Đã bị tịnh thân, tại sao hoạn quan Trung Hoa vẫn muốn lấy vợ lớn vợ bé? Lời kể về hoạn quan Thanh triều giúp nhiều người mở mang tầm mắt
Hẳn rất nhiều người tò mò về chuyện yêu đương cũng như đời sống hôn nhân của các thái giám Trung Hoa xưa.
Dưới sự thống trị của chế độ phong kiến Trung Hoa cổ đại, bên cạnh hoàng đế tồn tại có một nhóm người đặc biệt. Họ là nhóm người tiêu biểu nhất của chế độ phong kiến. Những người ấy là hoạn quan, cũng tức là thái giám.
Ngay từ thời Hạ - Thương, chức vụ hoạn quan đã được ra đời, mãi cho tới khi vương triều Thanh kết thúc, bóng dáng của hoạn quan mới biến mất trong lịch sử, từ đó có thể thấy chức quan này tồn tại lâu ra sao.
Nhắc tới hoạn quan, có lẽ phần lớn chúng ta đều cảm thấy chỉ người đã bị thiến mới có tư cách đảm nhiệm chức vụ hoạn quan, nhưng thực tế thật ra không phải như vậy.
Vào giai đoạn đầu, hoạn quan không cần bị thiến vẫn được đảm nhiệm chức vụ. Quy định để người đã bị thiến làm hoạn quan tới tận thời Đông Hán mới có. Câu chuyện hoạn quan Lao Ái tư thông với Tần Thái hậu (mẹ ruột của Tần Thủy Hoàng) thời Xuân Thu - Chiến Quốc đã đủ để chứng minh điều này.
Trong lịch sử Trung Quốc, hình ảnh của hoạn quan có thể bắt gặp ở mọi nơi. Thậm chí, bất chấp dòng chảy của lịch sử, cái tên của rất nhiều hoạn quan vẫn không thể xóa mờ trong tâm trí của người đời.
Trong số những hoạn quan ấy, có người được lưu danh sử sách, ví dụ như Tư Mã Thiên - người đã viết nên "Sử ký Tư Mã Thiên" nổi tiếng, Thái Luân phát minh ra công nghệ làm giấy. Có những người để lại tiếng xấu muôn đời, giống như Triệu Cao của nhà Tần, kẻ đã ép con trưởng của Tần Thủy Hoàng phải chết, cơ nghiệp của nhà Tần đã bị hủy hoại trong tay ông ta.
Nhắc tới hoạn quan, hôn nhân của họ cũng là đề tài nói chuyện lúc trà dư tửu hậu của rất nhiều người. Người ta thắc mắc liệu hoạn quan có được lấy vợ không? Hôn nhân có hạnh phúc không?
Hoạn quan lấy vợ là chuyện không hiếm
Từ xưa tới nay, trường hợp hoạn quan kết hôn không hề ít, ghi chép sớm nhất về việc hoạn quan kết hôn là vào thời kỳ Đông Hán.
Căn cứ theo ghi chép của nhà sử học, Đông Hán, Đường và Minh là ba thời kỳ chịu ảnh hưởng lớn nhất của hoạn quan. Trong số đó, căn theo ghi chép trong sách sử, chúng ta được biết rằng, ngay từ thời Hán Thành Đế, việc hoạn quan lấy vợ đã rất phổ biến.
Đến thời Hán Hoàn Đế, những hoạn quan như Đan Siêu, Đường Hoành, Từ Hoàng được phong làm Ngũ hầu, họ cũng công khai lấy vợ. Từ đó có thể thấy, vào thời nhà Hán, việc hoạn quan lấy vợ đã vô cùng phổ biến.
Vào thời nhà Đường, hoạn quan càng gây hại, không những sống xa hoa lãng phí, còn chọn dùng người thân của mình vào việc công.
Ở giai đoạn sau ở nhà Đường, bởi hoàng đế quá mức ngu dốt, bỏ bê triều chính, khiến hoạn quan nắm được quyền thế, vậy nên hoạn quan không những ngang nhiên lấy vợ, còn cố tình nâng đỡ nhà vợ.
