Da chân đổi màu có phải mắc loại ung thư tế bào hắc tố nguy hiểm?
Vùng da chân xuất hiện nốt màu đen, kích thước tăng theo thời gian. Đi khám, bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư tế bào hắc tố nguy hiểm
Mới đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận nam bệnh nhân 70 tuổi, với dấu hiệu lâm sàng là mảng màu đen ở vùng lòng bàn chân phải, không đau. Bệnh nhân cho biết tổn thương màu đen xuất hiện từ 10 năm trước. Khoảng 1 năm gần đây tổn thương màu đen tăng dần về kích thước.
Sau quá trình khám và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân theo dõi ung thư tế bào hắc tố ở da (Malignant melanoma) ở bàn chân phải.
Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ khối ung thư và xét nghiệm mô bệnh học. May mắn, với kết quả sinh thiết tình trạng ung thư tế bào hắc tố da ở giai đoạn sớm, chưa phát hiện di căn nên chưa cần hóa, xạ trị, bệnh nhân chỉ theo dõi và tái khám định kỳ.
Tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Hữu Quang, Phó trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu, cho biết ung thư tế bào hắc tố là một trong nhiều loại ung thư da ác tính nhất vì tiến triển nhanh, di căn xa.
Dấu hiệu ung thư tế bào hắc tố là các tổn thương màu đen, nâu, thậm chí đỏ hoặc xanh với kích thước trên 6 mm; tiến triển về kích thước; không đồng nhất về màu sắc bất kỳ vị trí nào da và niêm mạc... Với người Việt Nam, tổn thương thường xuất hiện tại các vị trí đầu cực như bàn, ngón tay, chân.
PGS-TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết có 3 loại ung thư da thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư hắc tố. Loại ung thư này có xu hướng trẻ hóa.
Đáng chú ý, hơn 50% bệnh nhân ung thư da khi được chẩn đoán, phát hiện, bệnh đã ở giai đoạn muộn. Trong khi đó, ung thư da được phát hiện sớm thường lành tính, nếu điều trị kịp thời, khả năng khỏi rất cao kể cả với ung thư tế bào hắc tố là loại rất ác tính.
Nguyên nhân theo PGS Doanh, không ít người khi có tổn thương mãn tính kéo dài rồi mới đi khám; nhiều bệnh nhân khi thấy có dấu hiệu bất thường trên da, thay vì đến viện chuyên khoa khám, lại nghe mách nhau bôi thuốc lá, khiến tổn thương biến dạng, loét, chảy dịch…
Do đó, khi thấy các dấu hiệu như có nốt ruồi hoặc vết tăng sắc tố bị đau, xuất huyết, thay đổi kích thước nhanh chóng, xuất hiện vùng da bất thường, biến đổi màu sắc… cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám.
PGS Lê Hữu Doanh cho biết nhằm cập nhật, chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực hành, ứng dụng công nghệ mới và nâng cao chất lượng nghiên cứu, điều trị trong chuyên ngành da liễu, từ ngày 21 đến 23-11 sẽ diễn ra Hội nghị da liễu Đông Dương lần VI, Hội nghị da liễu toàn quốc thường niên, với sự tham gia của hơn 1.400 đại biểu trong nước và quốc tế.
Các ca bệnh khó, xu hướng bệnh, kinh nghiệm điều trị, ứng dụng công nghệ cao... cũng được các chuyên gia chia sẻ tại hội nghị này.
Hội nghị có 2 phiên toàn thể, 16 phiên khoa học, 3 phiên hội thảo chuyên đề và 1 phiên hội thảo tiền hội nghị với hơn 100 báo cáo chuyên môn. Trong đó, gần 30 báo cáo quốc tế là các chuyên gia da liễu đến từ các quốc gia trên thế giới và khu vực như: Mỹ, Ý, Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia...