Đã chậm tiến độ, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu còn đội vốn 3.600 tỷ
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư nhưng đang 'nổi tiếng' theo cách không dự án nào mong muốn.
Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội về việc tăng mức đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong đó, dự án thành phần một tăng hơn 1.195 tỷ đồng; dự án thành phần hai tăng gần 1.490 tỷ đồng; dự án thành phần ba tăng hơn 989 tỷ đồng.
Như vậy, tổng vốn tăng thêm của cao tốc Biên Hòa – Đồng Nai là 3.670 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư của dự án này lên tới gần 21.500 tỷ đồng. Trước đó dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến dự án cao tốc Biên Hòa – Đồng Nai bị đội vốn được cho là do chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB). Báo cáo của các địa phương cho thấy chi phí GPMB ở các dự án thành phần của tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng khoảng 3.674 tỷ đồng so với mức đã được phê duyệt. Mà nguyên nhân chính khiến chi phí GPMB tăng lại được cho là do địa phương phê duyệt đơn giá đền bù chậm, chi phí bồi thường tăng lên.
Cũng bởi GPMB chậm mà cao tốc Biên Hòa – Đồng Nai trước đó đã “nổi tiếng” với việc chậm tiến độ. Dự án này khởi công ngày 18/6/2023 và dự kiến sẽ đưa vào khai thác vào năm 2025. Tuy nhiên, sau gần ba tháng khởi công, tiến độ dự án đang triển khai rất chậm. Công tác bàn giao mặt bằng tại tỉnh Đồng Nai vẫn không chuyển biến. Đặc biệt, việc xây dựng khu tái định cư cho người dân vẫn còn dang dở.
Theo báo cáo của địa phương, công tác bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Biên Hòa – Đồng Nai chậm so với tiến độ yêu cầu. Chỉ có dự án thành phần ba mặt bằng bàn giao đáp ứng kế hoạch (đạt khoảng 77,6%). Trong khi đó, dự án thành phần một và dự án thành phần hai mặt bằng được bàn giao không đảm bảo để triển khai thi công. Cụ thể, dự án thành phần một chưa bàn giao mặt bằng còn dự án thành phần hai mới bàn giao được khoảng 5,82%.
Trước tình trạng trên, Ban QLDA2, Bộ GTVT kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai cần quyết liệt chỉ đạobồi thường GPMB cần khẩn trương hoàn thành công tác kiểm đếm, xác định giá đất, lên phương án bồi thường.
Để đẩy nhanh tiến độ GPMB, một mặt cần ưu tiên bàn giao các vị trí mặt bằng để thi công các hạng mục quan trọng của dự án như các vị trí xử lý đất yếu, nút giao, đường tiếp cận công trường, mặt khác ẩy nhanh thủ tục, tổ chức di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến và tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng các khu tái định cư.
Cao tốc Biên Hòa – Đồng Nai không phải dự án duy nhất do Bộ GTVT làm chủ đầu tư bị đội vốn và chậm tiến độ. Đơn cử như dự án Cầu Rạch Miễu 2có tổng mức đầu tư 5.175 tỷ đồng, khởi công tháng 3/2021, dự kiến hoàn thành 2025. Tuy nhiên, sau đó Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng tăng vốn đầu tư cho dự án này thêm 1.634 tỉ đồng đồng thời điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2026 thay vì năm 2025 như phê duyệt trước đó của Thủ tướng. Hay như dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh có tổng mức đầu tư ban đầu là 4.770 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó Bộ GTVT lại có trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh với tổng mức đầu tư tăng từ 4.770 tỉ lên 6.209 tỉ đồng, tức là tăng khoảng 1.439 tỉ đồng. Nguyên nhân khiến dự án này đội vốn cũng được lí giải là do cho phí GPMB tăng. Ngoài ra, chi phí xây dựng, chi phí quản lý dự án cũng tăng vì nhiều nguyên nhân khác nhau.