Vào thời Đường Huyền Tông, hiện tượng này khá rõ ràng. Khi ấy, hoạn quan Cao Lực Sĩ rất được hoàng đế sủng ái. Sau khi lấy con gái một quan nhỏ phụ trách văn thư tên là Lã Huyền Ngộ, Cao Lực Sĩ bắt đầu cất nhắc cha vợ mình một cách trắng trợn, đề bạt ông ta làm Thiếu khanh. Khi mẹ vợ của Cao Lực Sĩ qua đời, lễ tang cũng muôn phần long trọng.
Các quan lớn trong triều ào ào đích thân tới chia buồn, cảnh tượng hết sức rầm rộ, từ đó có thể thấy được địa vị của hoạn quan vào thời nhà Đường cao tới mức nào.
Mãi cho tới thời nhà Tống, hiện tượng hoạn quan lấy vợ mới giảm thiểu rõ ràng, bởi vì vào thời nhà Tống, hoàng đế đã rút ra bài học kinh nghiệm từ việc hoạn quan gây hại trong giai đoạn cuối nhà Đường, cho nên đã tăng cường quản lý đối với hoạn quan, mặc dù vẫn có một số hoạn quan lấy vợ, thế nhưng số lượng rất ít, gần như không có ghi chép trong sử sách.
Thế nhưng thời nhà Minh, tình trạng hoạn quan lộng quyền diễn ra vô cùng nghiêm trọng, vì thế hoạn quan lấy vợ đã là chuyện thường tình. Vào giai đoạn đầu của nhà Minh, Minh Thái Tổ có quy định rõ ràng rằng hoạn quan không được lấy vợ, nếu như có người vi phạm, sẽ phải chịu hình phạt lột da.
Thế nhưng tới thời Minh Thành Tổ, bởi vua hết sức sủng ái hoạn quan, cho nên những quy định này cũng dần bị coi nhẹ. Căn cứ theo ghi chép, giai đoạn này đã có rất nhiều hoạn quan lấy vợ, có trường hợp Hoàng đế ban thưởng cho hoạn quan, cũng có trường hợp là do cung nữ và hoạn quan cùng sống trong hoàng cung lâu ngày nên nảy sinh tình cảm, đa số những cung nữ này sau khi được xuất cung cũng đều gả cho những thái giám ấy.
Ở Trung Quốc có cụm từ "đối thực" dùng để chỉ chuyện vợ chồng giữa cung nữ và thám giám (ban đầu dùng để mô tả hành vi đồng tính luyến ái nữ giữa các cung nữ).
Tới thời nhà Thanh, vào giai đoạn đầu, bởi quy định vô cùng nghiêm khắc, thế nên chuyện hoạn quan lấy vợ rất hiếm thấy, nhưng tới giai đoạn giữa và sau đã xuất hiện rất nhiều hoạn quan lấy vợ nuôi con.
Theo lời kể của một thái giám tên Tôn Diệu Đình, ông nói rằng ở trong hoàng cung (thời nhà Thanh), gần như mỗi một thái giám đều sẽ có nhân tình, ai không có nhân tình sẽ bị chê cười.
Từ đó có thể thấy, vào giai đoạn cuối của nhà Thanh, chuyện thái giám lấy vợ cũng hết sức phổ biến.
Hoạn quan đã là người bị thiến, tại sao họ vẫn muốn lấy vợ lớn vợ bé?
Thật ra việc này có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, khi thái giám vào cung, ở trong hoàng cung, họ đã cắt đứt liên lạc với gia đình trước kia của mình. Trong hoàng cung rộng lớn, không có người thân, chẳng có bạn bè, họ cũng cần có người bầu bạn.
Thứ hai, tuy rằng thái giám đã bị thiến, nhưng cũng có người thiến chưa hoàn toàn, thế nên họ vẫn muốn lấy vợ.
Thứ ba, một số thái giám sau khi bị thiến, tâm lý trở nên tiêu cực. Sau khi những người này lấy vợ, họ dồn hết những tổn thương mình đã từng phải chịu đựng lên người vợ của mình, nhờ đó thỏa mãn ham muốn biến thái của bản thân.