Cựu Trưởng phòng Cục An ninh điều tra nhận tiền của các bị can trong vụ án 'chuyến bay giải cứu'
Trong vụ án chuyến bay giải cứu, cựu Trưởng phòng Điều tra Cục An ninh điều tra Bộ Công an đã nhận tiền của các đối tượng nhờ lo lót để không bị xử lý hình sự.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu", đề nghị truy tố các bị can về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong số này có bị can Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng Phòng Điều tra Cục An ninh điều tra Bộ Công an, đồng thời là điều tra viên thụ lý chính đối với vụ án “chuyến bay giải cứu”.
Cơ quan điều tra xác định, giai đoạn giữ chức Trưởng phòng Phòng Điều tra, Hoàng Văn Hưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần liên hệ trao đổi thông tin điều tra vụ án với người không có trách nhiệm liên quan là bị can Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó giám đốc Công an Hà Nội.
Bị can đã thông tin cho ông Nguyễn Anh Tuấn về việc điều tra, xử lý đối với đối tượng điều tra là Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng giám đốc Công ty Bluesky và Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Bluesky.
Từ tháng 1-2022 đến tháng 12-2022, ông Tuấn đã làm trung gian liên hệ, gặp gỡ, tác động, đưa tiền cho Hoàng Văn Hưng để “lo” cho Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự.
Được sự nhờ vả từ ông Tuấn, Hưng đã gặp gỡ Nguyễn Thị Thanh Hằng ngoài trụ sở làm việc, không báo cáo với lãnh đạo có thẩm quyền; hướng dẫn cách thức khai báo khi làm việc với điều tra viên.
Sau này, mặc dù có thực hiện hành vi phạm tội nhưng Hằng đã tự thú trước khi bị phát giác. Còn Sơn không bị xử lý hình sự do không có liên quan.
Dù không có đủ tài liệu chứng cứ kết luận Hoàng Văn Hưng đã nhận tiền trong giai đoạn này nhưng Cơ quan an ninh điều tra coi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” là tình tiết tăng nặng khi truy tố đối với Hoàng Văn Hưng.
Về tội lừa đảo, giai đoạn sau này, ông Hưng bị điều chuyển công tác từ vị trí Trưởng phòng Phòng Điều tra sang Trưởng phòng Phòng Chính trị Hậu cần, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an. Mặc dù vậy, Hưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nắm được một số thông tin liên quan đến vụ án.
Bị can nắm được thông tin Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cử hai điều tra viên vào TP.HCM và cung cấp cho Hằng, Tuấn để tạo niềm tin. Sau đó, nhiều lần trao đổi với bị can Tuấn về việc “lo” cho Hằng, Sơn không bị xử lý hình sự.
Thời gian này, ông Hưng tiếp tục gặp Hằng, hướng dẫn cách thức khai báo; đưa ra những lý do không đúng thực tế như chi tiền cho các cá nhân ở VKS, Cơ quan điều tra và Cục Nghiệp vụ Bộ Công an để các đơn vị, cá nhân có liên quan ủng hộ quan điểm không xử lý hình sự đối với Hằng, Sơn.
Ông Hưng vẫn nói rằng mình “kiểm soát được tình hình”, vẫn chỉ đạo điều tra và trực tiếp báo cáo đề xuất chủ trương xử lý vụ án.
Về số tiền, ông Tuấn thừa nhận đã cầm hơn 2,6 triệu USD từ Nguyễn Thị Thanh Hằng để lo lót. Ông Tuấn khai đã đưa cho Hoàng Văn Hưng 1,8 triệu USD. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định chỉ có căn cứ chứng minh Hưng đã nhận 800.000 USD.
Trên cơ sở này, cơ quan điều tra đề nghị truy tố bị can Hoàng Văn Hưng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Còn ông Tuấn bị đề nghị truy tố về tội môi giới hối lộ với số tiền hơn 2,6 triệu USD, tương đương gần 62 tỉ đồng. Trong đó, ông Tuấn phải chịu trách nhiệm 1,8 triệu USD, tương đương gần 43 tỉ đồng.
Theo Kết luận điều tra, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng cả trong, ngoài nước.
Hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng.
Các bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, vì mục đích lợi nhuận, vụ lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan, tổ chức và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.