Czech: Biểu tình lớn nhất từ sau 'Cách mạng Nhung' năm 1989
Theo các nhà tổ chức, vào lúc 16h30' ngày 23/6 (giờ địa phương), tại Công viên Ledna ở thủ đô Praha của Czech, khoảng 250.000 người đã bắt đầu cuộc biểu tình với khẩu hiệu vì sự độc lập của ngành tư pháp và phản đối Thủ tướng Andrej Babiš.
Nổ ra biểu tình lớn tại Czech. (Nguồn: AFP)
Đây được cho là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ sau “Cách mạng Nhung” năm 1989.
Các cuộc biểu tình diễn ra tại nhiều thành phố lớn của Czech từ đầu tháng 5/2019 đến nay nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng Babiš từ chức đều do tổ chức xã hội dân sự “Triệu khoảnh khắc vì dân chủ - MMD” (Million Moments for Democality) tổ chức, ban đầu chỉ thu hút khoảng vài trăm đến vài nghìn người. Đáng chú ý là cuộc biểu tình ngày 4/6 tại Praha với sự tham dự của khoảng 100.000 - 120.000 người.
Biểu tình bùng phát lan rộng, nhất là sau việc bổ nhiệm bà Marie Benešová, Trợ lý của Tổng thống Miloš Zeman, làm Bộ trưởng Tư pháp vào đầu tháng 5 vừa qua. Động thái này diễn ra ngay sau khi cảnh sát Czech kiến nghị tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự đối với Thủ tướng Babiš vào cuối tháng 4/2019, kèm theo cáo buộc sử dụng sai mục đích tiền trợ cấp của Liên minh châu Âu (EU) dành cho dự án Tổ cò (Časopis). Việc bổ nhiệm này bị cho là đã can thiệp vào tính độc lập của ngành tư pháp nhằm ngăn cản việc đưa Thủ tướng ra truy tố.
Từ đầu tháng này, các cuộc biểu tình bắt đầu bùng phát với quy mô ngày càng lớn sau khi kết quả kiểm toán sơ bộ của EU cho rằng Thủ tướng Babis đã có xung đột lợi ích và phải hoàn lại số tiền EU đã trợ cấp cho Séc.
Biểu tình do MMD tổ chức nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của một bộ phận tầng lớp thanh niên, trong khi các đảng đối lập yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Babis.
Hiện tại, phong trào ANO của Thủ tướng Babiš vẫn nhận được sự ủng hộ lớn hơn so với các đảng phái khác, nhất là của tầng lớp bình dân và người già. ANO đã giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử bầu cử địa phương năm 2018 và gần đây nhất là Nghị viện châu Âu tháng 5/2019.