Đà Bắc tiếp thêm sức mạnh cho người nghèo vươn lên
Nhờ khai thác hiệu quả 'đòn bẩy kinh tế', các mô hình sinh kế phù hợp từ chương trình giảm nghèo năm 2024, Đà Bắc tiếp thêm sức mạnh cho người dân trên hành trình giảm nghèo bền vững, đa chiều, bảo đảm 'không để ai bị bỏ lại phía sau'.
Địa hình chia cắt, giao thông còn nhiều khó khăn, Đà Bắc (Hòa Bình) là 1 trong 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025.
Theo kết quả điều tra, rà soát năm 2023, toàn huyện vùng cao này có 3.796 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 25,77% và 3.624 hộ cận nghèo, chiếm 24,61% dân số. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29,8 triệu đồng (năm 2021) lên 41,3 triệu đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 62%.
Thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án khác năm 2024 là nền tảng để huyện đạt mục tiêu thoát khỏi tình trạng huyện nghèo đặc biệt khó khăn vào năm 2025.
Theo quan điểm của huyện Đà Bắc, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên cơ sở tiếp cận đa chiều, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, hạn chế tái nghèo, là biện pháp đắc lực góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo kế hoạch, tổng vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2024 là 150 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển trên 82 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 67 tỷ đồng.
Hiện huyện Đà Bắc đang triển khai một số chương trình phát triển mô hình giảm nghèo, thực hiện 14 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Năm 2024, huyện tiếp tục thực hiện 11 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, gồm: 4 mô hình chăn nuôi bò sinh sản, 4 mô hình chăn nuôi dê sinh sản, 3 mô hình trồng cây gai xanh. Đây là những mô hình đã và đang thực hiện từ năm 2022. Tổng cộng, 215 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện đang triển khai các mô hình này. Huyện cũng tiếp tục thực hiện 5 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông nghiệp, với 110 hộ tham gia các mô hình.
Gia đình ông Đinh Văn Mẹo, ở xóm Lập Sơn, xã Cao Sơn, Đà Bắc là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế nuôi dê sinh sản có chuồng trại và khu chăn nuôi tập trung. Nhóm của ông Mẹo có 4 nhà, đều là hộ nghèo ở cùng thôn, được cấp 12 con dê để nuôi chung. Dê là loại dễ nuôi, nguồn thức ăn đa dạng, dễ tìm kiếm, nên chóng lớn lại đẻ nhiều nên đàn dê của gia đình tăng số lượng nhanh chóng.
Những kết quả bước đầu của mô hình tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ và khơi dậy động lực thoát nghèo cho nhân dân. Tổng cộng, mô hình nuôi dê sinh sản được triển khai cho 20 hộ dân trong xã Cao Sơn, hầu hết là người nghèo và cận nghèo. Không chỉ được cấp giống, các hộ còn được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, vật tư làm chuồng trại, thức ăn ban đầu, thuốc thú y… Cán bộ của tiểu dự án theo sát từng hộ dân để hướng dẫn cách phòng bệnh, chăm sóc dê.
Để tiếp sức, trợ lực hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, năm 2024, xã Cao Sơn tiếp tục xây dựng mô hình chăn nuôi dê tập trung, lựa chọn những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chí thú làm ăn, nhiệt tình và tích cực tham gia vào hoạt động sản xuất, để hỗ trợ.
Chăm lo nhà ở cho người nghèo, năm 2024, huyện dự kiến xây mới 380 hộ, sửa chữa là 230 hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí từ nhà nước là hơn 19 tỷ đồng. Số còn lại, huyện tiếp tục đề nghị UBND các xã có các hộ được phê duyệt sửa chữa, xây mới hỗ trợ vận động các hộ dân làm trong năm.
Lãnh đạo huyện Đà Bắc cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị trong huyện đảm bảo 100% số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được hỗ trợ bảo hiểm y tế và được hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh theo quy định.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, huyện nghèo Đà Bắc nỗ lực thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Nhờ khai thác hiệu quả "đòn bẩy kinh tế" là tín dụng chính sách xã hội, huyện Đà Bắc tiếp thêm sức mạnh cho người dân trên hành trình giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau".
Đánh giá cao hiệu quả chương trình giảm nghèo mang lại hiệu quả đa chiều, lãnh đạo huyện Đà Bắc cũng cho rằng tiến độ thực hiện chương trình còn chậm, việc bố trí kinh phí 10% tổng ngân sách Trung ương trong năm hỗ trợ thực hiện chương trình của huyện gặp nhiều khó khăn.
Đà Bắc là huyện nghèo, việc huy động nguồn lực tại chỗ để giảm nghèo bền vững còn khó khăn. Huyện kiến nghị Trung ương ưu tiên phân bổ tăng nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Trong đó, huyện đề nghị tăng mức hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để phù hợp thực tế, với mức hỗ trợ làm mới 50 triệu đồng, sửa chữa 25 triệu đồng/nhà.