và hòa giải để tập trung cho công cuộc phục hồi và tái thiết đất nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã chuyển lời chia buồn sâu sắc của Chính phủ và nhân dân Việt Nam tới Thái Lan và Myanmar, khẳng định Việt Nam sẽ sát cánh cùng hai nước để vượt qua những khó khăn hiện nay. Trước mắt, Việt Nam đang khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị để viện trợ cho Myanmar nhiều hàng hóa, vật tư thiết yếu, đồng thời triển khai hơn 100 cán bộ chiến sĩ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam sang Myanmar để tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, dự kiến ngay trong ngày 30/3.
Với ASEAN, Thứ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần khẳng định vai trò trung tâm trong điều phối các nỗ lực đặc biệt khi có khó khăn, thách thức; theo đó, ASEAN cần phát huy và tận dụng hiệu quả các cơ chế, công cụ sẵn có, nhất là Trung tâm AHA và Tổng thư ký ASEAN, nhằm huy động và điều phối hữu hiệu các nguồn lực, gồm cả của ASEAN và các đối tác, qua đó hỗ trợ cho công tác khắc phục và phục hồi sau thảm họa. ASEAN cũng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Myanmar để xây dựng kế hoạch phục hồi và tái thiết về lâu dài.
Nhân dịp này, Thứ trưởng cũng kêu gọi các bên ở Myanmar cùng có trách nhiệm trong việc bảo đảm công tác viện trợ nhân đạo diễn ra an toàn, không bị cản trở và đến được với mọi người dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, đây cũng có thể là cơ hội để các bên ở Myanmar cùng chấm dứt mọi hành động bạo lực, gác lại bất đồng, qua đó chung tay tham gia công tác cứu trợ, hướng tới công cuộc phục hồi và tái thiết đất nước, mang lại hòa bình, ổn định và phát triển cho nhân dân Myanmar./.
Theo báo cáo cuối ngày 29/3 từ giới chức Myanmar, số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất mạnh xảy ra trưa 28/3 tại nước này đã tăng lên 1.644 người, gần 2.400 người bị thương. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm 30 người mất tích tại thành phố Mandalay, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Các chuyên gia cảnh báo rằng Myanmar có thể còn phải đối mặt với nhiều trận động đất và dư chấn mạnh trong thời gian tới. Các mô hình dự báo thảm họa cho thấy con số thương vong có thể lên đến hàng chục nghìn người.
Những con số báo cáo nêu trên chỉ là sơ bộ khi hệ thống liên lạc tại nhiều địa phương bị tê liệt do cơ sở hạ tầng bị phá hủy hoàn toàn trong thảm họa động đất.
Chịu ảnh hưởng của trận động đất này, thủ đô Bangkok của Thái Lan, cách tâm chấn hơn 1.000 km, đã xác nhận có 10 người thiệt mạng, trong đó phần lớn nạn nhân là công nhân bị chôn vùi trong đống đổ nát của tòa nhà cao 30 tầng đang được xây dựng bị đổ sập.
Báo cáo của Cục Phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai (DDPM) của Thái Lan chiều 29/3 cho thấy Thái Lan ghi nhận thiệt hại tại 13 tỉnh và nước này cũng đang nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân tại khu vực vị ảnh hưởng. Thái Lan ghi nhận hiện tượng rung lắc tại 57 tỉnh trải dài từ Bắc đến Nam, trong đó có vùng đô thị Bangkok ở miền Trung. Cơ quan chức năng nước này ghi nhận tổng cộng có 56 dư chấn có cường độ từ 2,8 đến 7,1.
Tham khảo thêm